Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chân dung “ông trùm” và những hệ lụy từ giấy phép lái xe giả

“Sói già” trong vỏ bọc “cừu non”

Cầm đầu trong các đường dây sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép giấy tờ, bằng lái xe vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị triệt xóa, là đối tượng Phạm Văn Vũ. Chỉ mới hơn 20 tuổi, song Vũ đã sớm gây dựng, điều hành nhiều đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ và mua bán giấy phép lái xe giả với quy mô toàn quốc, doanh thu cả chục tỷ đồng mỗi năm. Sau gần 2 năm hoạt động, Vũ cùng hàng chục đối tượng “đàn em” ở nhiều “chi nhánh” khác nhau đã bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội “hót” trọn.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, kinh tế khá eo hẹp, học hết lớp 9, Vũ lang bạt kỳ hồ khắp nơi, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Dù vất vả, nhưng trời phú cho Vũ vẻ ngoài điển trai, nước da trắng, dáng thư sinh. Tiếp cận với “nghề” làm giấy tờ giả khá sớm, hiển nhiên đích mà Vũ nhắm đến chính là ước mơ trở thành một “ông trùm” trong thế giới làm giấy tờ giả. Ban đầu, Vũ nhận một chân tiếp thị, chạy quảng cáo và giao hàng cho một “đầu nậu” làm giấy tờ giả. Sau khi đã “đủ lông đủ cánh”, đồng thời nhận thấy nhiều người đang có nhu cầu mua bằng lái xe giả, Vũ chủ động tách ra làm ăn riêng.

Chân dung “ông trùm” và những hệ lụy từ giấy phép lái xe giả -0
Đối tượng Phạm Văn Vũ và tang vật vụ án.
Đối tượng đầu tư máy móc bằng chính số tiền tích cóp được trong nhiều năm theo chân những đàn anh làm giả giấy tờ, bằng lái xe. Dù còn khá ít tuổi, song Vũ đã thể hiện “đẳng cấp” hơn so với những đàn anh đi trước, khi dám bỏ ra một số tiền khá lớn thuê riêng một kỹ sư tin học, kiêm chuyên gia trong lĩnh vực đồ họa, kỹ thuật số để dạy cho mình những thủ thuật làm bằng lái xe giả giống y như thật.

Vũ đặt “xưởng sản xuất” của mình tại quê nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhận thấy việc làm ăn ở đây gặp không ít bất lợi, như việc giao dịch, giao nhận hàng khó khăn, dễ bị phát hiện, Vũ cùng đám đàn em thân tín là những người cùng làng, xã lên Hà Nội. Để tránh bị cơ quan Công an phát hiện, Vũ thuê các căn hộ trong những khu chung cư cao cấp. Ngoài số đàn em “sống chết” với mình, những đối tượng còn lại làm cho Vũ được y phân công đảm trách ở từng phần việc cụ thể, tuyệt đối không hề biết nhau.

Ban đầu, Phạm Văn Vũ phải đi mua những tấm nhựa để làm phôi bằng giả. Tuy nhiên sau đó, nhận thấy việc phải đi mua phôi qua khâu trung gian khá mạo hiểm, dễ lộ, lại mất thêm một khoản chi phí khá lớn, Vũ trực tiếp chỉ đạo đàn em sang Trung Quốc mua phôi. Toàn bộ những công đoạn từ chuẩn bị phôi, tem, dán, ép, vận chuyển cho đến tìm kiếm khách hàng được đối tượng và đám đàn em làm quy trình khép kín, đảm bảo bí mật.

Chưa hết, Vũ ồ ạt tuyển cộng tác viên, đồng thời còn thuê một số công ty truyền thông “chạy” quảng cáo với các tên gọi mỹ miều là những trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có uy tín trên nền tảng mạng xã hội. Từ đây, nguồn khách có nhu cầu mua bán giấy phép lái xe đổ về đường dây của Vũ ngày càng lớn. Vũ và đám đàn em của mình phải hoạt động hết công suất, trung bình mỗi tuần, hàng chục nghìn bằng lái xe giả được ổ nhóm của Vũ sản xuất tung ra mới đáp ứng phần nào nhu cầu của người mua. Với giá mỗi bằng lái xe máy, môtô giả  từ 1-3 triệu đồng, xe ôtô từ 2-7 triệu đồng, mỗi tháng, Vũ đút túi khoảng hơn 500 triệu đồng. Trong vòng gần 2 năm hoạt động, Vũ kiếm lợi bất chính tới hàng chục tỷ đồng.

Mạnh tay chặn đứng những nguy cơ

Thông tin với phóng viên, chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, đa số những đối tượng đàn em của Vũ đều tuổi đời rất trẻ, không nghề nghiệp. Được Vũ lo bao trọn ăn ở, chưa hết tháng lại cầm trên tay hàng chục triệu đồng tiền “lương”, những đối tượng này một mực trung thành với “ông trùm”.

Vũ còn phát triển đường dây của mình thành các chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố. Các tài khoản giao dịch tiền giữa những công ty vận chuyển với khách hàng và Vũ đều được “chảy qua” tài khoản thông tin “ảo” của người khác do đối tượng tạo lập ở nhiều ngân hàng khác nhau. Chính vì vậy, dù biết được cái giá phải trả nếu như bị phát hiện, nhưng bằng vỏ bọc và hoạt động kín đáo, tinh vi của mình, Vũ luôn tự tin cơ quan Công an sẽ không bao giờ phát hiện, bắt được y.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, những hoạt động phạm tội của Vũ cùng đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép bằng lái xe giả đã nằm trong tầm ngắm của Công an TP Hà Nội. Ngày 29/3, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đồng loạt triển khai 12 tổ công tác “đột kích” vào 12 địa điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nam Định, tiến hành bắt giữ 44 đối tượng trong các đường dây có liên quan đến “ông trùm” Phạm Văn Vũ, đồng thời đưa về trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự để đấu tranh, khai thác, mở rộng vụ án.

Bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã xác định có 5 ổ nhóm đối tượng, ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ 31 đối tượng về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức (quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự). Hàng trăm bộ hồ sơ giấy phép lái xe ôtô, môtô, giấy khám sức khỏe, kết quả thi sát hạch… và bằng lái xe giả do các đối tượng sản xuất chưa kịp chuyển đi giao cho khách hàng đã bị cơ quan Công an thu giữ. Cùng với đó, hàng chục nghìn tấm phôi nhựa, nhiều thiết bị, máy móc, phương tiện của các đối tượng dùng để sản xuất, mua bán giấy phép lái xe giả cũng bị Phòng Cảnh sát hình sự thu giữ.

Đánh giá về vấn nạn giấy phép lái xe giả, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã phát hiện khá nhiều trường hợp lái xe môtô, ôtô sử dụng bằng lái xe giả. Nhiều trong số đó dù đang sử dụng giấy phép lái xe giả nhưng nghĩ chỉ bị xử phạt hành chính mà không biết rằng bản thân đang tiếp tay, trực tiếp vi phạm pháp luật.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT cho biết, trên toàn quốc, lực lượng CSGT cũng phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. “Giấy phép lái xe giả nhưng nguy cơ và tai nạn thật thì luôn hiện hữu với hậu quả khủng khiếp”, đại diện Cục CSGT khẳng định.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc nhiều lái xe sử dụng bằng giả khi điều khiển phương tiện giao thông, Thượng tá Nguyễn Chí Công, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, mức phạt ở nhiều lỗi vi phạm giao thông trong Nghị định 100 mang tính răn đe mạnh, nhiều lỗi thời gian tạm giữ giấy phép lái xe của người vi phạm dài. Tuy nhiên, thay vì chấp hành những chế tài xử lý mạnh tay của CSGT và cơ quan chức năng, không ít người vi phạm đã bất chấp những quy định của pháp luật, đi tìm, mua bán nguồn bằng giả để sử dụng.

Mỗi ngày, vẫn có hàng chục nghìn lái xe sử dụng bằng giả. Việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay cần phải được tính toán hợp lý hơn, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động, tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông kinh hoàng mà trên thực tế đã xảy ra rất nhiều.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi