Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bộ Công an phối hợp triển khai thí điểm sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ việc triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg, có thể thấy, việc Bộ Công an, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số.

Tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ bảo hiểm y tế 

Việc triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp của các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT về các thủ tục KCB BHYT, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục KCB được tiết giảm tối đa. Theo đó, khi các cơ sở KCB tích cực, chủ động triển khai công tác thí điểm này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở KCB.

Trước đó, ngày 1/3/2022, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 533/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (gọi chung là BHXH tỉnh) về việc triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Bộ Công an phối hợp triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế -0
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (Hà Nội, ngày 21/1/2022).

BHXH Việt Nam cũng cho biết, thời gian qua, toàn ngành đã phối hợp có hiệu quả với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư (đã thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực), xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Theo đó, thông tin thẻ BHYT của nhiều người dân đã được tích hợp trong dữ liệu về CCCD. 

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT, ngày 28/2/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. 

Để triển khai hiệu quả việc thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) trong KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở KCB tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp đi khám chữa bệnh BHYT.

Tại Công văn số 533/BHXH-CSYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở KCB BHYT triển khai thực hiện Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế và hướng dẫn việc triển khai thí điểm với nhiều nội dung trọng tâm được dư luận quan tâm.

Từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp…đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giúp người dân tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí đi lại và nhất là đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Những kết quả tích cực đó đã góp phần thể hiện quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng chính phủ số, quốc gia số. 

Thời gian tới, theo BHXH Việt Nam, việc thí điểm sẽ tập trung vào các nội dung chính sau:

Thứ nhất, truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện CCCD gắn chíp khi đi KCB trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở KCB để người dân dễ tiếp cận nhất.

Do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện cần lưu ý người bệnh đi KCB lần đầu nên mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tuỳ thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID - BHXH số. Trường hợp người bệnh BHYT đã thực hiện được việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc qua ứng dụng VENID.

Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, người bệnh có thẻ BHYT thực hiện việc KCB theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB).

Bộ Công an phối hợp triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế -0
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh (ảnh minh họa).

Thứ hai, thông báo và cung cấp tới các cơ sở KCB BHYT tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ BHYT thông qua CCCD gắn chíp. Cụ thể:

- Tra cứu trực tiếp trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định BHYT tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn (quét mã vạch/nhập trực tiếp).

- Tra cứu bằng hàm tra cứu tự động (API).

Thứ ba, hỗ trợ kịp thời cho cơ sở KCB BHYT và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng CCCD gắn chíp khi đi KCB BHYT. Đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở KCB để không xảy ra hiện tượng từ chối KCB khi người dân cung cấp CCCD gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm và CSDL quốc gia về dân cư.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như: hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 cho tất các thủ tục hành chính của Ngành; triển khai rộng rãi ứng dụng VssID - BHXH số đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Trong hơn 3 năm qua, từ năm 2017 đến 2021, các cơ quan, đơn vị của của Bộ Công an và Cơ quan Bảo hiểm đã phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với gần 6.000 đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh, góp phần chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, nhất là đối với hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi