Thứ Ba, 23/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đừng mừng vì con reo vui

Trong báo cáo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội thì ngoài lý do số ca nhiễm của Hà Nội vẫn tăng cao, thời tiết những ngày tới sẽ rét đậm và rét hại thì còn một lý do nữa: Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con trở lại trường chưa cao.

Nhìn số lượng bình luận ủng hộ quyết định hỏa tốc này của Hà Nội, ai cũng hiểu đó mới là lý do chính. Vì thời tiết dưới 10 độ C, dù không có dịch, trẻ tiểu học sẽ đương nhiên được nghỉ học. Vì việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi là không bắt buộc, phụ huynh được quyền quyết định nên lý do chưa tiêm cho trẻ nên chưa cho trẻ đến trường cũng không đúng.

Đừng mừng vì con reo vui -0
Ảnh: L.G

Chỉ có thể nói rằng lý do chính mà nhiều cha mẹ không đồng thuận cho trẻ đến trường là vì họ sợ COVID, họ không tin vào việc nhà trường có thể đảm bảo an toàn cho con cái của họ, không tin vào lời tuyên bố của Chủ tịch Chu Ngọc Anh phát biểu trên VTV: Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường. Và hơn cả, chính các phụ huynh đang sợ COVID, vẫn đang đếm ca lây nhiễm mà sợ hãi. Tư duy Zero COVID vẫn còn trong nhiều bậc phụ huynh.

“Con nhà em reo vui...”

Tối 18/2/2022, khi tôi trở về nhà, con gái út của tôi, cô bé lớp 5, đã buồn đến mức không thể buồn hơn. Dù trước đó, suốt từ mấy hôm trước khi cô bé giục bố làm khảo sát về việc đồng ý cho con đến trường từ 21/2 không, cô bé đã rất hân hoan. Bạn bè 8 tháng rồi chưa được gặp nhau. Từ đầu năm lớp 5 đến nay đã hết một học kỳ, chuẩn bị thi giữa kỳ 2 rồi, cô bé vẫn chưa được tới lớp gặp bạn bè, thầy cô. Cô bé đã chuẩn bị đủ thứ cho ngày trở lại trường.

Nhất là nhìn anh chị cô bé đã đến trường, cô bé đã khát khao bao nhiêu, mong ngóng bao nhiêu. Thậm chí, cô bé muốn được học cả ngày thay vì chỉ học một buổi. Nhưng cô bé nói: Một buổi thôi cũng được. Miễn là con có thể gặp lại đám bạn con. Con nhớ chúng nó. Suốt ngày chỉ nhìn thấy chúng nó trên điện thoại, máy tính, con chán lắm rồi. Nhưng tối 18/2, cô bé đã buồn. Rất buồn. Cô bé dỡ sách vở ra khỏi ba lô, thở dài thườn thượt.

Khi tôi đưa câu chuyện này ra, nhiều phụ huynh đã đồng thuận và kể những câu chuyện của con họ, nỗi buồn và thất vọng tràn trề của con họ. Nhưng nhiều hơn số bình luận đó, nhiều phụ huynh đã nói: Con em trái ngược hoàn toàn. Nó reo mừng anh ạ. Và em cũng thấy mừng. Quyết định hoãn là sáng suốt. Nhiều cha mẹ còn bảo: Nếu có không hoãn em cũng cho con em ở nhà. Nhìn xem, mỗi ngày gần 4.000 ca, em chưa muốn đẩy con em vào chỗ chết. Và nhiều cha mẹ inbox riêng cho tôi mắng tôi “máu lạnh” khi muốn đẩy con vào chỗ chết. COVID đồng nghĩa là chết, với nhiều người. Chưa kể gần đây báo chí nói nhiều đến di chứng hậu COVID khiến nhiều cha mẹ sốt sình sịch lên. COVID đồng nghĩa với những thứ đáng sợ nhất hiện nay. Nhưng bảo đi tiêm vaccine cho trẻ thì cũng chính những cha mẹ đó cho biết họ sẽ từ chối tiêm vì vaccine chưa được chứng minh an toàn cho tương lai của đứa trẻ. Thậm chí, tôi không biết họ lấy nguồn từ đâu mà cho rằng tiêm vaccine có thể gây vô sinh cho đứa trẻ. Nên làn sóng phản đối tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi thực sự mạnh mẽ. Hay như việc cho trẻ đi học nửa buổi không ăn bán trú cũng thành sự giận dữ của nhiều cha mẹ khi họ phải căng mình ra đưa đón con, nấu nướng cho con. Nhiều cha mẹ kể: 6h sáng, trời lạnh thế mà đã phải dậy đưa con đi học. Đi làm chưa kịp ấm chỗ đã phải tất tả chạy về đón con. Rồi cơm cơm nước nước. Vất không để đâu cho hết. Nên thôi, cũng chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm học rồi. Cho con học online tốt hơn.

Không biết khi bài báo này lên khuôn, Hà Nội sẽ có hỏa tốc nào nữa không nhưng rõ ràng theo đà này, các trường tiểu học và mầm non trong nội thành chắc sẽ còn đóng cửa tiếp.

Đừng nhốt con trong sợ hãi

Điều tôi thấy trăn trở nhất trong câu chuyện phụ huynh reo vui khi có quyết định hoãn trở lại trường đó chính là nỗi sợ hãi trong các phụ huynh đang quá lớn. Có thể nó đã lây lan đến những đứa trẻ, khiến chúng cũng sợ hãi COVID. Tôi đã từng chứng kiến vài đứa trẻ khi vào thang máy, đứng nép sát vào góc thang máy và cúi gằm đầu. Có cảm giác như đứa trẻ đang nín thở. Vì chúng sợ lây COVID. Hay nhiều đứa trẻ sau một thời gian dài ở trong nhà đã không còn muốn ra đường vì sợ lây COVID. Nhiều cha mẹ đã truyền nỗi sợ vào con như cách để con phải biết tự bảo vệ mình khi ra ngoài. Dọa con về những sự khủng khiếp nếu mắc COVID. Giống kiểu cha mẹ xưa dọa có ông ba bị ngoài kia để con đừng ra ngoài khi không có mặt mình. Đến nỗi, một người bạn tôi kể con của cô ấy ở trong nhà cũng đeo khẩu trang, ra đường chỉ vài bước chân, lấy đồ ship giùm mẹ cũng phải lồng 2 cái khẩu trang. Cậu bé thích đá bóng nhưng kể cả khi đá bóng một mình (cậu bé từ chối đá bóng với bạn bè và chỉ đá một mình vì sợ lây), cậu cũng đeo cả kính chống giọt bắn lẫn khẩu trang. Lý do là suốt ngày ông bà kể chuyện người chết vì COVID và bị đi cách ly sẽ phải đi một mình. Cô bạn tôi than thở: Vì dịch nên em phải đưa con về ông bà nhưng giờ thì không sao giúp nó bớt sợ COVID được.

Nhiều cha mẹ cho rằng con cái cứ ở bên cạnh mình thì mới an toàn được. Nên dù tha lôi con đi chơi suốt Tết khắp mọi nơi, cha mẹ vẫn thấy con an toàn hơn là đến trường, khi không có mặt cha mẹ. Những đứa trẻ chỉ cần ra khỏi tầm mắt của cha mẹ là thành sự bất an của cha mẹ. Và họ chấp nhận nhốt đứa trẻ trong nhà (vì họ vẫn phải đi làm). Đến chơi cùng mấy đứa trẻ hàng xóm cũng bị cha mẹ “khuyến cáo”. Nhất là trong thời điểm dịch thế này, khu nào cũng đỏ quạch những tấm biển “Địa điểm cách ly y tế”. Những đứa trẻ chỉ quẩn quanh trong 4 bức tường và màn hình máy tính, điện thoại. Những hệ lụy của việc này như béo phì, cận thị có thể nhìn thấy nhưng những vấn đề về sức khỏe tinh thần thì không cha mẹ nào quan tâm. Như trầm cảm, như rối loạn cảm xúc, như co cụm và mất năng lực tương tác xã hội thì các cha mẹ không tin. Như chính căn bệnh trầm cảm mà hơn 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam đang mắc phải, các cha mẹ vốn không coi đó là bệnh. Thậm chí khi một đứa trẻ 10 tuổi mà ngồi yên một chỗ trong nhiều giờ thì được coi là người lớn, là ngoan chứ không phải nó đang có vấn đề về tâm lý. Các cha mẹ vui khi con thích học online và cảm thấy yên tâm khi con nằm trong tầm mắt mình.

Đừng vui khi con reo mừng

Tôi càng lo lắng hơn khi những đứa trẻ reo mừng vì không phải đi học trực tiếp. Nên nhớ, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ 6-12 tuổi. Chúng reo mừng vốn không phải vì chúng sợ đến trường bị COVID. Chúng reo mừng có thể còn là những lý do khác. Như chúng không muốn đến trường, chúng không thích trường lớp. Chúng bắt đầu có những vấn đề về tương tác xã hội ngoài đời thực. Hoặc chỉ đơn giản, chúng bắt đầu lười việc đến trường, lười giao tiếp xã hội. Như nỗi lo lắng về việc trở lại trường cho thấy trường học không còn là nơi hấp dẫn chúng, bạn bè không còn là niềm vui của chúng, khả năng tương tác xã hội của chúng đang gặp những vấn đề. Và có thể còn đáng sợ hơn, lũ trẻ đang mất hoàn toàn hứng thú với trường lớp. Chúng quen cuộc sống ảo hơn cuộc đời thật.

Có thể nhiều phụ huynh sẽ nói rằng tôi đang nói quá lên. Chứ lũ trẻ không phải đến trường vui là bình thường. Như ngày xưa mỗi lần chúng ta được thông báo nghỉ học, đứa nào chả vui? Nhưng nên nhớ rằng lũ trẻ đã hơn 8 tháng không đến trường. Tức là chúng mất luôn thói quen này rồi. Chúng chỉ thích ở nhà. Giống những đứa trẻ ngày đầu đi học, chúng sợ đến trường vì quen ở nhà có cha mẹ nuông chiều. Chưa kể, tôi biết, nhiều đứa trẻ lớp 1 cho đến lúc này vẫn chưa biết viết, chưa thể ngồi yên được một chỗ. Vì chúng bắt đầu đời sinh viên đại học chữ to trên… giường, trong phòng, có cha mẹ ông bà phục vụ tận miệng. Vậy nên khi chúng reo mừng, tôi nghĩ, cha mẹ phải bắt đầu lo rồi.

Trái ngược với việc háo hức trở lại trường, nhiều đứa trẻ sẽ lo âu, sợ việc trở lại trường còn là vì có thể chúng là nạn nhân của bạo lực học đường, bắt nạt học đường. Nên khi được thông báo hoãn, chúng mừng vui. Chỉ là nhiều cha mẹ không “đọc” được mà chỉ nghĩ rằng đó là chuyện bình thường. Vấn đề tâm lý của trẻ cho đến lúc này, nhiều cha mẹ vẫn coi nhẹ. Trầm cảm ở tuổi này vẫn bị coi là tâm sinh lý tuổi mới lớn. Cho đến khi, như cậu bé lớp 6 hồi trước Tết, nhảy từ tầng 22 xuống, khi đó cha mẹ mới… giật mình.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi