Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học các môn chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới

Nghị quyết 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị trung ương 8 Khóa XI thông qua xác định:“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học”.

Luật Giáo dục năm 2019 cũng chỉ rõ: "Phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên, đây vừa là yêu cầu vừa là mục đích về đổi mới nội dung, PPDH nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD&ĐT trong tình hình hiện nay.

Lãnh đạo, cán bộ Khoa Cảnh sát hình sự nỗ lực công tác, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Nhằm quán triệt và tổ chức có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW trong lực lượng Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân” đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, góp phần giữ vững An ninh quốc gia, đảm bảo Trật tự an toàn xã hội. Ngày 28/10/2014, Bộ trưởng Bộ Công an ra chỉ thị số 13/CT-BCA về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân”, trong đó nhấn mạnh “Tập trung đổi mới nội dung, chương trình giáo dục theo hướng chuẩn hóa, chắt lọc về nội dung, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo… Chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng rèn luyện tay nghề, nhân cách nghề nghiệp, tác phong ứng xử cho học viên”. Đây là những tiền đề, cơ sở quan trọng cho công tác đổi mới nội dung, phương pháp dạy học trong lực lượng CAND nói chung, Khoa Cảnh sát hình sự trường Cao đẳng CSND I nói riêng.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 17-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân”, Chỉ thị số 13/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân”, Trường Cao đẳng CSND I đã ban hành các Nghị quyết lãnh đạo, cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác GD&ĐT trong nhà trường; các đơn vị tham mưu đã tích cực, chủ động ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác đổi mới nội dung, PPDH, đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh cho giảng viên, giáo viên, phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, cử giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo GD&ĐT trong nhà trường.

Quán triệt và nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Cấp ủy, lãnh đạo Khoa Cảnh sát hình sự đã tập trung, thống nhất trong việc chỉ đạo đổi mới các mặt công tác của đơn vị, trong đó đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một trong những nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm, xuyên suốt mà Khoa Cảnh sát hình sự luôn xác định trong các Nghị quyết của Chi bộ, Chương trình, kế hoạch công tác năm học.

Cấp ủy, Lãnh đạo Khoa Cảnh sát hình sự luôn làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giảng viên trong đơn vị, đồng thời thường xuyên quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, Nghị quyết, Chương trình hành động của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của giảng viên.

Cấp ủy, Lãnh đạo Khoa Cảnh sát hình sự đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên trong đơn vị. 100% Giảng viên trong đơn vị đã được cử đi học tập, đi bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo lý luận chính trị... Khoa Cảnh sát hình sự đã chủ động trong việc cử cán bộ, giảng viên đi luân chuyển có thời hạn theo tinh thần Thông tư số 04/2009/TT-BCA ngày 20/01/2009 của Bộ Công an, “quy định về luân chuyển có thời hạn giáo viên nghiệp vụ của các học viện, trường Công an nhân dân đến công tác tại Công an các đơn vị địa phương”; đi công tác thực tế theo quy định tại Thông tư 44/2014/TT-BCA ngày 07/10/2014 của Bộ Công an, “quy định về công tác thực tế của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp Công an nhân dân”. Đến thời điểm hiện tại, số giảng viên của Khoa đã được cử đi luân chuyển là 06 đồng chí (trong đó có 03 đồng chí đã có thời gian công tác từ 03 năm trở lên tại các đơn vị nghiệp vụ của Công an các đơn vị địa phương); 100% giảng viên trong đơn vị hoàn thành chỉ tiêu đi thực tế trong niên hạn theo quy định. Kinh nghiệm thực tiễn từ những lần luân chuyển, thực tế, những buổi mời báo cáo thực tế cùng việc tổng kết lý luận của hoạt động hội thảo, tọa đàm… đã được giảng viên chủ động cập nhật, bổ sung vào bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy.

Khoa Cảnh sát Hình sự phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức Tọa đàm phát triển khả năng trinh sát cho học viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự và ra mắt Câu lạc bộ Trinh sát hình sự

Đội ngũ giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự ngày càng phát triển, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn công tác. Về nhận thức, giảng viên đều khẳng định đổi mới nội dung, phương pháp dạy học không phải là thay đổi các phương pháp dạy học đã có mà cần phát huy các yếu tố tích cực của PPDH đó, vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại nhằm thay đổi cách dạy của giảng viên, phương pháp học của người học, chuyển từ học tập thụ động sang học tập tích cực, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học. Trên cơ sở nhận thức đó, giảng viên đã kết hợp nhiều phương pháp, cách thức giảng dạy, không đơn thuần truyền thụ kiến thức kiểu một chiều (Thầy, Cô đọc – Trò chép) mà lồng ghép nhiều phương pháp sư phạm tích cực (Hỏi đáp, nêu vấn đề, nêu kiến thức, trực quan, sử dụng biểu đồ tư duy...) kết hợp với các phương pháp dạy học hiện đại sử dụng các phần mềm tin học, bài giảng điện tử; Giảng viên đã tích cực khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị thiết bị dạy học, đẩy mạnh khai thác, sử dụng phòng học thực hành nghiệp vụ chuyên ngành với tổng số 33 trang thiết bị thực hành như: Thiết bị thu phát xuyên tường; thiết bị thu thập nhanh dữ liệu từ máy tính; thiết bị phát hiện đối tượng qua khe cửa hẹp; thiết bị định vị GPS; điện thoại vệ tinh; thiết bị vô hiệu hóa điện thoại di động; thiết bị quan sát ban đêm... Nhìn chung, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của khoa đã được đội ngũ giảng viên khai thác, vận hành có hiệu quả vào công tác giảng dạy. Về đổi mới hình thức thi, kiểm tra: Bên cạnh hình thức kiểm tra tự luận đang được áp dụng hiệu quả, Khoa Cảnh sát hình sự đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức thi, kiểm tra sang trắc nghiệm, thực hành, vấn đáp, bài tập chuyên môn... bước đầu phản hồi từ phía học viên và kết quả đào tạo cho thấy sự hiệu quả của các hình thức thi, kiểm tra này.

Quá trình đổi mới nội dung, phương pháp dạy học các môn chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội của Khoa Cảnh sát hình sự đã nâng cao chất lượng học tập của học viên, kết quả học tập của học viên các năm đều có xu hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, phản hồi của học viên đối với việc dạy và học ngày càng tích cực hơn, học viên đã thực sự trở thành trung tâm của quá trình dạy học. Qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đã phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động của học viên, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng giáo trình, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự, góp phần bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự trong tình hình hiện nay.

Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, Khoa Cảnh sát hình sự cần tập trung thực hiện tốt sột số nhiệm vụ sau: Tiếp tục làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Hướng dẫn của cấp trên về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc kiện toàn đội ngũ giảng viên, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự; tổ chức tốt hoạt động thực tế, luân chuyển; hội thảo, tọa đàm và mời báo cáo thực tế; tổ chức tập huấn, sử dụng phòng thực hành nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, trong biên soạn hồ sơ, giáo án điện tử; xây dựng và phát triển mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nhà trường trong quá trình tổ chức đào tạo học viên chuyên ngành.

Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học các môn nghiệp vụ chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội phải được tiến hành thường xuyên, có chiều sâu, định kỳ cần phải được sơ kết, tổng kết để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Công an các đơn vị, địa phương, phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự trong giai đoạn hiện nay.

Trung tá, TS Nguyễn Chí Thành Trưởng khoa Cảnh sát hình sự

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi