Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Ngành Cơ yếu Việt Nam (12/09/1945 - 12/09/2022) và Cơ yếu Công an nhân dân (24/09/1945 - 24/09/2022)

Cách đây 77 năm, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, chỉ đúng 10 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 12/9/1945 là thời điểm lịch sử trong chặng đường đầy vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.

Trong suốt 77 năm qua, cán bộ, nhân viên Cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam luôn biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc, chở che của nhân dân cả nước, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành, địa phương; đặc biệt luôn ghi nhớ công lao đóng góp của thế hệ cha anh, của gần 800 liệt sỹ Cơ yếu đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường, các thương binh đã hy sinh một phần máu xương của mình, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước, hun đúc nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam.

Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật thông tin cơ mật trọng yếu chiếm một vị trí quan trọng.  Có thể nói, đó là những tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Cơ yếu Việt Nam, xác định rõ phương châm, nguyên tắc hoạt động của Ngành. Tư tưởng đó đặt công tác bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang ở vị trí cơ mật; khẳng định nguyên tắc cốt lõi của bảo mật thông tin là "bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống"; công tác tổ chức, xây dựng lực lượng và quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ phải tập trung, thống nhất, chặt chẽ, nghiêm ngặt và quân sự hóa; đòi hỏi phẩm chất đạo đức, phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác Cơ yếu phải "Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo".

Từ tổ chức Cơ yếu đầu tiên được thành lập, trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Cơ yếu Việt Nam trở thành một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về Cơ yếu, ngành Cơ yếu Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ 4 nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm sau: (1) Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin của lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực vũ trang trong mọi tình huống. (2) Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. (3) Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước, phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông thực hiện các biện pháp ứng phó với cuộc chiến tranh thông tin.(4) Quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước (mật mã dân sự).

Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam. Đó vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt, khích lệ to lớn và động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước cho những nỗ lực, phấn đấu liên tục, không ngừng trong suốt 77 năm qua của ngành Cơ yếu, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho ngành Cơ yếu Việt Nam.

Cùng với ngành Cơ yếu Việt Nam, trong suốt 77 năm qua, Cơ yếu Công an nhân dân luôn thấm nhuần sâu sắc quan điểm bảo mật thông tin của Đảng từ đó xây dựng và phát triển hệ thống Cơ yếu đồng bộ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu mới của đất nước và nhiệm vụ của ngành Công an, công tác bảo mật thông tin càng cực kỳ quan trọng, cấp bách và thường xuyên. Lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác Cơ yếu tạo động lực to lớn, nâng cao hiệu quả đóng góp của công tác Cơ yếu với nhiệm vụ chung của toàn lực lượng.

Đối với trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, sau khi sáp nhập theo chủ trương của Bộ Công an, nhà trường đã ra quyết định mở đầu mối mạng Cơ yếu cấp I để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong điều kiện còn nhiều hạn chế  về cơ sở vật chất, dưới sự chỉ đạo của Đảng Uỷ, Ban giám hiệu và lãnh đạo phòng HCTH, bộ phận Cơ yếu đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt các yêu cầu đặt ra. Tham mưu đề xuất với nhà trường trong việc bước đầu phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Cục Viễn thông và Cơ yếu - Bộ Công an triển khai mở đầu mối mạng liên lạc Cơ yếu cấp I; chỉ đạo đơn vị chức năng quản lý, sử dụng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống máy mã, tài liệu mật mã, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã theo quy định.

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, bộ phận Cơ yếu tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, chủ động nghiên cứu, căn cứ tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về công tác Cơ yếu; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác Cơ yếu và Luật Cơ yếu cũng như các quy định hướng dẫn của Bộ Công an;

Hai là, tiếp tục đề xuất các cấp lãnh đạo hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như bổ sung nhân sự và bảo đảm thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đối với hoạt động Cơ yếu và lực lượng Cơ yếu;

Ba là, đưa ra các sáng kiến đổi mới phương thức hoạt động của công tác Cơ yếu, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ yếu và các sản phẩm mật mã, kỹ thuật mật mã phù hợp với chức năng nhiệm vụ, điều kiện của nhà trường;

Bốn là, cử cán bộ đi đào tạo chuyên ngành về Cơ yếu và tiếp tục tham gia các lớp tập huấn định kỳ để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Biên tập: Minh Quyết

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi