Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Covid-19 “tàn phá” phụ nữ toàn cầu

Đặc biệt là những phụ nữ đang phải đứng trước lựa chọn khắc nghiệt: Để con ở nhà một mình để đi làm, hay bỏ việc - chăm con và chấp nhận tương lai bấp bênh?

8 giờ sáng trong căn bếp nhỏ ở căn hộ 20 mét vuông của gia đình chị Nguyệt Nga, ở Hung Hom, Cửu Long, Hong Kong. Người mẹ 3 con một tay bác trứng, một tay lật bánh mỳ trong lò nướng, căng tai nghe tin tức COVID-19 phát ra từ màn hình tivi. Buông đôi đũa, chị với tay chỉnh âm thanh của chiếc tivi lên tối đa như để át đi những tiếng la hét, cấu xé, khóc thét vọng ra từ phòng khách, nơi 3 đứa con: 9 tuổi, 4 tuổi và đứa út 2 tuổi đang tranh giành món đồ chơi, quyển truyện hoặc chiếc điều khiển. Toàn thân mỏi nhừ, đầu đau như búa bổ, chị Nga trải qua một đêm gần như thức trắng để hoàn thành bản kế hoạch truyền thông từ một công ty nơi chị làm cộng tác viên. Những tiếng la hét gào khóc của 3 đứa con như giọt nước tràn ly, khiến chị thụp xuống trong căn bếp chật chội và bật khóc. 

Tại Nhật Bản, phụ nữ ở độ tuổi 40 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Ảnh: L.G

Gần 1 năm nay, kể từ đại dịch xuất hiện ở Hong Kong, chị Nga thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng, nổi giận và chua chát vì phải cáng đáng việc chăm sóc, dạy dỗ con cái trong lúc chồng chị ra ngoài kiếm sống từ sáng sớm đến tối mịt. Trước đó, chị mở một nhà hàng Việt Nam với thu nhập ổn định nhưng COVID-19 và những làn sóng bất ổn xã hội tại xứ Cảng Thơm xảy ra trước đó, đã phá tan sự nghiệp và nền tảng tài chính của chị. Mất việc làm, không đủ tiền nuôi giúp việc, người phụ nữ một mình quay cuồng với chợ búa, dọn dẹp, nấu nướng, tắm giặt và kèm cặp con học trực tuyến. 

Đêm đến, chị tranh thủ viết bài quảng cáo, tư vấn truyền thông cho một công ty ở Úc để kiếm thêm thu nhập. Đại dịch không chỉ khiến tài chính, công việc của gia đình chị Nga trở nên khốn đốn, mà những hạn chế, giãn cách xã hội, trường học đóng cửa càng khiến tinh thần của người mẹ rối loạn, bất ổn. “Tôi thường xuyên bị mất ngủ. Lúc nào cũng lo lắng về tiền bạc, sức khỏe. Có nhiều ngày tôi cảm thấy mình phát điên, có lúc chán nản đến tuyệt vọng, có lúc chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời này. Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều gánh nặng như vậy?”, chị tâm sự.

Chị Nga chỉ là một trong số hàng triệu phụ nữ trên thế giới bị quật ngã bởi đại dịch chưa từng có trong một trăm năm qua. COVID-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tinh thần, khiến các ca trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng tăng lên. Năm 2020, lần đầu tiên trong 11 năm, tỷ lệ tự tử ở Nhật gia tăng. Và điều ngạc nhiên nhất, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ tăng gần 15%, trong khi giảm nhẹ ở nam giới. Trong tháng 10, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Nhật tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. COVID-19 dường như đang đẩy những người vốn đã dễ bị tổn thương đến gần bờ vực thẳm hơn. Những tháng gần đây, nhân viên của một tổ chức hỗ trợ phụ nữ ở Tokyo đã nhận được nhiều cuộc gọi đau lòng. 

Một người phụ nữ mua thực phẩm tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: L.G

Những câu nói “Tôi muốn chết”, “Tôi không còn nơi nào để đi”, “Tôi muốn biến mất” lặp lại nhiều từ đầu dây bên kia. Với những nạn nhân của bạo hành hoặc lạm dụng tình dục, đại dịch khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Giáo sư Michiko Ueda, một trong những chuyên gia hàng đầu của Nhật về tự tử, cho biết bà sốc khi chứng kiến xu thế này đảo ngược trong vài tháng qua. “Xu hướng tự tử ở phụ nữ là rất, rất không bình thường. Tôi chưa bao giờ thấy sự gia tăng mạnh như thế này trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình về chủ đề này. Điều đáng nói về đại dịch COVID-19 là các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là các ngành có nhiều phụ nữ làm việc, như du lịch, bán lẻ và thực phẩm”, bà nói. 

Giáo sư Ueda tiết lộ thêm, nhiều phụ nữ Nhật sống một mình, không kết hôn. Họ phải tự trang trải cuộc sống và không có việc làm ổn định. “Vì vậy, khi có chuyện xảy ra, họ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Trong 8 tháng qua, rất nhiều nhân viên đã mất việc”, bà chia sẻ. Đỉnh điểm là vào tháng 10-2020, 879 phụ nữ đã tự sát - cao hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Báo chí đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một số bài viết so sánh số vụ tự tử trong tháng 10 (2.199) với số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản tính đến thời điểm đó (2.087). “Phụ nữ ở độ tuổi 40 bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tất cả các nhóm tuổi. Ở nhóm này, tỷ lệ tự tử tăng hơn gấp đôi”, một báo cáo quốc gia cho biết.

Tại Hàn Quốc, các chuyên gia đánh giá, COVID-19 tàn phá sức khỏe tinh thần phụ nữ nhiều hơn vì họ phải đối mặt tình trạng công việc bấp bênh hơn so với đàn ông và áp lực chăm sóc con cái. Theo thống kê của Bộ Y tế Hàn Quốc, phụ nữ có ý định tự tử thường xuyên hơn nam giới gấp 1,5 lần. Năm ngoái, khoảng 60% số người nhập viện cấp cứu vì tình trạng này là nữ giới. Trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch, phụ nữ Seoul trong độ tuổi 20 cố gắng tự tử nhiều gấp 5 lần so với bất cứ nhóm đối tượng nào khác.

Mỹ là quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch với hàng chục triệu ca nhiễm virus và gần 500 nghìn người tử vong. Gây sốc không kém là con số gần 1 triệu bà mẹ tại nước này đã bị sa thải hoặc bỏ việc, trong đó phụ nữ da đen, Mỹ Latinh và mẹ đơn thân là những người chịu thiệt hại khủng khiếp nhất. Gần 1 trên 4 trẻ em tại Mỹ rơi vào tình trạng thiếu ăn trong năm 2020, có liên quan mật thiết đến việc mất thu nhập của mẹ. Hơn 3/4 phụ huynh cảm thấy căng thẳng, lo âu vì nền giáo dục bất ổn “nay mở, mai đóng”.

COVID-19 có thể còn để lại hậu quả suốt đời cho nhiều thế hệ phụ nữ Mỹ đang trong độ tuổi lao động. Michael Madowitz, nhà kinh tế học tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết: “Ngay trước khi đại dịch xảy ra, trong vài tháng, chúng tôi có nhiều phụ nữ làm việc hơn nam giới. Và bây giờ, chúng ta đang quay trở lại mức cuối những năm 1980 của phụ nữ trong lực lượng lao động”. Việc phụ nữ nghỉ việc hoàn toàn hoặc cắt giảm công việc có thể làm kéo lùi đường thăng tiến, mất an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản thu nhập hưu trí tiềm năng khác. Betsey Stevenson, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan, cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã càng khoét sâu vào khoảng cách giới”. Sự quan ngại của bà trong dài hạn còn đặt ra một câu hỏi cốt lõi hơn: Liệu việc chứng kiến một thế hệ bà mẹ trải qua giai đoạn khó khăn này với ít sự hỗ trợ có khiến thế hệ phụ nữ tiếp theo quyết định không sinh con không?

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc. Ảnh: L.G

Thảm họa kinh tế của đại dịch còn liên quan trực tiếp đến mức độ căng thẳng của bà mẹ và nói rộng ra là mức độ căng thẳng của trẻ em Mỹ. Philip Fisher, giáo sư tâm lý học tại Đại học Oregon, người đang điều hành một cuộc khảo sát quốc gia về tác động của đại dịch, chỉ ra rằng các tác nhân gây căng thẳng lên các bà mẹ tăng lên bởi mất việc làm, giảm thu nhập, nghèo đói, chủng tộc, đơn thân...

“Mọi người đang gặp khó khăn mưu sinh, điều đó khiến các bậc cha mẹ căng thẳng và kéo theo trẻ em cũng trở nên hung hăng, kích động”, bà Fisher nói. Sự tích tụ này có thể dẫn đến những tác động độc hại. “Và chúng tôi biết từ nghiên cứu của tất cả các ngành khoa học, mức độ stress có tác động lâu dài đến sự phát triển của não bộ, khả năng học tập và sức khỏe thể chất”, giáo sư Fisher nhận định. Bài báo trên tờ Times tiết lộ gần 70% các bà mẹ nói rằng lo lắng và căng thẳng trong thời kỳ đại dịch đã làm suy giảm sức khỏe của họ.

Tình trạng các bà mẹ sắp bùng nổ như “lò thuốc súng” xuất hiện trên khắp nước Mỹ, báo hiệu chỉ dấu về một thảm hoạ tinh thần nhưng chính quyền liên bang hầu như không có một đề xuất chính sách hay giải pháp đối phó với vấn đề này. Mỹ là quốc gia giàu có duy nhất không được nghỉ phép hưởng lương và là một trong số ít lãnh thổ không có trợ cấp chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, cha mẹ Thụy Điển có 4 tháng nghỉ phép hưởng lương để chăm sóc trẻ em dưới 12 tuổi bị ốm, và chính phủ cho phép mọi người sử dụng chính sách này khi các trường học bị đóng cửa trong đại dịch. COVID-19 đã phơi bày những sự thật trần trụi về thân phận phụ nữ theo những cách không ai có thể nghĩ đến.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi