Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công nghiệp 4.0 có giúp phim Việt Nam ăn khách hơn?

Thành tựu của cuộc cách mạng khoa học nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến công nghiệp điện ảnh Việt, dù rằng, cùng với những thuận lợi, người làm điện ảnh thời 4.0 không phải không phải đối diện với nhiều thách thức mới.

“Trời ơi, chỉ là cảnh bầu trời thường ngày thôi mà sao họ quay đẹp đến thế!” - NSND Lan Hương, bà mẹ chồng nổi tiếng tai quái của 1 trong những phim truyền hình ăn khách nhất năm 2017 “Sống chung với mẹ chồng”, đã thốt lên đầy kinh ngạc trong lần đầu tiên chứng kiến công nghệ làm phim mới được sử dụng khi quay “Tuổi thanh xuân”.

Từ chỗ ngạc nhiên, bỡ ngỡ, đến nay, những nghệ sĩ như Lan Hương đã không còn quá lạ lẫm với những hiệu ứng hình ảnh mà công nghệ quay phim 4K mà Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam “nhập” về phục vụ làm phim. Những khung hình “đẹp như mơ” của “Thương nhớ ở ai”, sức hấp dẫn của “Cả một đời ân oán” hay “Người phán xử” thời gian qua có sự “đóng góp” tích cực từ công nghệ này.

Riêng với phim truyện điện ảnh, NSND Đào Bá Sơn khẳng định: Điện ảnh Việt Nam đã bước sang trang mới, là cuộc cách mạng hết sức thầm lặng là cách mạng nghe nhìn… Phương tiện kỹ thuật, âm thanh là một cuộc cách mạng. Sự thành công của nhiều phim truyện điện ảnh thời gian qua đặt ra nhiều câu hỏi.

Như “Em chưa 18” – phim đạt kỷ lục cao nhất từ xưa đến nay về doanh thu, nhưng trong phim không hề có ngôi sao. Vai nữ chính dành cho Kathy Nguyễn được chờ đợi và đón nhận song đây mới là lần đầu tiên cô đóng phim. Kiều Minh Tuấn thủ vai nam chính nhưng thời điểm ấy, anh còn là cái tên khá mới mẻ. Làm nên thành công của “Em chưa 18”, ngoài chất lượng phim, không thể không kể đến sự “góp phần” đáng kể và tích cực của đội ngũ làm công tác quảng bá.


“Thương nhớ ở ai” – một trong số các phim truyền hình tạo hiệu ứng đẹp hơn về hình ảnh bằng nghệ quay phim 4K.

Đó là ấn tượng về các tạo hình vui nhộn, lạ lẫm, những “tâm sự” liên tục “rỉ rả” trên mạng xã hội để khán giả “làm bạn” với nhân vật trong suốt quá trình làm phim và tạo hiệu ứng xã hội. Đây chính là cách quảng cáo thông minh của thời kỳ công nghệ số.

Nhà phê bình, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú thì khẳng định: Kỷ nguyên số đã thay đổi cả về phương tiện kỹ thuật lẫn hình thức biểu hiện của điện ảnh Việt. Trong điện ảnh, âm thanh là tạo hình. Nếu năm 1927, trong điện ảnh, âm thanh chỉ là phụ trợ. Đến thập niên 70, âm thanh được nâng lên một bước, trở thành một phần tham gia điện ảnh thì đến kỷ nguyên số, âm thanh là chỉnh thể không thể tách rời.

Người làm điện ảnh không còn bàn âm thanh minh họa hay không minh họa cho phim, nhiều hay ít mà người làm phim sẽ buộc phải tìm cách gia giảm cho hợp lý, phù hợp với sự tiếp nhận của khán giả...

Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại thuận lợi cho người làm phim. Một trong các vấn đề khiến nhà sản xuất “đau đầu” nhất sau thành quả công nghệ là vấn nạn mất bản quyền.

“Đây là vấn đề nhức nhối vì người trẻ có kiến thức công nghệ hơn hẳn người làm nghệ thuật. Họ có thể bẻ khóa bất cứ cái gì, chưa kể chuyện  lấy cắp tài sản trí tuệ để kinh doanh lại. Cộng đồng mạng là một thế giới đầy sự ngổn ngang, đầy sự thách thức, rủi ro. Chúng ta cần phải thích nghi với nó, đối diện với nó và không thể có cách khác được nếu muốn hòa nhập” - nhà phê bình Đỗ Lệnh Hùng Tú chia sẻ.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND

Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi