Thứ Ba, 16/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đại biểu nêu giải pháp ngăn ngừa hiện tượng "bác sỹ vướng vòng lao lý"

Thảo luận về kinh tế - xã hội, báo cáo công tác phòng, chống dịch và ngân sách nhà nước sáng nay, 8/11, từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, với gần 20.000 đồng bào tử vong vì COVID-19 trong thời gian qua là hy sinh, mất mát quá nhiều. Đó là chưa kể rất nhiều bệnh nhân có thể ra đi gián tiếp vì COVID-19. Điều đó cho thấy, nguy cơ lớn nhất của COVID-19 là chuyển trạng thái sang nặng và tử vong. Do vậy, để thực sự sống chung với dịch, khống chế giảm số ca nặng, giảm tử vong thì có những kinh nghiệm thực tế. Đó là những bài học xương máu, cần thiết.

Trong đó, đầu tiên cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, không chỉ vấn đề về tiền mà còn là nhân lực, làm sao thu hút nhân lực có trình độ cao, có đủ hiểu biết để hoạt động cho tốt. Vấn đề thứ hai đó là hệ thống điều trị, tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian qua là hệ quả để lại của hệ thống y tế chưa đủ mạnh, bên cạnh lỗi chủ quan còn có lỗi của chủ trương, chính sách.

Toàn cảnh hội trường.

Theo ĐBQH Đoàn TP Hồ Chí Minh, bất cứ ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, và trong ngành y, mục đích lớn nhất là phục vụ người bệnh. "Vấn đề là, làm sao để nhân viên y tế, đặc biệt cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển về y đức, chứ không phải biện pháp hành chính hay tố tụng hình sự", nữ đại biểu nêu quan điểm và bày tỏ đau lòng khi chứng kiến những vụ việc các bác sỹ bị xử lý vừa qua.

Cũng liên quan vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cảm thấy xót xa khi gần đây pháp luật phải "xử lý những con người được coi là tinh hoa của đất nước". Dù là thầy thuốc, thầy giáo đều là những con người có trách nhiệm, quyền hạn, mọi sai phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đều bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, trong một xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng giống như danh xưng cao quý ở những người thầy mà vi phạm pháp luật thì rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng lo lắng, xét về góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị đất nước.

Tán thành với ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống y tế hiện nay, ĐBQH Nguyễn Công Long phân tích: Điểm chung của các vụ án vừa qua là số cán bộ y tế làm quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở các tội phạm về chức vụ mà còn các tội về kinh tế như: vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm quy định về kế toán... Khi thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, có lẽ các nhà làm luật không thể hình dung được tội phạm kinh tế có sự chuyển hóa như vậy, chủ thể tội phạm kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, mà là những cán bộ quản lý trong hoạt động y tế, giáo dục vi phạm nhiều.

ĐBQH Nguyễn Công Long thảo luận tại hội trường.

Đại biểu cho rằng, khi làm nghề, bác sỹ là những người được đào tạo chuyên sâu, có năng lực chuyên môn để chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Mỗi bác sỹ được cất nhắc làm lãnh đạo bệnh viện thì bao gồm nhiều yếu tố: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân, và đặc biệt là trình độ chuyên môn. Với chức trách quản lý, điều hành một bệnh viện công thì ngoài chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh, Giám đốc bệnh viện còn phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, nội vụ, cơ sở vật chất...

"Nói cách khác, Giám đốc bệnh viện công lập không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ mà câu chuyện phức tạp nhất là họ phải chịu trách nhiệm từ những chuyện: gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế; chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động đấu thầu, quản lý trang thiết bị y tế. Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sỹ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương được toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra", ông nhận định.

Tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình y tế một số nước cho thấy, trong một cơ sở y tế, các bác sỹ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong viêc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng  chuyên trách khác đảm nhiệm.

Từ đó, ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị, cùng với việc xử lý nghiêm sai phạm cần phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế; nhất là điều hành bệnh viện công. "Để không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân mà còn ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm, tiêu cực trong ngành y tế. Để chúng ta không thấy cảnh các bác sỹ vướng vòng lao lý bởi những câu chuyện đáng lẽ họ không phải làm, không được làm", đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi