Thứ Ba, 23/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, qua kiểm toán chi tiết việc sử dụng ngân sách tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho thấy, còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Thậm chí, cả việc quản lý, sử dụng xe ôtô công cũng vượt định mức quy định…

Nhiều dự án viện trợ kết thúc mà chưa thể quyết toán

Báo cáo từ KTNN nêu rõ, năm 2020, KTNN đã thực hiện 205 cuộc kiểm toán đối với niên độ ngân sách năm 2019, qua đó cho thấy việc sử dụng ngân sách tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã lộ ra hàng loạt tồn tại.

Cụ thể, một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Y tế.

Nhiều bộ, ngành bị kiểm toán “điểm tên”. 

Một số đơn vị quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ chưa đúng quy định như: Bộ VHTT&DL có tới 13 dự án viện trợ đã kết thúc nhưng chưa quyết toán theo quy định do đến năm 2020, Bộ VHTT&DL mới được giao dự toán số kinh phí viện trợ 178,86 tỷ đồng để thực hiện quyết toán ngân sách năm 2019; các dự án đã kết thúc không nộp báo cáo cho Bộ VHTT&DL theo quy định.

Tương tự, tại Bộ GD&ĐT, nhiều dự án tại các đơn vị trực thuộc tiếp nhận viện trợ từ năm 2014 trở về trước chưa được hoàn tạm ứng theo quy định số tiền 146,978 tỷ đồng, do một số dự án không có lệnh ghi thu - ghi chi NSNN và chưa thực hiện quyết toán với nhà tài trợ. KTNN cũng chỉ rõ: Việc quản lý, theo dõi viện trợ của Bộ Y tế đối với một số đơn vị còn chưa sát sao, chặt chẽ và kịp thời; công tác kiểm tra phê duyệt quyết toán chưa đầy đủ, chỉ tập trung vào nội dung chi; công tác ghi thu - ghi chi tại nhiều đơn vị còn rất chậm (có dự án đến 10 năm), từ nhiều năm luôn xảy ra tình trạng chênh lệch giữa số liệu báo cáo quyết toán của đơn vị với số liệu quyết toán (số ghi thu - ghi chi đã được Bộ Tài chính thông báo); kinh phí dư, lãi tiền gửi, chênh lệch tỷ giá của các dự án đã kết thúc từ lâu chưa được xử lý dứt điểm lên tới 30,720 tỷ đồng.

Thậm chí một số đơn vị còn có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với 8 dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, tổng số vốn đã xác nhận viện trợ cho dự án là 2.196.609USD nhưng đến thời điểm kiểm toán mới chỉ giải ngân được 400.000 USD, đạt 18%...

Sử dụng ôtô vượt định mức quy định

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng xe ôtô, KTNN cũng chỉ ra rằng, một số bộ, cơ quan trung ương đang sử dụng ôtô vượt định mức quy định. Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt 167 xe (trong đó 69 xe đủ điều kiện thanh lý). Bộ Nội vụ có 4 đơn vị sử dụng vượt định mức 15 xe ôtô.

Một số đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao cũng đang sử dụng vượt định mức 14 xe. Tại Bộ Xây dựng, xe ôtô dùng chung vượt định mức 26 xe. Bộ NN&PTNT sử dụng thừa xe phục vụ công tác chung so với định mức 77 xe và thiếu so với định mức 34 xe; sử dụng thừa xe ôtô chuyên dùng so với định mức 26 xe và thiếu so với định mức 487 xe. Với Bộ VHTT&DL: Tổng cục Thể dục thể thao giao nhiều hơn 9 xe phục vụ chung, hầu hết các xe đã hết khấu hao đủ điều kiện thanh lý. Với Bộ TN&MT, đến thời điểm kiểm toán còn vượt định mức 3 xe ôtô.

Ngoài các bộ, ban, ngành, ở một số địa phương như Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh tại thời điểm kiểm toán cũng thừa 5 xe ôtô dùng chung. Tỉnh Quảng Bình thừa 174 xe ôtô dùng chung và 58 xe ôtô chuyên dùng (địa phương đã báo cáo Bộ Tài chính về hình thức xử lý tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời đối với phương án của địa phương). Tỉnh Phú Yên, Văn phòng UBND tỉnh vượt 3 xe; Sở Thông tin và Truyền thông vượt 1 xe.

Thành phố Đà Nẵng, hầu hết các đơn vị cấp I đều dôi dư xe ôtô phục vụ công tác chung, số lượng xe thừa là 152 xe. Ngoài ra, báo cáo kiểm toán thông tin, một số tỉnh chưa ban hành phương án sắp xếp xử lý xe ôtô dôi dư như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (71 xe), Tiền Giang (74 xe), Quảng Ngãi (90 xe); trang bị xe cho đơn vị không phù hợp quy định như tỉnh Tiền Giang mua xe ôtô chuyên dùng và giao cho Đoạn Quản lý giao thông quản lý là chưa phù hợp, do Đoạn quản lý giao thông là đơn vị sự nghiệp đã được UBND tỉnh giao thực hiện cơ chế tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm 2017, tạm mượn xe và cho tạm mượn xe ôtô phục vụ công tác trong thời gian dài không đúng quy định…

Trước những tồn tại nêu trên, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, các tồn tại trong công tác quản lý đã nêu; đồng thời rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 205 văn bản. Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2019.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi