Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đáp ứng yêu cầu công tác khai thác thông tin, tài liệu cho cán bộ, giáo viên, học viên Trường Cao đẳng CSND I trong thời kỳ công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, sự lan toả của nó diễn ra càng nhanh chóng. Hoạt động thư viện - thông tin cùng với những lĩnh vực liên quan mật thiết khác như nghiên cứu, đào tạo, truyền thông, xuất bản… cũng đã ảnh hưởng và chịu sự tác động bởi cuộc CMCN 4.0 một cách sâu sắc. Cùng với mọi ngành nghề trong xã hội, ngành thư viện - thông tin bước vào thời đại của cuộc CMCN 4.0 với đặc trưng là nền sản xuất thông minh được phát triển trên ba trụ cột chính là: Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học và Vật lý.

Đồng chí Đại tá, Ths Nguyễn Phấn Lý, Phó Hiệu trưởng Nhà trường
phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm“Nâng cao hiệu quả hoạt động của Thư viện Trường Cao đẳng CSND I đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giáo dục, đào tạo đặt ra hiện nay”

 

Về bản chất, hoạt động của thư viện là tác động tới thông tin - phản ánh kết quả hoạt động của con người trong xã hội. Nội dung hoạt động đặc thù này của thư viện chính là việc tổ chức, cung cấp thông tin đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng tin (NDT) một cách có hiệu quả và thuận lợi. Như vậy, nguồn tin với tư cách là đối tượng tác động chính là nền tảng thiết yếu để triển khai hoạt động của thư viện.

Đề cập tới sự tương đồng và không sợ làm mất đi tính tổng quát của vấn đề được nêu, có thể thấy nguồn tin của thư viện chính là sản phẩm, kết quả của các hoạt động nghiên cứu, đào tạo. Đặc tính này là xuyên suốt đối với sự hình thành và phát triển của thư viện. Trong kỷ nguyên CMCN 4.0, nguồn tin dạng số, đặc biệt là nguồn tin trực tuyến trở thành đặc trưng cơ bản - yếu tố tạo nên sự đổi mới căn bản và toàn diện phương thức hoạt động của thư viện ngày nay.

Điểm khác biệt căn bản của nguồn tin hiện nay là chúng tạo thành một khối dữ liệu lớn, một không gian thông tin chung thống nhất, bao trùm mọi tài liệu khoa học và liên thông với nhau. Trong khối dữ liệu lớn, không tồn tại bất kỳ tài liệu nào được hình thành mà hoàn toàn biệt lập với các tài liệu khác: giữa chúng đều có mối liên kết dữ liệu phản ánh các quan hệ trích dẫn qua lại với nhau. Với một tài liệu khoa học bất kỳ (luận án, báo cáo khoa học, sách, bài tạp chí… của ai, viết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, xuất bản ở đâu và vào bất cứ lúc nào) trong khối dữ liệu lớn đó, có thể xây dựng được thuật toán, ngoài việc đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi thông thường ở các thư viện, còn cho các câu hỏi như: Công trình khoa học đó đã trích dẫn đến những tài liệu nào? Những công trình khoa học nào có cùng chủ đề đã cùng trích dẫn trong số các tài liệu mà nó đã trích dẫn đến? Điều này là dễ hiểu bởi chỉ có như thế, IoT mà vật ở đây là các tài liệu khoa học, các chủ thể khoa học đóng vai trò là không gian thông tin thống nhất kể trên.

Trước những thay đổi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, thư viện Trường Cao đẳng CSND I cũng đã có những cải tiến trong việc đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin, tài liệu cho cán bộ giáo viên nhà trường đặc biệt với đặc thù hệ thống học liệu của các trường CAND đa số là các tài liệu được bảo quản theo chế độ tài liệu mật, không thể tìm kiếm, khai thác trên mạng Internet.

Theo Chương I, Điều 3 Luật Thư viện năm 2019 do Quốc hội ban hành ngày 21/11/2019 nêu rõ: Thư viện số là thư viện hoặc một bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng  thư viện truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Tài nguyên thông tin là tập hợp các loại hình tài liệu, dữ liệu gồm tài liệu in, tài liệu viết tay, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu số, tài liệu vi dạng gồm vi phim, vi phiếu, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật và tài liệu, dữ liệu khác. Tài nguyên thông tin của thư viện luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của thư viện. Một trung tâm thư viện muốn thực hiện tốt được vai trò, nhiệm vụ của mình cần phải xây dựng, phát triển được nguồn tài nguyên thông tin không chỉ phong phú, đa dạng, giàu có về nội dung mà loại hình tài liệu cũng phải phù hợp với loại hình thư viện. Do vậy, Trung tâm luôn chú trọng công tác xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên thông tin nhằm xây dựng cho thư viện hệ thống tài liệu không chỉ phong phú, đa dạng mà còn phải mang tính chuyên biệt của thư viện chuyên ngành trong lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu công tác khai thác thông tin, tài liệu cho cán bộ giáo viên của nhà trường.

Kết quả đạt được

Được sự quan tâm của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Trung tâm đã được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác khai thác thông tin, tài liệu của cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường. Người được giao quản lý nguồn tài nguyên thông tin là cán bộ của Trung tâm đều có nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm, có trình độ tin học, sử dụng thành thạo các phần mềm Word, Excel, phần mềm quản lý nhập sách, mượn sách, dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các khoa học công nghệ mới vào công tác quản lý và khai thác thông tin, tài liệu.

Phòng Khai thác thông tin điện tử phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập đốivới cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường

 

Đối với Thư viện điện tử: được sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, mô hình thư viện điện tử đã hình thành và hoạt động song hành với thư viện truyền thống tại Thư viện trường Cao đẳng CSND I. Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cho hệ thống thông tin bao gồm 02 máy chủ và hơn một trăm máy trạm kết nối mạng Lan và mạng Internet….cùng với hệ thống trang thiết bị hỗ trợ nghiệp vụ hiện đại như máy in thẻ, máy tra cứu thông tin, máy đọc mã vạch, hệ thống phát sóng wifi, hệ thống cổng từ an ninh,… Bên cạnh đó, thư viện đã được trang bị phần mềm quản lý thư viện Ilib đáp ứng chuẩn nghiệp vụ đảm bảo cho việc tự động hóa công tác nghiệp vụ và liên thông, trao đổi nguồn lực thông tin thông qua các chức năng biên mục tài liệu, quản lí bạn đọc, quản lý kho…

Cán bộ thư viện sắp xếp tài liệu khoa học đảm bảo phục vụ kịp thời bạn đọc

 

Hiện nay, Thư viện Nhà trường đang quản lý hơn 10.000 đầu tài liệu, với hơn 230.000 cuốn sách đã được biên mục, số hóa trên 300.000 trang sách điện tử, gồm các giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, các đề tài khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khoá luận tốt nghiệp, các báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề nghiệp vụ, hồ sơ vụ án đã xét xử của Bộ Công an và Công an đơn vị địa phương các loại sách, truyện, báo, tạp chí, ấn phẩm khác (Trong đó, sách do Tư liệu quản lý có 2.981 đầu sách, với 115.485 cuốn, được bố trí, sắp xếp theo từng khoa nghiệp vụ chuyên ngành). Trung tâm Tư liệu và Thư viện luôn đáp ứng mọi yêu cầu cơ bản về công tác khai thác thông tin, tài liệu của cán bộ giáo viên nhà trường.

 

Học viên học tập, nghiên cứu tài liệu tại Phòng đọc thư viện

 

Trung tâm thường xuyên đổi mới nâng cao việc quản lý như phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý học viên trong việc quản lý tài liệu cho học viên mượn theo mã số cá biệt đối với từng học viên, gắn trách nhiệm của cán bộ thủ thư, giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ lớp và học viên mượn tài liệu, đảm bảo công tác quản lý luôn chặt chẽ, theo đúng quy định của Nhà trường về công tác Tư liệu, thư viện. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư liệu, thư viện không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tài liệu; thái độ phục vụ tốt, không ngừng được đổi mới, cải tiến phương thức phục vụ từ thụ động sang chủ động, tích cực giới thiệu những cuốn sách thông qua hệ thống phát thanh vào các buổi chiều hàng tuần để cán bộ, học viên tiện tra cứu và tìm đọc. Để phục vụ cho công tác chuyên môn, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã tham mưu và ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác khai thác, sử dụng tài liệu như: Nội quy phòng đọc nghiệp vụ; nội quy thư viện; nội quy phòng Khai thác thông tin điện tử… giúp học viên có thể nắm vững và tuân thủ các quy định của Nhà trường về công tác Tư liệu, thư viện.

 

Cán bộ tư liệu, thư viện phục vụ bạn đọc

Những hạn chế, khó khăn

Hoạt động khai thác thông tin, tài liệu còn nhiều hạn chế do những quy định của ngành về tài liệu mật. Số lượng tài liệu ít, không đa dạng, phong phú, chưa có nhiều đầu sách quý, chưa hoàn toàn sát với nhu cầu thực tế của bạn đọc.

Tài liệu trong thư viện Nhà trường phần lớn là các loại giáo trình, tập bài giảng, tài liệu dạy học, đề cương chi tiết học phần… do cán bộ, giảng viên của Nhà trường biên soạn theo chương trình dạy và học; tài liệu tham khảo số lượng ít, không phong phú.

Hàng năm, Trung tâm nhận được nhiều tài liệu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài đơn vị bổ sung vào kho tài liệu làm phong phú và đa dạng thêm tài nguyên thông tin của Trung tâm. Tuy nhiên, nguồn biếu tặng bị thụ động, thường phải thông qua các hoạt động như hội nghị, hội thảo, ngày hội sách… nên công tác phát triển, bổ sung tài liệu không thường xuyên, liên tục.

Nhiều tài liệu chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường.

Hiện tại hệ thống mạng nội bộ của nhà trường (LAN) chưa được lắp đặt nên việc trao đổi thông tin, tài liệu giữa các đơn vị trong nhà trường còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn

Trong thời kỳ phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã có sự phát triển về nhiều mặt, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Đơn vị mới được sáp nhập từ 03 trường, diện tích mặt bằng chưa đáp ứng được cho việc bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống thư viện điện tử. Do kinh phí còn hạn hẹp nên mảng Thư viện chưa được xây dựng cơ sở đồng bộ, đặc thù cho nghiệp vụ thông tin và lưu trữ. Do đó việc khai thác thông tin, tài liệu trên không gian mạng còn giới hạn. Cán bộ giáo viên nhà trường chỉ có thể lên thư viện trực tiếp mượn tài liệu trực tiếp hoặc đọc tài phòng đọc của trung tâm Lưu trữ và Thư viện.

Kinh phí đầu tư cho việc mua sách, tài liệu tham khảo ít, không thường xuyên, có năm không được trang cấp nên các đầu sách, tài liệu tham khảo không đa dạng và phong phú, phần lớn kinh phí chỉ tập trung vào những đầu sách quý, tài liệu tham khảo mới ban hành.

Thù lao chi trả cho việc biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo… còn thấp nên chưa thu hút được đội ngũ cán bộ, giảng viên, chủ yếu biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học theo kế hoạch của Nhà trường, Khoa, Bộ môn; các loại sách chuyên khảo, tài liệu chuyên đề chủ yếu trích từ luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ của cán bộ, giảng viên Nhà trường.

Chưa đa dạng hóa phương thức, nguồn để bổ sung, phát triển vốn tài liệu như: phương thức xã hội hóa hay tổ chức các hoạt động dịch vụ thư viện khác như cafe sách… ; phương thức chủ yếu vẫn thụ động vào nguồn kinh phí Nhà trường cấp hàng năm, nguồn biếu tặng...

Bộ Công an chưa xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ nguồn lực thông tin và trao đổi tài liệu (tổ chức hình thức liên thư viện) giữa các Trung tâm, Tư liệu - Thư viện với hệ thống thư viện trong CAND; với các đơn vị quản lý nghiên cứu khoa học, các Nhà xuất bản trong và ngoài lực lượng CAND; với các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng CAND.

Giải pháp xây dựng, phát triển đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin

Để đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin, tài liệu và thu hút cán bộ, giáo viên nhà trường đến trung tâm thư viện đề nghị Bộ Công an quan tâm tạo điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường kinh phí mua các đầu sách, tài liệu có giá trị, đặc biệt các đầu sách nghiệp vụ chuyên ngành; tăng kinh phí chi trả thù lao cho việc biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên, các nhà khoa học biên soạn giáo trình, đặc biệt các đầu sách chuyên khảo.

Tăng cường các mối quan hệ, phối hợp với các nhà xuất bản, các học viện, trường học, thư viện, cơ quan, đơn vị, cá nhân… trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, các tác giả lớn, nhà khoa học, nhà viết sách nổi tiếng, có uy tín để có thể tiếp cận được các nguồn tài liệu chuyên ngành, các tài liệu lưu hành nội bộ được bảo quản theo chế độ mật, các tài liệu quý hiếm, có giá trị, tiết kiệm được nguồn kinh phí cho công tác bổ sung.

Trung tâm cần chủ động trong kế hoạch thanh lý, thanh lọc tài liệu cũ, nát không còn giá trị sử dụng để đảm bảo chất lượng nguồn tin và tăng diện tích sử dụng đảm bảo nguồn tin mới bổ sung cũng được quản lý trong tình trạng tốt nhất. Quản lý và theo dõi hệ thống sổ nhập tài liệu, nắm chắc những tài liệu đã có trong kho, những tài liệu còn thiếu theo nhu cầu để công tác bổ sung được hợp lý, đầy đủ, không bị bổ sung trùng lặp gây lãng phí.

Thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu tài liệu cần bổ sung, đặc biệt là nhu cầu tài liệu chuyên ngành cho các Khoa, Bộ môn trực tiếp làm công tác giảng dạy, học tập và tham khảo nghiên cứu.

Đẩy mạnh công tác quảng bá về các dịch vụ của thư viện, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học viên nhà trường về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc, tự học như: Tổ chức thảo luận trong trường, các sự kiện, hoạt động giao lưu, các cuộc thi, buổi tọa đàm... nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường sử dụng nguồn  thông tin, tài liệu từ đó tăng số lượng, yêu cầu khai thác thông tin, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm. 

 

Đồng chí Đại tá Nguyễn Phấn Lý, Phó Hiệu trưởng đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường nhận sách do GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng tặng

Học viên Nhà trường với Ngày hội đọc sách

Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, các ngày hội sách… nhằm tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của Thư viện cũng như nguồn tài liệu trong công tác đào tạo của Nhà trường. Từ đó kêu gọi các nguồn đầu tư kinh phí, xã hội hóa từ học viên, các nguồn quyên góp, biếu, tặng… từ các độc giả, đơn vị, Khoa, Bộ môn, cơ quan, tổ chức trong và ngoài trường. Góp phần làm giàu thêm tài nguyên thông tin của Trung tâm, đồng thời có thể thu hút được những tài liệu quý hiếm, có giá trị mà không thể mua được.

Tăng cường mở các lớp tập huấn về công tác lưu trữ, bảo mật cho cán bộ của trung tâm nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử và tác phong làm việc trong thời đại mới.

Báo cáo viên tại lớp Bồi dường nghiệp vụ lưu trữ và bảo mật cho cán bộ, giáo viên do Cục Đào tạo, Bộ Công an phối hợp với Nhà trường tổ chức

Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, thư viện nói chung và thư viện tại Trung tâm Lưu trữ và Thư viện Trường Cao đẳng CSND I nói riêng đã trở thành công cụ quan trọng, đảm bảo cho cán bộ, giáo viên và học viên khả năng tiếp cận và lĩnh hội thông tin và tri thức mới, những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật của nhân loại. Điều này không chỉ giúp ích cho học viên trong quá trình học tập, kiểm tra, đánh giá hiện tại, mà còn có ích cho quá trình công tác sau này. Việc xây dựng, đổi mới công tác khai thác tài nguyên thông tin của cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường tại Trung tâm Lưu trữ và Thư viện Trường Cao đẳng CSND I mang lại rất nhiều ý nghĩa. Một mặt góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an trong việc cải cách giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo, mặt khác để hướng tới mục tiêu đưa trung tâm Tư liệu và Thư viện Trường Cao đẳng CSND I trở thành trung tâm thông tin khoa học, là nơi khai thác, cung cấp tài nguyên thông tin chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và đào tạo của lực lượng, trở thành đầu mối liên kết cung cấp thông tin cho các trường trong lực lượng CAND, góp phần vào việc mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi thông tin với các trường trong và ngoài lực lượng CAND. Từ đó từng bước đưa thư viện Trường Cao đẳng CSND I trở thành một trong những Trung tâm thông tin có năng lực, vị thế trong khối các Trung tâm thông tin các trường CAND nói riêng và hệ thống trường cao đẳng, đại học trên đất nước Việt Nam nói chung.

 

Trung tá, TS Trương Thị Phương Hiền

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ & Thư viện

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi