Thứ Năm, 18/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đề nghị truy tố 9 bị can làm và sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả

Các bị can bị đề nghị truy tố về 2 tội danh gồm: Ngô Hùng Phúc (SN 1965, trú tại Vĩnh Long); Phạm Đăng Khương (SN 1984, ở tại Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương); Đỗ Đức Duy (SN 1986, trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); Lê Thị Thanh Nhã (SN 1989, ở tại quận Hải An, TP Hải Phòng). Các bị can bị truy tố về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" gồm Huỳnh Mạnh Dũng (SN 1985, trú tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Phương Linh (SN 1988, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân); Trần Thanh Hùng (SN 1978, trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang); Nguyễn Tấn Sĩ (SN 1987, ở tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và Phan Thị Thanh Hương (SN 1997, trú tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Các đối tượng trong vụ án.

Cầm đầu ổ nhóm làm giả giấy tờ này là Ngô Hùng Phúc, đối tượng có một tiền án 18 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và một tiền án 8 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản của công dân và trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Với mục đích kiếm tiền tiêu xài, từ tháng 5/2019 đến tháng 8/2020, Phúc đã móc nối với một số đối tượng làm tài liệu giả và bán hàng theo đơn đặt hàng của Khương, Nhã và một số đối tượng khác.

Tài liệu làm giả gồm có giấy phép lái xe hạng A1, hạng C, bằng tốt nghiệp PTTH, chứng minh nhân dân (CMND) và căn cước công dân (CCCD)… Để tránh bị phát hiện, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi. Đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội với các tên giả khác nhau, dùng sim điện thoại rác để giao dịch nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Với phương thức và thủ đoạn như trên, Phúc đã thu lời bất chính hơn 1,4 tỷ đồng.

Từ tháng 5/2019 đến tháng 7/2020, Khương đã móc nối, đặt làm, mua rất nhiều tài liệu giả gồm CMND, bằng trung học cơ sở, CCCD, GPLX… Để thực hiện việc mua bán các tài liệu giả, Khương đã nhờ người làm một CMND giả mang tên Trần Văn Trung và đến các bưu cục để rút tiền thu hộ các bưu phẩm là giấy tờ giả do Khương giao cho người mua.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2020, Nhã đã dùng tên Zalo “Minh Anh” sử dụng số điện thoại 097…, tài khoản ngân hàng số 034.., mang tên Lê Thành Nam và tài khoản ngân hàng số 190…, mang tên Lê Thị Thanh Nhã và tài khoản số 028… để mua một số tài liệu giả của Phúc nhằm bán kiếm lời. Cơ quan ANĐT xác định Lê Thành Nam còn làm các tài liệu giả gồm 4 giấy chuyển hộ khẩu mang tên Nguyễn Nam Phong… 7 mặt dấu tròn (không có tay cầm) mang tên “Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Đống Đa”, “Trường Cao đẳng công nghiệp Huế”, "TAND TP Hà Nội”, “UBND xã Tứ Hiệp, TP Hà Nội”, “Công an huyện Thanh Trì - Công an TP Hà Nội, Công an xã Long Xuyên - Công an huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương”, “Văn phòng Công chứng Hà Đông”. Trong đó đã sử dụng 1 dấu tròn mang tên “Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á chi nhánh Đống Đa” nêu trên đóng lên giấy biên nhận thế chấp xe ôtô 29D-065.94 và đưa cho Đỗ Văn Nghĩa.

Tháng 7/2019, Lê Thị Thanh Nhã sử dụng CMND giả mang tên Lê Bình An để ký hợp đồng làm việc với Công ty TNHH Thiết bị khoa học và vật tư y tế Hồng Phúc; tháng 9/2019 sử dụng CMND và sổ tạm trú giả mang tên Lê Bình An để làm hồ sơ đề nghị vay vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nhưng chưa được giải ngân. Tháng 7/2020, Lê Thị Thanh Nhã sử dụng CMND giả mang tên Lê Bình An để vay tiền của Hoàng Ngọc Sơn nhưng đã trả lại Sơn số tiền này.

Mặc dù biết các bưu phẩm do Ngô Hùng Phúc đưa cho có chứa tài liệu giả nhưng Huỳnh Mạnh Dũng vẫn nhận và đi gửi 16 lần (trong đó có các tài liệu giả gồm 1 GPLX mang tên Nguyễn Phú Vinh; 2 lý lịch tư pháp mang tên Phạm Văn Tịnh, Phan Đình Thịnh và 2 chứng nhận đăng ký xe mang tên Trần Quang Vinh, Nguyễn Công Linh Sơn và một số tài liệu giả khác), được hưởng lợi 2,1 triệu đồng.

Đối với Nguyễn Phương Linh, khoảng cuối năm 2019, Linh muốn vay vốn ngân hàng qua dịch vụ FECREDIT đã nhờ và được Lê Thị Thanh Nhã làm 2 CMND và 1 sổ hộ khẩu mang tên Nguyễn Diệu Linh (trên CMND có dán ảnh của Linh). Sau khi làm, Linh không sử dụng vay vốn nhưng đã giữ lại với mục đích sử dụng thuê trọ.

Khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020, Trần Thanh Hùng có nhu cầu sử dụng bằng cấp giả vào việc đấu thầu nên đã đặt mua, cung cấp thông tin và được Phạm Đăng Khương bán cho 8 tài liệu giả, trong đó có 4 tài liệu giả gồm 2 bằng kỹ sư Kỹ thuật điện, điện tử mang tên Trường Đại học Tây Đô cấp cho Nguyễn Phú Duy và Lê Vĩnh Hòa; 1 bằng cử nhân sư phạm hóa học mang tên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cấp cho Bùi Hải Đăng; 1 bằng Kỹ sư Công nghệ chế biến lâm sản mang tên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cấp cho Nguyễn Hoàng Khang. Trần Thanh Hùng đã thanh toán hơn 15 triệu đồng. Một số đối tượng còn mua bằng lái, đánh cược số phận của mình và người lái xe.

Trường hợp của Nguyễn Tấn Sĩ là một ví dụ. Tháng 5/2020 do chưa có giấy phép lái xe hạng A1, Sĩ đã chủ động mời chào và được Lê Đình Quân, Nguyễn Thị Thu Huyền cung cấp thông tin cá nhân, sau đó thông qua mạng xã hội facebook đặt mua, chuyển thông tin và được Phạm Đăng Khương bán cho 3 giấy phép lái xe giả mang tên Sĩ, Quân và Huyền.

Quá trình đấu tranh, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương xác định vào tháng 6/2020, do không hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, Hương đã cung cấp thông tin, đặt mua và được Phạm Khương bán cho 1 bằng cử nhân giáo dục mầm non và 1 bảng cử nhân giáo dục mầm non 1 chứng chỉ công nghệ thông tin nâng cao giả đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một cấp cho Hương, Hương đã trả 3,4 triệu đồng.

Về Đỗ Đức Duy, tháng 6/2020, Duy đã tìm kiếm và liên hệ qua facebook mua của Phạm Đăng Khương 2 tài liệu giả (gồm chứng chỉ Tin học ứng dụng trình độ A và chứng chỉ Tiếng Anh trình độ B đều đứng tên Trung tâm tin học ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cấp cho Đỗ Đức Duy). Duy đã trả cho Khương 2.050.600 đồng. Duy đã mang các tài liệu giả nêu trên đi chứng thực tại UBND xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và nộp vào Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn để đăng ký đào tạo giáo viên dạy thực hành lái xe.

Ngoài những trường hợp đã bị khởi tố nêu trên (Trần Thanh Hùng, Nguyễn Tấn Sĩ, Phan Thị Thanh Hương, Đỗ Đức Duy), đến nay đang xác định các trường hợp đã đặt mua các giấy tờ giả qua mạng Internet của Ngô Hùng Phúc, Phạm Đăng Khương, Lê Thị Thanh Nhã, Nguyễn Tấn Sĩ…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi