Thứ Ba, 23/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Toà án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự chưa được luật quy định

Thảo luận về dự thảo Bộ Luật Tố tụng dân sự tại phiên làm việc 26/10, đa số các đại biểu đều tán thành quy định toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mọi người dân, tránh tình trạng tự xử hay những việc “ngoài vòng pháp luật”.

Tuy đây được đánh giá là một bộ luật rất khó, thậm chí “khó làm nhất trong tất cả các bộ luật, vì nó nhiều vấn đề, từ chuyện đứa trẻ chập chững biết đi cho đến người già, cho nên hết sức tỉ mỉ” – theo ý kiến của đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, thì các đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự tán đồng cao với các quy định trong dự thảo, chứng tỏ bộ luật đã được xây dựng kỹ càng và có chất lượng.

Bày tỏ ý kiến về quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng", đại biểu Huỳnh Nghĩa hết sức tán thành, vì đây là nội dung rất mới, bảo đảm công dân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ lẽ phải và lợi ích chính đáng của mình. “Đó cũng là căn cứ Tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc, tiến hành giải quyết những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội mà pháp luật chưa thể dự liệu, không để người dân tự xử ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục, thì quy định này góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, khuyến khích các thẩm phán nâng cao khả năng vận dụng sáng tạo pháp luật, không máy móc, rập khuôn để tránh vụ việc tranh chấp kéo dài trong nội bộ nhân dân”.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì Tòa án phải giải quyết. Nếu Tòa án từ chối thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết, dẫn đến không bảo đảm được trật tự an toàn xã hội, không bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.

Đại biểu Hà Thị Lan - Bắc Giang cho rằng, với quy định tại Bộ Luật Dân sự hiện hành, tình trạng từ chối thụ lý vụ án chỉ vì không có quy định hướng dẫn diễn ra khá phổ biến khiến cho quyền dân sự của người dân đã không được tôn trọng và bảo vệ kịp thời, nên quy định trên rất được tán thành.

Tuy vậy, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về cách quy định thế nào để có thể áp dụng một cách thuận lợi trên thực tế. Đại biểu Chu Sơn Hà - TP Hà Nội bày tỏ: Với chế định mới, Tòa án không được từ chối việc dân sự với lý do là không có luật, nên trong Bộ luật Dân sự có nêu 3 khoản về nguyên tắc giải quyết, gồm có áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật và áp dụng nguyên tắc của pháp luật dân sự án lệ, lẽ công bằng. “Trên thực tế, chúng ta có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, nhưng trải qua một thời gian dài chưa thấy đánh giá trong quá trình vừa qua chúng ta giải quyết các vụ việc liên quan đến tập quán đã đến đâu, bao nhiêu vụ, kết quả ra sao, áp dụng lẽ công bằng như thế nào? Tôi đề nghị phải đánh giá trên thực tế, trên cơ sở đó mới đưa các chế định vào dự án luật để cho khả thi. Nay chúng ta đưa vào dự án luật giao cho thẩm phán để có quyền vận dụng lẽ phải, tức là chúng ta ủy quyền cho thẩm phán làm luật, xác định lẽ công bằng để giải quyết vụ án, trong khi hiện nay Luật là thể hiện ý chí của nhân dân thông qua các vị đại biểu Quốc hội, chỉ Quốc hội mới có thể làm luật. Thứ hai, khi chúng ta có luật rồi, xử rất nhiều vòng tố tụng, hết sơ thẩm lên phúc thẩm, bây giờ sơ thẩm cho thế là lẽ công bằng, lên phúc thẩm lại cho rằng ngược lại, người dân phải tham gia rất nhiều vòng tố tụng. Tôi đề nghị nếu cần thiết thì có thể dùng nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những trường hợp cá biệt đó thì nó phù hợp hơn”.

Thống nhất cao với quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nhấn mạnh, điều luật này thể hiện bản chất của nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân, vì dân, bảo vệ quyền con người, mọi vướng mắc của người dân đều phải được nhà nước can thiệp giải quyết. Liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng, đại biểu cho rằng, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát không quy định Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trong xét xử dân sự, nên cần phải xem xét lại, nếu không thì Bộ luật này sẽ trái với Luật tổ chức Viện Kiểm sát. Mặt khác, nếu đã quy định Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố, thì trong Điều 232 quy định Viện Kiểm sát không có mặt tại phiên tòa thì phiên tòa đó vẫn xử sẽ không đảm bảo. Bởi vậy, trong luật này phải buộc Viện Kiểm sát phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp bất khả kháng…

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè