Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Rào cản trong tự chủ đại học sẽ được tháo gỡ như thế nào?

Ngày 25/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức họp báo về Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 11, với sự tham gia của 250 đại biểu. Dự kiến, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học đã ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời câu hỏi của các nhà báo.  

Tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành cũng còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, còn khoảng cách cần phải thu hẹp. Vì vậy, mục tiêu hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2019; trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học.

PV Báo CAND đặt vấn đề, hiện tự chủ đại học gặp rào cản lớn nhất là “vướng luật” chuyên ngành, cụ thể là vướng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật viên chức…, vậy hội thảo có đưa ra được giải pháp để giải quyết câu chuyện “vướng luật” hay không?

Ông Phạm Tất Thắng cho hay, từ góc độ Quốc hội, hội thảo muốn nhìn nhận những vướng mắc và khó khăn từ thực tiễn, để tháo gỡ. Mong muốn thì nhiều nhưng kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Đúng là tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, hoạt động của một trường đại học được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, ví dụ về nhân sự sẽ được điều chỉnh bởi Luật Viên chức, tài chính tài sản thì phụ thuộc vào Luật Ngân sách, Luật đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công; nghiên cứu khoa học thì phụ thuộc Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. 

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan báo chí

Khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dưới góc độ là cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ GD & ĐT là cơ quan chủ trì soạn thảo, trong dự thảo lần đầu của Luật này đã có 1 ý tưởng: Khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiên tự chủ, nếu có gì vướng mắc thì thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học. 

“Chúng tôi  mong muốn Luật này có thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang nảy sinh trong thực tiễn, nhưng về quy trình, quy định lại không được, không thể dùng một luật chuyên ngành để điều chỉnh luật chuyên ngành khác”, ông Phạm Tất Thắng bày tỏ và nêu ví dụ: Quốc hội muốn điều chỉnh Luật Quy hoạch thì lại phải ban hành một luật khác, hoặc sửa đổi những điều có liên quan ở những luật khác thì Luật Quy hoạch mới thực hiện được.

Hiện các trường đại học thực hiện tự chủ trong học thuật khá tốt, tuy nhiên, tự chủ về tài chính và nhân sự đang còn nhiều vướng mắc

Hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học không giải quyết được nhiều vướng mắc của tự chủ đại học, mặc dù Luật này cũng đã cố gắng tháo gỡ, giao trách nhiệm cho hội đồng trường ban hành các quy định, để các cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng cũng không ra khỏi khuôn khổ quy định của luật chuyên ngành được nên nếu để Luật Giáo dục đại học thực sự tạo hành lang pháp lý đủ rộng để tự chủ đúng nghĩa, thì phải sửa đổi một số luật chuyên ngành.

 “Tháo gỡ khó khăn không thể một sớm một chiều, cần sự vào cuộc của tất cả chúng ta và hội thảo này là một hành động cụ thể để chúng ta nhận diện được khó khăn về mặt thể chế, đề ra giải pháp tháo gỡ cho tự chủ đại học”, ông Phạm Tất Thắng cho hay.

Một vấn đề nữa được các nhà báo quan tâm, đó là hội thảo này không bàn về tự chủ học thuật, phải chăng tự chủ học thuật tại các cơ sở giáo dục đại học đã đạt tự chủ đúng nghĩa? Về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng cho biết, tự chủ đại học có 3 góc độ là tự chủ về chuyên môn học thuật, tự chủ về tổ chức nhân sự và tự chủ về tài chính, tài sản. Tự chủ về chuyên môn học thuật cơ bản được điều tiết bởi Luật Giáo dục đại học sửa và một phần của Luật Khoa học công nghệ, ít vướng mắc hơn. Còn tự chủ về nhân sự, tài chính, được quy định bởi các luật chuyên ngành khác, vướng hơn nên cần tập trung tháo gỡ. 

GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, tự chủ đại học có hai mức, mức 1 là mức cơ sở - các nhà khoa học gần như được tự chủ 100% về học thuật, họ tự xác định phương hướng nghiên cứu, tự tìm được nguồn nghiên cứu, tự do phát biểu quan điểm và trình bày công trình nghiên cứu của mình, trừ những vấn đề liên quan đến chính trị.

Còn GS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, các trường đại học được giao nhiều quyền hơn, tất nhiên có khó khăn vướng mắc cần phải có sự đồng bộ giữa các luật. Câu chuyện về tính liêm chính trong khoa học, tính tích cực trong khoa học và cả sự đáp ứng các quy định quy chế áp dụng tự do học thuật nhưng đảm bảo công bằng, trung thực khi áp dụng luật, đấy là những công việc đặt ra mà các trường đại học phải quan tâm.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi