Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cuộc chiến chống mã độc tống tiền của Tổng thống Biden

Khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1-2021, nước Mỹ đã chứng kiến một trong những vụ tấn công mạng nhằm vào chính phủ lớn nhất trong lịch sử. Trong năm qua, các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền, trong đó tin tặc khóa dữ liệu của nạn nhân cho đến khi nhận được tiền chuộc, đã tăng vọt và cũng bắt đầu nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực cải thiện khả năng phòng thủ mạng của đất nước. Thay vì tiếp cận chủ đề thông qua lăng kính tội phạm mạng nói chung, Tổng thống đã coi tấn công bằng mã độc tống tiền là mối quan tâm hàng đầu về an ninh quốc gia và toàn cầu.

An ninh quốc gia

Mã độc tống tiền được coi là một vấn đề tội phạm, với sự tham gia hạn chế của chính phủ. Các băng đảng tấn công bằng mã độc tìm kiếm lợi nhuận sẽ nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp sau đó sẽ trả tiền chuộc hoặc tham khảo ý kiến của một công ty an ninh mạng tư nhân để giải quyết. Giờ đây, dưới thời Tổng thống Biden, vấn đề này ngày càng được coi là mối đe dọa đối với quốc gia. Điều này là do các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như ảnh hưởng xấu của mã độc đối với nền kinh tế.

Việc coi vấn đề này như một ưu tiên an ninh quốc gia đã mở đường cho vai trò tích cực của chính phủ. Theo đó, Nhà Trắng đã thực hiện một số biện pháp để tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng của đất nước. Các vị trí quan chức phụ trách không gian mạng mới đã được bổ nhiệm trong chính quyền, chẳng hạn như Cục Giám đốc Không gian mạng Quốc gia được giao nhiệm vụ cố vấn cho Tổng thống. Các tiêu chuẩn bắt buộc về an ninh mạng cũng đã được áp dụng đối với ngành công nghiệp đường ống dẫn khí đốt để ngăn chặn một vụ gián đoạn khác. Với 85% cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước thuộc sở hữu của các công ty tư nhân, Washington cũng đã ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa chính phủ và ngành.

anh 1.jpg -0
anh 2.jpg -1
Công ty công nghệ Mỹ Kaseya là nạn nhân của cuộc tấn công đòi tiền chuộc lớn nhất lịch sử.

Chủ nghĩa khủng bố kỹ thuật số

Tấn công bằng mã độc tống tiền đang ngày càng được coi là một hoạt động khủng bố đòi hỏi các biện pháp đối phó tương tự. Vào tháng 6-2021, Giám đốc FBI đã so sánh thách thức mã độc hiện tại với mối đe dọa khủng bố toàn cầu sau vụ tấn công 11-9. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã bắt đầu ưu tiên điều tra về các vụ tấn công mã độc giống như cách mà họ xử lý các vụ tấn công khủng bố. Ví dụ, họ đã khởi xướng một chương trình tiền thưởng cung cấp phần thưởng cho những ai cung cấp thông tin về tin tặc, vốn là phương thức hoạt động ban đầu được đưa ra để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Các biện pháp trừng phạt, một công cụ chống khủng bố khác đã được thiết lập, cũng đang được triển khai trong cuộc chiến chống mã độc. Để phá vỡ mô hình tài chính của các tin tặc, Mỹ đã trừng phạt các sàn giao dịch tiền điện tử tạo điều kiện cho việc thanh toán tiền chuộc. Washington cũng đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với các thành viên của các nhóm tấn công mã độc nhắm mục tiêu vào Mỹ. Vào tháng 11-2021, họ đã truy tố một người Nga và một người Ukraine liên quan đến vụ tấn công Kaseya.

Mỹ cũng đã thực hiện “các hành động ráo riết trên không gian mạng” chống lại các nhà khai thác mã độc tống tiền. Vào tháng 10-2021, Bộ Chỉ huy Không gian mạng Mỹ, cùng với FBI và các đối tác khác, đã tiến hành một chiến dịch tấn công chống lại REvil, nhóm đứng sau vụ tấn công Kaseya. Không giống như FBI, USCYBERCOM - một tổ chức quân sự tham gia vào sứ mệnh - cũng cho thấy một cách tiếp cận ngày càng quân sự hóa đối với các vụ tấn công mã độc.

An ninh quốc tế

Mã độc tống tiền cũng đã trở thành một vấn đề an ninh quốc tế, nổi bật trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông Biden.

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên vào tháng 6-2021, Tổng thống Mỹ đã vạch ra giới hạn đỏ bao gồm 16 lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng không được phép tấn công và đe dọa trả đũa mạng nếu bị nhắm mục tiêu. Giới hạn đỏ này không chỉ có ý nghĩa cảnh báo Nga mà còn cảnh báo các đối thủ khác đang dự tính các hành động tương tự. Hội nghị thượng đỉnh này cũng là lần đầu tiên vấn đề an ninh mạng đứng đầu trong chương trình nghị sự, trên cả các vấn đề như vũ khí hạt nhân.

Nhà Trắng cũng đang làm việc với các đồng minh để giải quyết vấn đề. Vào tháng 10-2021, họ đã tổ chức Sáng kiến Chống Mã độc với sự tham dự của 30 quốc gia - ngoại trừ Nga - để đưa ra một chiến lược chung. Trước đó, Biden đã nêu ra mối đe dọa mã độc tại Hội nghị thượng đỉnh G7, dẫn đến một tuyên bố chung phản ánh quan điểm của Mỹ đối với vấn đề cơ sở hạ tầng quan trọng và quan hệ với Nga.

Liệu chính sách hiện tại của chính quyền Mỹ có đủ để ngăn chặn làn sóng tấn công bằng mã độc hay không vẫn còn phải xem xét. Điều rõ ràng là không giống như cựu Tổng thống Trump, chính quyền hiện tại của Mỹ đã coi cuộc chiến chống mã độc trở thành một ưu tiên trong chính sách. Trong khi ông Trump hủy bỏ chính sách an ninh mạng trước đây, thì Tổng thống Biden đã biến mã độc thành một vấn đề an ninh quốc gia.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi