Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới nội dung phương pháp đào tạo tại nhà trường góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

 

Đồng chí Đại tá PGS.TS Lê Hoài Nam, Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu Trưởng nhà trường chủ trì Hội thảo khoa học đổi mới công tác giáo dục đào tạo

Hầu hết học viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đều được bố trí về Công an cấp cơ sở, gồm Công an phường (thuộc các thành phố, thị xã), Công an cấp huyện, một số chuyên ngành đặc thù được bố trí về cấp Bộ như Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng hoặc các Phòng nghiệp vụ thuộc Công an các tỉnh như Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Kỹ thuật hình sự. Với hàng vạn học viên tốt nghiệp ra trường, có mặt ở hầu hết các hệ lực lượng CSND, đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp bảo đảm ANTT, nhiều đồng chí đã trưởng thành, được giao những trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị và lực lượng CAND. Có được kết quả đó, là do sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trong suốt quá trình xây dựng và phát triển; sự phối hợp hiệu quả của Công an các đơn vị, địa phương; trong đó, trực tiếp và quan trọng nhất là vai trò của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường qua các thời kỳ trong lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục đào tạo theo hướng bám sát các Nghị quyết, Chương trình của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân mà trọng tâm là đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo.

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cán bộ thực hành có trình độ trung cấp, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham gia quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn cơ sở, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường thường xuyên chú trọng xây dựng, rà soát, chỉnh sửa nội dung chương trình đào tạo theo hướng nhấn mạnh việc đào tạo kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp, đồng thời, thường xuyên cập nhật nội dung mới, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở. Theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao hiện nay. Trong năm học vừa qua Công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học; nghiên cứu khoa học luôn được nhà trường quan tâm, chỉ đạo sát sao, ngay từ đầu năm học mới đã ban hành kế hoạch, danh mục biên soạn, chỉnh lý giáo trình, tài liệu dạy học dùng cho đào tạo, bồi dưỡng năm học 2021 - 2022. Tiến hành rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, kết quả rà soát có 61 giáo trình, tài liệu cần chỉnh lý và biên soạn mới.

Đã tổ chức hội thảo, nghiệm thu 25 giáo trình, 33 tài liệu dạy học, công tác biên soạn thực hiện đúng quy trình, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu. Hiện nay, về cơ bản hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập; chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học ngày càng được nâng cao góp phần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện 22 đề tài các cấp, đã tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở 02 đề tài cấp Bộ, 10 đề tài cấp cơ sở và 04 chuyên đề lý luận cấp tiểu ban đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.

Trong năm học 2021 - 2022, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài đã có những ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức hội thảo, toạ đàm do tính chất tập trung đông người. Tuy nhiên, trong điều kiện có thể nhà trường đã khắc phục hạn chế, đề ra nhiều giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch, duy trì tổ chức thành công 06 hội thảo khoa học cấp Trường, 08 toạ đàm khoa học nhằm kịp thời nhận diện, tổng kết thực tiễn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm góp phần định hướng đổi mới công tác giáo dục đào tạo của nhà trường theo quan điểm của Nhà nước và Bộ Công an.

 Ngoài ra đã có hơn 300 bài báo khoa học của cán bộ, giáo viên được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo, toạ đàm; đăng ký và triển khai thực hiện 51 sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc tập trung: đổi mới công tác giáo dục đào tạo, phương pháp quản lý, chỉ đạo, tổ chức các mặt công tác trong nhà trường, nội dung về quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Công an Trung ương lần thứ VII; định hướng, giải pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; những nội dung liên quan đến việc ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các mặt công tác của nhà trường đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn.

Bên cạnh việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy phù hợp với mục tiêu, đối tượng đào tạo, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất thực tế của Nhà trường và phù hợp với từng môn học, coi trọng các phương pháp giảng dạy tích cực, tăng cường rèn luyện khả năng tư duy, rèn luyện kỹ năng thao tác và xử lý các tình huống nghiệp vụ, thực hành thành thạo các quy trình nghiệp vụ. Trong những năm gần đây, với cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư, Nhà trường đã coi trọng việc sử dụng các thiết bị dạy học trực quan, sinh động, khai thác có hiệu quả các phòng học lý thuyết chuẩn, phòng học chuyên ngành; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong dạy học.

Cùng với việc tổ chức dạy học, khai thác tối đa các nguồn lực tại chỗ, Nhà trường đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Công an các đơn vị, địa phương tham gia ngày càng có trách nhiệm và hiệu quả hơn vào quá trình tổ chức đào tạo của Nhà trường như cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có kỹ năng truyền đạt vào báo cáo thực tế cho giáo viên, học viên, tham gia một số khâu trong quá trình dạy học như chỉ đạo thảo luận, hướng dẫn làm bài thập, thực hành... qua đó cập nhật, nâng cao kiến thức, năng lực thực tiễn cho học viên ngay tại trường; tiếp nhận giáo viên, học viên nhà trường đến thực tế, thực tập tốt nghiệp; tham gia xây dựng chuẩn đầu ra, biên soạn, thẩm định chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu dạy học. Các khoa chuyên ngành đều ký quy chế phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ theo hệ lực lượng nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, năng lực thực tiễn cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, từ năm học 2016 - 2017, Nhà trường đã phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội tổ chức giảng dạy các học phần chuyên ngành theo hướng vừa học lý thuyết tại trường, vừa tổ chức cho học viên thực hành, thực tập môn học tại địa bàn thực tế, một số chuyên ngành như Cảnh sát QLHC về TTXH, Cảnh sát giao thông thực hiện triệt để việc thực hành, thực tập tại địa bàn.

Với việc chủ động, thường xuyên đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, trong những năm qua chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng CSND I ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực đảm bảo an ANTT ở địa bàn cơ sở, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo đảm ANQG và bảo vệ TTATXH của đất nước. Trước các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra như trên, trong thời gian tới, nhằm tiếp tục đổi mới sâu sắc, toàn diện giáo dục, đào tạo trong CAND nói chung và đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Công an cấp cơ sở trong tình hình mới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an về công tác giáo dục, đào tạo trong CAND, đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT/BCA ngày 20/10/2020 của Bộ Công an về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân và Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển giáo dục, đào tạo của Nhà trường đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu bố trí cán bộ Công an 04 cấp theo đúng phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Hai là, trên cơ sở hệ thống ngành, nghề đào tạo các trình độ trong CAND và khung tiêu chuẩn bố trí cán bộ công an 4 cấp, Nhà trường cần chủ động phối hợp với Cục Đào tạo và Công an các đơn vị, địa phương khảo sát, tổng kết thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cơ sở, để xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo cho từng ngành, chuyên ngành. Trong đó, xác định rõ mục tiêu đào tạo cán bộ thực hành, đưa vào chương trình những nội dung thiết thực, phù hợp, dành phần lớn thời gian cho hoạt động thực hành nghề nghiệp; nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo phù hợp với các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, võ thuật... Sau khi tốt nghiệp học viên được bố trí sử dụng và đáp ứng ngay yêu cầu công tác ở Công an cấp cơ sở. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo một số ngành, chuyên ngành mang tính đặc thù và là thế mạnh đào tạo của nhà trường như Đặc nhiệm, Quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở, Kỹ thuật hình sự… đạt trình độ khu vực và góp phần xây dựng những lực lượng này tiến thẳng lên hiện đại theo chủ trương của Bộ Công an.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, chủ yếu hướng dẫn cách tiếp cận, giải quyết vấn đề, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của học viên, lấy khả năng thích ứng, hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác của học viên sau khi tốt nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường; kết hợp chặt chẽ giữa dạy học và nghiên cứu khoa học, giữa lý luận và thực tiễn, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho học viên; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; chú trọng đào tạo tay nghề, kỹ năng giải quyết và xử lý tình huống phát sinh tại địa bàn cơ sở; tiếp tục triển khai thực hiện học viên học lý thuyết tại trường, thực hành thực tập ở địa bàn cơ sở, nhất là địa bàn các xã đã được bố trí lực lượng Công an chính quy để rèn luyện, nâng cao kiến thức nghề nghiệp cho học viên ngay khi còn đang học trong trường.

Bốn là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô của nhà trường. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn chức danh theo quy định của nhà nước, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng sư phạm, năng lực thực tiễn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học; chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, thái độ và ý thức trách nhiệm đối với nghề nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách động viên, khuyến khích bảo đảm để đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của nhà trường, đồng thời có cơ chế thu hút, tuyển được cán bộ thực tiễn có nhiều kinh nghiệm công tác chuyên môn, có năng lực sư phạm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo về trường làm giáo viên giảng dạy tại các khoa nghiệp vụ.

Năm là, tiếp tục phối hợp hiệu quả với Công an các đơn vi, địa phương trong việc tham gia xây dựng chuẩn đầu ra, biên soạn, thẩm định chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu dạy học; đánh giá sản phẩm đào tạo của Nhà trường và lấy ý kiến phản hồi của cựu học viên về các mặt công tác của nhà trường; tiếp nhận giáo viên, học viên nhà trường đến thực tế, thực hành nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp; cử cán bộ báo cáo thực tế cho giáo viên, học viên và tham gia một số khâu trong quá trình dạy học như chỉ đạo thảo luận, hướng dẫn làm bài thập, thực hành... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Sáu là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần chỉ đạo tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng, điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học viên. Quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống phòng học thực hành cho học viên, trang bị, phương tiện kỹ thuật dạy học theo hư­ớng hiện đại, có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện điều kiện giảng dạy, làm việc của giáo viên. Tiếp tục đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án phát triển mở rộng địa điểm Nhà trường để đáp ứng được quy mô đào tạo của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo.

Bài: Phòng QLĐT

Biên tập: Minh Quyết

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi