Thứ Sáu, 29/3/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hội thảo Khoa học cấp Bộ: Phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Tới tham dự và đóng góp ý kiến vào hội thảo, về phía khách mời có Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công an; Đồng chí Đại tá Trịnh Văn Cường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Viện Chiến lược và Khoa học Công an (V21); Cục Cảnh sát môi trường (C49); Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46); Cục Cảnh sát giao thông (C67); Học viện Cảnh sát nhân dân; đại diện các đơn vị chức năng Công an thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Công an tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Về phía nhà trường có đồng chí Đại tá, TS Bùi Quang Vũ - Hiệu trưởng nhà trường, chủ trì hội thảo; các đồng chí trong Ban Giám hiệu;  các đồng chí ban biên tập đề tài và Lãnh đạo các Khoa, Bộ môn, các phòng chức năng của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.

 

Đồng chí Đại tá, TS Bùi Quang Vũ, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì hội thảo,
chỉ đạo biên soạn đề tài

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Đại tá, TS Bùi Quang Vũ, Hiệu trưởng nhà trường đã khái quát sơ qua về tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông hiện nay trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Theo đồng chí, trong những năm gần đây, thực trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông đang trở thành vấn đề hết sức nóng bỏng. Nghiêm trọng hơn, nạn “cát tặc” liên tiếp diễn ra ngày càng phức tạp, hoạt động theo kiểu xã hội đen” để thao túng hoặc đe dọa cán bộ, chính quyền cơ sở; ngoài ra, một bộ phận cán bộ trong cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương có những biểu hiện thoái hóa, biến chất đã móc nối với các đối tượng ngoài xã hội, lợi dụng chính sách nạo vét lòng sông để khai thác trái phép, tận thu cát, sỏi gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Với số trường hợp vi phạm bị kiểm tra, phát hiện chiếm 2/3 cả nước, hiện đồng bằng sông Hồng được xác định là địa bàn nóng nhất trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông cũng như hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động trên. Do đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông luôn được các cấp chính quyền, lực lượng công an các tỉnh đồng bằng sông Hồng đặc biệt quan tâm, thực hiện, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Xuất phát từ những lý do đó, Năm 2017, Trường Cao đẳng CSND I được Bộ Công an giao thực hiện Đề tài KH&CN cấp Bộ nói trên.

 

Đồng chí Trung tá, TS Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng, chủ nhiệm đề tài
 phát biểu tại hội thảo

 

Đồng chí Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quang Trung - Phó Viện trưởng
Viện CL & KH CA đưa ra những quan điểm và đề xuất cá nhân tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các đơn vị chức năng có liên quan. Thông qua những báo cáo tham luận được gửi về và các  ý kiến phát biểu tại hội thảo; các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu đến từ các Cục nghiệp vụ, cơ quan nghiên cứu, Công an các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã chỉ ra những thuận lợi cũng như khó khăn, tồn tại hiện nay trong công tác này. Đồng thời, các đồng chí đề xuất thêm nhiều giải pháp mới góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi lòng sông tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

 

Đồng chí Đại tá Trịnh Văn Cường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình
 phát biểu những ý kiến tham luận sâu sắc tại Hội thảo

Tham dự hội thảo đồng chí Đại tá Trịnh Văn Cường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình phát biểu: Công an tỉnh Hòa Bình đã xây dựng nhiều kế hoạch nhằm phối hợp chính quyền địa phương các cấp và Sở tài nguyên môi trường tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm tra, xử lý và xem xét cấp phép, quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, kiểm soát nắm tình hình, rà soát các đối tượng có thủ đoạn khai thác trái phép trên địa bàn tuyến hạ lưu sông Đà và các lòng sông trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó tỉnh đã kiềm chế gia tăng tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, ổn định tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Hội thảo diễn ra mang lại ý nghĩa quan trọng, sự tham gia và có mặt đông đủ của các nhà khoa học, các đồng chí làm công tác thực tiễn tại Công an các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã giúp cán bộ, giảng viên nhà trường có cơ hội tiếp thu những kiến thức thực tiễn vô cùng quý báu, bổ sung phát triển lý luận nghiệp vụ công tác công an nói chung và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường nói riêng. Đồng thời, buổi hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến mang tính đột phá, góp phần phát triển lý luận nghiệp vụ công tác công an, từ đó giúp Ban chủ nhiệm hoàn thành việc nghiên cứu đề tài cấp Bộ một cách xuất sắc.

Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, lãnh đạo, đại biểu đến từ các Cục nghiệp vụ, Công an các tỉnh đồng bằng sông Hồng

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đại biểu đến từ CSGT đường thủy đã đề xuất cần chỉnh sửa lại những văn bản hướng dẫn luật có liên quan trong công tác xử phạt vi phạm

Tin, ảnh: Mai Hương (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi