Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chung sức đồng lòng ứng phó mối đe dọa chung ở Biển Đông

Trong khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự án luật cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt với mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các dự án phi pháp ở Biển Đông cũng như có những hành động gây bất ổn, đe dọa hòa bình ở vùng biển này, các quốc gia Đông Nam Á cũng có những động thái mạnh mẽ phản đối những hành vi hung hăng, khiêu khích, bắt nạt của phía Trung Quốc.

Tàu tuần tra của Philippines tiến hành hoạt động trên một vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông

Trung Quốc liên tục khiêu khích ở Biển Đông

Trong thông tin đăng tải trên Twitter ngày 20-10, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này đã ra công hàm phản đối những hành vi khiêu khích của tàu Trung Quốc đối với các tàu của Philippines khi họ tiến hành tuần tra ở Biển Đông. Theo đó, các tàu của Trung Quốc đã có tới hơn 200 lần thách thức tàu của Philippines bằng còi báo động và liên lạc vô tuyến. Phía Philippines không nêu cụ thể thời gian, địa điểm xảy ra các hành vi khiêu khích, thách thức của tàu Trung quốc với tàu tuần tra của nước này ngoài khẳng định, các cuộc tuần tra diễn ra trên vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền là “hợp pháp, theo phong tục và thông lệ”. Phía Trung Quốc cũng chưa có phản ứng về việc này. Vì thế, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “Những hành động khiêu khích này đe dọa hòa bình, trật tự và an ninh ở Biển Đông, đi ngược lại các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế”.

Việc tàu Trung Quốc liên tục khiêu khích, thách thức tàu tuần tra Philippines khiến Bộ Ngoại giao nước này phải ra công hàm phản đối cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai nước trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Mối căng thẳng diễn ra thường xuyên trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh bất chấp việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kể từ khi lên cầm quyền năm 2016 vẫn luôn muốn tìm kiếm quan hệ thương mại gần gũi hơn với Trung Quốc. Theo thống kê, Philippines đã gửi 80 công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông kể từ tháng 6-2016, thời điểm mà ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống. Từ đầu năm tới nay, Philippines cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích, phản đối Trung Quốc khi Bắc Kinh điều hàng trăm tàu dân binh trá hình tới khu vực biển ở Đá Ba Đầu thuộc Trường Sa của Việt Nam.

Trong động thái liên quan rất đáng chú ý, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 19-10 đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ điều nhiều tàu tới khi Tập đoàn Petronas triển khai dự án khí đốt tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hiện tập đoàn dầu khí nhà nước này của Malaysia đang triển khai dự án khai thác khí đốt ở mỏ Kasawari (cách thị trấn Bintulu thuộc bang Sarawak khoảng 200km) mà Kuala Lumpur tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Mỏ Kasawari được phát hiện hồi tháng 11-2011, ước tính có trữ lượng gần 85 tỷ m3 khí đốt có thể khai thác. Phía Malaysia dự kiến đưa mỏ này vào khai thác từ năm 2023 với công suất tới 25 triệu m3/ngày. Thế nhưng, thời gian qua, mỗi khi Petronas triển khai các hoạt động tại mỏ Kasawari, Trung Quốc đều điều tàu hải cảnh tới khiêu khích, cản trở.

Biển Đông phải là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác

Việc hai quốc gia Đông Nam Á thành viên ASEAN là Philippines và Malaysia có những chỉ trích, lo ngại trước những hành động khiêu khích, bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy, Bắc Kinh chưa giây phút nào từ bỏ sử dụng sức mạnh để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Yêu sách này đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ hồi tháng 7-2016 trong phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Bất chấp những đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc ỷ vào sức mạnh quân sự vượt trội của mình đã liên tục có những hành động gây hấn, bắt nạt, vi phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông. Trong đó, có những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc càng hung hăng hơn trong việc dùng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông thì càng vấp phải sự phản ứng, ngăn chặn mạnh mẽ hơn từ các quốc gia khu vực, cộng đồng quốc tế có lợi ích gắn bó với Biển Đông. Những hành động đáp trả mạnh mẽ của các quốc gia khu vực được sự ủng hộ của Mỹ cũng như các cường quốc thế giới quan tâm và có lợi ích chiến lược gắn bó với Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng khẳng định, Washington “luôn sát cánh các đồng minh của mình và đứng lên bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” ở Biển Đông.

Cùng với đó, Mỹ và các đồng minh như Anh, Pháp, Canada… đều đã có những động thái mạnh như triển khai tàu chiến tới tuần tra, răn đe tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mới đây nhất, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 20-10 đã thông qua dự án luật mang tên “Đạo luật cấm vận Biển Đông và Biển Hoa Đông 2021”, theo đó sẽ cho phép cấm vận mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ phi pháp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ngày 21-10, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, liệu Việt Nam có ủng hộ các nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ Mỹ trong việc thông qua dự luật này hay không và dự luật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Biển Đông?, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

Trả lời các câu hỏi liên quan về Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta khẳng định, Việt Nam nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 và các quy định, thông lệ liên quan khác, đóng góp một cách tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn ở Biển Đông.

Nguồn: Báo ANTĐ

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi