Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
"Tội phạm ngày càng nguy hiểm, chúng ta phải có cái nhìn đúng để có hướng xử lý"

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn các đồng chí Uỷ viên UBTVQH đã có ý kiến nhận xét, đánh giá Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ mà Bộ Công an được uỷ quyền trình bày.

Hình ảnh đi đến đúng vạch dừng lại bây giờ hiếm

Giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, thông tin việc vi phạm pháp luật phổ biến và diễn biến tội phạm ngày càng nguy hiểm là nhận định rất chính xác và chúng ta phải có cái nhìn đúng để có hướng xử lý.

“Không cần lấy ví dụ gì nhiều, chỉ cần nói đến vấn đề ai cũng có thể nhìn thấy là vi phạm trong lĩnh vực giao thông. Vi phạm rất tràn lan, phổ biến, trở thành như bình thường. Trước đây đèn đỏ cấm đi, bây giờ đèn đỏ cũng đi”, Bộ trưởng nói.

Theo báo cáo của lực lượng CSGT, 6 tháng đầu năm đã xử lý hơn 2 triệu người vi phạm, số tiền phạt thu được gần 2.000 tỷ đồng.

“Thực ra lực lượng Công an không hề muốn xử lý nhưng thực tế số xử lý không ăn thua gì so với hiện thực. Những hình ảnh ngày xưa đi đến đúng vạch dừng lại bây giờ hiếm, nhân dân vượt, cán bộ vượt, ai cũng tranh nhau đi… Khẩu hiệu của lực lượng CAND là kỷ cương, kỷ luật. Nếu không nghiêm thì xã hội sẽ mất trật tự, mất kỷ cương. Các cơ quan có liên quan cũng phải có trách nhiệm trong việc này”, Bộ trưởng đề nghị.

Về tội phạm lứa tuổi vị thành niên, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, số lượng tội phạm trong độ tuổi từ 18-30 chiếm 78%. “Việc tụ tập thanh thiếu niên thành những băng nhóm rất dễ, có thể lên mạng tụ tập, mang theo cả gươm dao, súng đạn tự chế. Có nhiều vùng thôn quê yên ả nhưng có thể hình thành băng nhóm tội phạm lên đến trăm người”.

Bộ trưởng lý giải, nguyên nhân phần lớn là do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, trong nhà có người thiếu gương mẫu, không có công ăn việc làm, không học hành… Bên cạnh đó là tác động của văn hoá, tệ nạn xã hội, internet bạo lực.

Toàn cảnh phiên họp

“Có ý kiến nói Công an hình sự hoá, nhưng thực ra tình hình tội phạm hiện nay đang rất báo động. Xuất hiện loại tội phạm cộm cán, “có số có má” quay lại điều hành doanh nghiệp. Ví dụ việc khai thác mỏ ở một số nơi có dấu hiệu bảo kê. Hoặc lập ra doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng, vận chuyển khai thác cát, sỏi… nhưng dưới cái mác đó là đàn em xăm trổ giành giật thị trường, đe doạ, bắn giết nhau”, Bộ trưởng nêu.

Tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, hay một số vi phạm của các doanh nghiệp như buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, gian lận thương mại… cũng được Bộ trưởng đề cập.

Cướp bánh mì cũng nguy hiểm nếu không nghiêm minh

Bộ trưởng Tô Lâm cũng băn khoăn trước một số yếu tố trong xây dựng luật: “Nếu đúng, về phong tục tập quán xã hội không chấp nhận hành vi cướp, dù là cướp cái gì, vì hành vi này gây mất an toàn cho xã hội. Hôm nọ báo chí cho rằng đối tượng cướp bánh mì bị xử tù là nặng. Hôm nay cướp 1 cái bánh mì không vấn đề gì, nhưng sau này lại cướp cái khác, đây hành vi nguy hiểm nếu chúng ta không nghiêm minh”.

Bộ trưởng cho rằng, nếu quy định ăn cắp từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý thì khó. Vì dù tài sản chưa đến 2 triệu đồng nhưng bị mất cắp thì người dân không chấp nhận được.

“Nhiều vùng quê bị trộm con gà, con chó người dân không chấp nhận, nếu chúng ta không giải quyết kịp thì xảy ra tình trạng cả làng đánh chết kẻ trộm chó. Và sẽ nảy sinh tình trạng chỉ trộm tài sản có giá trị 1,8 -1,9 triệu đồng. Lúc bắt lên giám định giá trị rồi thả ra thì dân lại nói Công an bảo kê. Rồi việc giám định số tiền cũng gặp khó khăn, mất thời gian…”, Bộ trưởng lưu ý.

“Hay những quy định về hàm lượng ma tuý. Dư luận đang quan tâm ma tuý tem giấy chỉ có 1g thôi thì có xử lý không? Về nguyên tắc, sử dụng, tiêu thụ, buôn bán ma tuý là không thể chấp nhận được. Nếu quy định yếu tố hàm lượng thì các đối tượng ma tuý sẽ trà trộn, lợi dụng để lách luật. Chẳng hạn trong 1 bánh heroin chúng không đóng đủ gram mà sẽ trà trộn chất khác vào…”, Bộ trưởng Tô Lâm phân tích thêm.

Kê biên ngay sau khởi tố để tránh việc bị can tẩu tán tài sản

Cho ý kiến về Báo cáo phòng chống tham nhũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn cho rằng, lâu nay việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong vụ án tham nhũng không nhiều. Cho nên, đối tượng tham nhũng mới kịp tẩu tán tài sản.

“Đề nghị Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, đặc biệt là Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can phải áp dụng ngay Điều 121 Bộ luật tố tụng Hình sự để kê biên tài sản đối với đối tượng tham nhũng”, ông nói.

Cũng theo ông Bộ, khi xử tội phạm tham nhũng thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ là có nhân thân tốt và có thành tích được khen thưởng. “Bởi, có nhân thân tốt thì không tham nhũng, còn tham nhũng nhiều lần, tham nhũng với số lượng lớn và việc khen thưởng tại thời kỳ anh đã, đang tham nhũng sau đó mới phát hiện ra thì lúc khen thưởng đó là khen thưởng nhầm”, ông phân tích.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị ngành Toà án đánh giá và chỉ đạo không cho áp dụng các tình tiết đó thì khi xử án tham nhũng mới chống được tham nhũng.

 

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi