Thứ Năm, 25/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những cuộc ly hương sau canh bạc ngày tết

Tan tác vì thú vui tiêu khiển

Trước nạn cờ bạc bùng nổ vào dịp tết Nguyên đán, lực lượng Công an tại các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk đã ra quân truy quét, xử lý quyết liệt. Vào ngày mồng 2 tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an huyện Cư Kuin phát hiện tại khu vực vườn của gia đình bà Bùi Thị Huệ (sinh năm 1975, ngụ Thôn 2, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) có một số đối tượng đang đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa ăn thua bằng tiền nên đã phối hợp cùng Công an xã Ea Hu triển khai lực lượng vây bắt 7 đối tượng. Tại hiện trường, Công an huyện thu giữ hơn 10 triệu đồng và các công cụ như chiếu, đèn pin, chén, đĩa dùng để đánh bạc.

Bà Hạnh địu con nhỏ lầm lũi ra đường khi chồng và con trai không về ăn tết.

Trước đó, ngày 31-1-2021 (tức 19 tháng Chạp) Công an huyện Ea H’leo phối hợp với Công an xã Ea H’leo và Ea Hiao bắt quả tang 2 vụ với 9 đối tượng về hành vi đánh bạc, thu giữ tại chiếu bạc 14,4 triệu đồng và một số vật dụng liên quan. Vào buổi chiều, công an tiếp tục phát hiện 4 đối tượng đang chơi “phỏm” ăn tiền tại quán tạp hóa Đông thuộc thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo của bà Lương Thị Hoa (sinh năm 1982). Trên chiếu bạc, công an thu giữ 6,5 triệu đồng. Vào lúc 22h cùng ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an huyện đã theo dõi, bắt quả tang 4 đối tượng đang xóc bầu cua tại nhà ông Nay Y Trí (sinh năm 1989, ở buôn Kara, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) thu giữ 7,9 triệu đồng.

Những vụ việc trên, tuy số tiền không quá lớn nhưng ở làng quê nông thôn, đó là tất cả tài sản, vốn liếng mà người nông dân tích góp trong cả năm cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, nương rẫy. Nếu công an không phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì những cuộc sát phạt như thế này sẽ kéo dài cho đến lúc “con bạc” trắng tay, sạch túi. Cay cú vì ăn thua, gỡ gạc dẫn đến ấm ức, hận thù, đánh nhau là chuyện bình thường. Hệ lụy lê lết kéo theo đó là tán gia bại sản, gia đình ly tán, anh em chia lìa.

Cuộc ly hương bất tận

“Đỏ đen” là trò chơi nhưng chưa bao giờ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Mồng 3 tết, chúng tôi ghé thăm nhà bà Lê Thị Hạnh (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Nhà bà Hạnh nằm lẻ loi giữa cánh rừng cao su đang vào mùa đâm chồi nảy lộc. Tết còn chưa hết, bà Hạnh đã cặm cụi đi nhặt củi về nấu cám lợn.

Công an huyện Cư Kuin triệt xóa chiếu bạc vào đêm mồng 2 Tết.

Bà bảo, năm nay không có tiền nên chẳng thể đi đâu, ở nhà mãi cũng chán đành đi làm cho khuây khỏa. Mới năm ngoái thôi, gia đình bà Hạnh trúng mùa cà phê, sắm tivi “xịn”, xe máy mấy chục triệu cho ông chồng Nguyễn Văn T. và cậu con trai cưỡi vun vút ngoài đường. Hả hê vì có chút tiền rủng rỉnh chơi tết, hai bố con sà vào chiếu bạc “làm tí” cho bằng bạn bằng bè. Không ngờ, cái thứ “đỏ đen” không ăn không hút mà làm con người nghiện liêu xiêu. Bố chơi sạch túi, đến lượt con “quẩy banh nóc”. Chỉ trong vòng buổi sáng, 15 triệu đồng không cánh mà bay, đây vốn là tiền dành để ra năm mua phân bón cà phê và chi phí tưới tiêu.

Càng thua thì càng ham, càng muốn gỡ gạc. Ông T. nhìn vào chiếc xe máy Air Blade mới toanh còn chưa cấp biển số, sai thằng con trai mang ra tiệm cầm đồ. Con trai cũng đang hăng máu ăn thua không cần suy nghĩ, 5 phút sau quay lại đưa cho bố 20 triệu. Chưa đầy 30 phút, ông T. thẫn thờ phủi quần đứng dậy. Cuộc dạo chơi ngày xuân của cha con ông T. kết thúc bằng một khoản nợ lãi 30 triệu và mất trắng chiếc xe máy trả góp.

Buồn quá, ông T. đi uống rượu, thằng con trai sợ về nhà ăn đòn nên trốn sang nhà bạn ở Đắk Nông. Tin tán gia bại sản nhanh chóng lan đến tai bà Hạnh, bà đau đớn chẳng nói được lời nào. Mồng 10 tết, chủ nợ đã tới nhà xiết mấy bao cà phê dự trữ cho 3 tháng giáp hạt. Trong nhà trống trơn từ trong ra ngoài, bà Hạnh ném vào mặt ông T. tờ đơn ly dị và tuyên bố đường ai nấy đi. Ông T. khẩn thiết van xin, thề thốt sẽ đoạn tuyệt vời cờ bạc, quyết chí đi kiếm tiền về trả nợ. Phụ nữ luôn yếu đuối trước sự van xin hối lỗi của đàn ông, bà Hạnh chấp nhận lời thỉnh cầu của chồng.

Ông T. xuống TP. Hồ Chí Minh xin được một chân ở xưởng gỗ tại quận Tân Bình với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Thằng Tiến, con trai ông đi phụ bốc xếp hàng cho vựa ve chai, lương cũng được 7 triệu/tháng. Cả năm làm việc, hai cha con dư được 50 triệu gửi về trả nợ lãi và gốc vừa hết. Còn món nợ chiếc xe máy thì phải khất lại.

Năm nay, phần vì không có tiền, phần muốn “cai” cờ bạc nên ông T. quyết tâm ở lại, không về quê đón tết. Ở nhà chỉ còn bà Hạnh và cô con gái mới 3 tuổi. Hai mẹ con rau cháo cho qua mấy ngày tết. Bà Hạnh cho biết, không riêng gì gia đình bà ly tán vì cờ bạc mà các gia đình khác cũng chung hoàn cảnh, có nhà còn phải tù tội. Ai cũng nghĩ chơi vui 3 ngày tết. Niềm vui thoảng qua mà nỗi buồn dài theo năm tháng.

Sau một mùa tết chớp nhoáng, các xóm làng ở Tây Nguyên trở nên vắng vẻ đìu hiu. Thanh niên lũ lượt rời làng đi, đàn ông, đàn bà còn khỏe mạnh cũng đi, ở lại chỉ còn bà già và trẻ em. Năm nay, dù biết dịch bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm ở thành phố nhưng họ vẫn đi.

Đối tượng tham gia đánh bạc bị Công an huyện Ea H’leo phát hiện, bắt giữ.

Ngồi ôm hai đứa cháu nội, bà Nông Thị Hây (65 tuổi, ngụ xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) buồn mênh mang nhìn ra vườn tiêu xơ xác trước nhà. Năm nay tiêu mất mùa, mất giá, con trai, con dâu mới mồng 4 tết phải trở lại thành phố làm việc. Đã thế, thằng con trai đi chơi tết nhoắng vài ván “bầu cua tôm cá” đã hết veo chục triệu đồng. Vợ chồng cãi nhau, khóc lóc cả đêm. Chưa hết, thằng em dù vợ đang mang bầu sắp sinh vẫn “vui vẻ” trên chiếu bài “phỏm” mấy đêm liền. Bà Hây lụ khụ chống gậy vào tận căn chòi lá trong rẫy tiêu tìm bắt về nhưng nó say chơi mê man không còn biết nghe lời mẹ nữa.

Tức quá, bà Hây đi báo công an. Nghe tin có công an, nhóm con bạc hồn bay phách lạc, vứt dép bỏ chạy không dám ngoái đầu quay lại. Trở về nhà, thằng con đay nghiến mẹ, quát tháo chửi bới vang nhà. Bà Hây buồn quá, ôm cháu nội sang nhà anh em lánh mặt. Tổng kết mùa tết, hai đứa con của bà Hây mất gần 30 triệu đồng vì “đỏ đen”. Ngày đi TP. Hồ Chí Minh, hai thằng ngửa tay xin tiền bà Hây làm lộ phí.

Vòng xoáy tết về, tết đi đã trở thành nhịp sống quen thuộc của dân xóm núi. Bao nhiêu năm rồi, những cuộc ra đi và trở về cứ lặng lẽ như thế, cái nghèo vẫn mãi còn đó. Một năm bôn ba lao động, tích góp được chút tiền rồi “nướng” vào những cuộc chơi “tẹt ga” phút chốc tan tành. Năm nay, Hoàng Văn Nh. chưa kịp ngồi ăn với bố mẹ bữa cơm nào đã phải trốn chui trốn lủi vì nợ nần. Số là trước tết vài ngày, Nh. có vay nóng 20 triệu để sắm chiếc điện thoại iPhone 12 Pro Max có giá 39 triệu đồng chơi tết. Nh. dự định qua tết xuống công ty lãnh tháng lương đầu tiên được 10 triệu, cộng với tiền lì xì nữa cũng gần đủ. Thiếu một ít thì mượn thêm bạn bè. Thanh niên mới lớn ở xóm núi Ea Sar này mấy ai được oai như Nh. 3 ngày tết, Nh. bay nhảy như con ngựa bất kham, bạn bè rủ rê ngồi xóc đĩa vài ván cho vui, Nh. ngại gì không thử.

Đã thử là ham, khó dứt ra được. Nh. thua cháy túi nhưng vẫn nghiện chưa muốn bỏ cuộc. Còn chiếc điện thoại xịn, Nh. cầm ngay 10 triệu, lòng nhẩm tính sẽ chơi một ván “knock out” rồi rút lui, hoàn vốn. Không ngờ Nh. bị out luôn, tiền không còn để chuộc điện thoại, chủ nợ cho 2 ngày để xoay xở, mỗi ngày lấy lãi 500.000 đồng. Nh. xoay mãi cũng không ra, nhìn khắp nơi đều là chủ nợ. Bố mẹ Nh. thì già nua, bệnh tật, không tiền không của. Đường cùng, Nh. tìm đến chỗ “anh chị” vay thêm 10 triệu nữa là 30 triệu, với lãi “cắt cổ” tính từng ngày. Chuộc được điện thoại, Nh. tìm cách tẩu thoát khỏi nhà. Anh chàng chạy xe máy một mạch xuống Bình Phước ở ẩn rồi chờ đến ngày công ty mở cửa sẽ đi làm.

“Con bạc” nông dân chơi bầu cua tôm cá.

Ngày đầu tiên đi làm, Nh. cũng như hàng trăm công nhân đến Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam (sản xuất giường ghế sofa) tại khu công nghiệp Rạch Bắp, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương thì tá hỏa vì công ty đã... giải thể từ trước tết mà không hề thông báo cho công nhân biết. Nh. hụt hẫng, chới với, không biết phải làm sao. Nghĩ về khoản nợ “tín dụng đen” như tảng đá khổng lồ đè lên đầu, Nh. chỉ muốn độn thổ mà trốn. Bố mẹ ở nhà liên tục gọi điện báo tin có “anh chị” đến nhà đòi tiền. Họ bảo nếu Nh. không trả được thì bố mẹ trả, không có thì phải viết giấy bán đất. Nh. bán điện thoại, bán xe máy được 20 triệu, còn thiếu 20 triệu nữa đành phải đi vay “tín dụng đen” ở chỗ khác. Gom đủ tiền, Nh. gửi về quê nhờ bố mẹ trả nợ gốc 30 triệu, lãi 10 triệu.

Tháo được một “chiếc gông” ở cổ, còn một chiếc nữa, Nh. quyết tâm sẽ sốc lại mình, nhịn ăn nhịn mặc làm việc. Nh. hiểu rất rõ, lao đầu vào “tín dụng đen”, đồng nghĩa với buộc một sợi xích vào cổ. Cũng giống như cờ bạc, đã nhúng tay vào thì “đen bạc” cả một đời.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi