Thứ Năm, 25/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giảng viên với hoạt động hội giảng

Trước hết, đối với Nhà trường, việc tổ chức cho giảng viên tham gia Hội giảng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học; ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những nhà giáo có thành tích trong phong trào thi đua dạy giỏi; là cơ sở để xét danh hiệu thi đua theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an đối với đội ngũ nhà giáo. Trong phong trào hội giảng cấp Bộ thì việc tham gia và đạt thành tích trong các kỳ Hội giảng còn khẳng định vị trí, vai trò, “thương hiệu” và chất lượng giảng dạy của từng trường trong khối các trường Công an nhân dân.

Còn đối với giảng viên, tại sao lại cần tham gia Hội giảng?

Có thể nói rằng, khi tham gia sân chơi đầy bổ ích này, giảng viên có thể đạt được rất nhiều mục tiêu.

Thứ nhất, Đây là cơ hội để giảng viên có dịp thể hiện sự hiểu biết, kiến thức chuyên môn sâu về bài giảng mà mình thực hiện; phô diễn các phương pháp sư phạm tích cực; trình diễn khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại một cách linh hoạt, hiệu quả; đồng thời khẳng định bản lĩnh, sự tự tin, khả năng hùng biện, thuyết trình khi đứng trước đám đông và trước những hội thi lớn.

Thứ hai, Tham gia Hội giảng sẽ là một động lực tích cực để giúp giảng viên tự hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nghiên cứu sâu hơn về bài giảng mà mình lựa chọn để dự thi, sưu tầm nhiều tài liệu khác nhau liên quan đến bài giảng; rèn luyện thêm kỹ năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động dạy học; trau dồi nghiệp vụ, phương pháp sư phạm; giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp ở trong và ngoài trường.

Thứ ba, Khi tham gia Hội giảng, giáo viên sẽ đạt những thành tích đđược công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường (phải đạt 02 bài dạy giỏi cấp trường trong 04 năm gần nhất đề nghị xét), hoặc để được công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Bộ (phải có 02 lần đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường, hoặc có ít nhất 01 lần đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường và đạt một trong các giải Nhất, Nhì, Ba trong Hội thi giảng viên dạy giỏi, giáo viên dạy giỏi của Bộ Công an)[1]. Đồng thời, thành tích khi tham gia hội giảng để giảng viên tích lũy các tiêu chí xét chức danh giảng viên chính (phải được công nhận ít nhất 01 lần là giảng viên dạy giỏi cấp Bộ hoặc 02 lần là giảng viên dạy giỏi cấp trường- theo điểm i, Khoản 4, Điều 6 Thông tư 09/2010)[2].

Vì những lý do trên có thể khẳng định, đối với giảng viên, việc tham gia Hội giảng là hết sức cần thiết. Vậy, làm thế nào để tham gia Hội giảng đạt kết quả tốt?

Theo quy định tại Thông tư số 56/2010/TT-BCA ngày 14/12/1010 quy định về dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp CAND, giáo viên khi tham gia Hội giảng đều phải thực hiện 3 nội dung:

1. Thi hồ sơ bài giảng;

2. Thi hiểu biết về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, huấn luyện;

3. Thi thực hành bài giảng 04 tiết (bao gồm 2 tiết lý thuyết và 2 tiết xêmina, thảo luận hoặc hướng dẫn thực hành, làm bài tập).

Để thực hiện tốt các nội dung này, giảng viên trước hết cần chú trọng tới việc chọn bài để tham dự hội giảng. Không nên chọn những bài quá dài (vì sẽ mất công chuẩn bị hồ sơ, giáo án..), cũng không nên chọn bài quá ngắn (vì sẽ không đủ điều kiện để xét giải), bài ít nhất phải có từ 4 tiết trở lên (có cả giảng lý thuyết và thực hành,thảo luận hay làm bài tập). Là bài giảng thuộc sở trường của giảng viên, giảng viên có nhiều tài liệu và có những nội dung thu hút được người nghe.

Để chuẩn bị cho phần thi hồ sơ bài giảng:

Về nội dung: Giảng viên phải chuẩn bị đủ 8 tập hồ sơ theo quy định chung, có đầy đủ các nội dung và tài liệu theo hướng dẫn. Phần tài liệu tham khảo không nên đưa quá nhiều tài liệu mà cần chọn lọc những tài liệu tiêu biểu, thiết thực phục vụ cho nội dung bài giảng; tuy nhiên vẫn cần đảm bảo sự phong phú khi sưu tầm: có tài liệu bằng phim ảnh, sách, báo, đề tài khoa học, luận văn thạc sỹ, các báo cáo tổng kết của cơ quan Công an - VKS hay tòa án, các chuyên án…

Về hình thức: Hồ sơ phải được trình bày sạch, đẹp, khoa học, dễ sử dụng và tra cứu. Nếu giảng viên không được tự mình đứng ra thuyết trình hồ sơ thì nên có một bản thuyết minh hồ sơ để lên trên cùng.

Đối với phần thi hiểu biết về lĩnh vực giáo dục…Ở phần thi này trong những năm trở lại đây thường được tổ chức theo hình thức thi tự luận, đề thi được ra dưới dạng đề thi mở, cho phép giảng viên được sử dụng tài liệu nên chuẩn bị càng nhiều tài liệu có liên quan đến nội dung thi càng tốt. Đề thi tự luận thường có liên quan mật thiết tới các mục tiêu ngắn hạn, các phong trào, chủ trương hàng năm của ngành giáo dục như: chống tiêu cực trong thi cử, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của người học…Tham gia dự thi, giảng viên nên mang theo máy tính xách tay có thể kết nối Internet để tra cứu thông tin. Trong quá trình viết bài thi cần biết chọn lọc các loại tài liệu, trình bày ngắn gọn nhưng sâu sắc, có liên hệ với Nhà trường và đơn vị nơi mình công tác.

Với phần thi thực hành bài giảng: Đây là phần thi thể hiện rõ nét nhất bản lĩnh, khả năng sư phạm và kiến thức của giảng viên, được coi là phần thi quan trọng nhất vì được tính hệ số 3 (trong khi hai phần thi trên chỉ được tính hệ số 1).

Trong phần lý thuyết: Giảng viên là người chủ động về thời gian, cung cấp phạm vi kiến thức. Cần thống nhất nội dung giảng dạy giữa giáo án viết, trình chiếu power point và thuyết trình của giảng viên. Về nội dung lý thuyết, nên đưa ra những nội dung cụ thể, dễ hiểu (tránh đưa những kiến thức hàn lâm, cao siêu, rườm rà, không phù hợp với trình độ của học viên). Nên đưa nhiều ví dụ thực tiễn, mang tính thời sự vào bài giảng, khi phân tích ví dụ cần làm sáng tỏ nội dung lý thuyết vừa cung cấp cho học viên. Trong quá trình giảng cần vận dụng linh hoạt các phương pháp sư phạm tích cực như: Nêu vấn đề, so sánh, hỏi đáp… có thể chèn các đoạn phim ngắn, hình ảnh, âm thanh vào giáo án điện tử để tránh nhàm chán, đơn điệu, tăng sự chú ý, giúp học viên tiếp thu bài học bằng tất cả các giác quan.

Phần chỉ đạo thảo luận hoặc hướng dẫn học viên thực hành, làm bài tập:Là nội dung mà giảng viên phải đầu tư thời gian và công sức nhiều hơn phần giảng lý thuyết. Tiết thảo luận, làm bài tập có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự cộng tác của học viên. Giảng viên cần lựa chọn những nội dung thảo luận (hay bài tập) có tính vấn đề để học viên có điều kiện thảo luận, tạo sự sôi nổi trong giờ học, nêu câu hỏi (hoặc tình huống bài tập) từ dễ đến khó để khuyến khích học viên tham gia. Nên áp dụng nhiều hình thức thảo luận (cả thảo luận nhóm và thảo luận cả lớp) nhằm tránh trường hợp nhiều thành viên trong nhóm thụ động, ỷ lại cho một số thành viên tích cực của nhóm tham gia phát biểu. Giảng viên cần biết cách kích thích sự chủ động tham gia của học viên vào giờ thảo luận, làm bài tập, để học viên thực sự là người giữ vai trò chính trong giờ học, giảng viên giữ vai trò là trọng tài, cố vấn, chỉ đạo, hướng dẫn. Cần chú ý các phương án dự phòng để tránh “lụt” hoặc “cháy” giáo án (thiếu hoặc thừa thời gian); bởi khi thảo luận, việc điều tiết thời gian không chỉ phụ thuộc vào giảng viên mà còn phụ thuộc phần lớn vào thời gian phát biểu của học viên.

Trên đây là một số những kinh nghiệm thực tế của tác giả bài viết, rất mong sẽ giúp ích phần nào cho các đồng chí giảng viên trẻ khi tham gia Hội giảng các cấp. Các giảng viên nên chủ động tham gia hội giảng, bởi đây là cơ hội tốt nhất để khẳng định trình độ, năng lực của bản thân. Sự chuẩn bị thật tốt các yếu tốt nêu trên, chắc chắn giảng viên sẽ đạt thành tích cao trong các kỳ Hội giảng. 

Bài: Trần Tuyết Trinh (B2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi