Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những giọt mồ hôi nơi cửa ngõ Thủ đô

Đã vào thu nhưng Hà Nội vẫn nắng gắt cộng với cái hanh hao đặc trưng của mùa. Khi tôi đến các trạm kiểm soát y tế đầu cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Long Biên, mặc nắng gió và khói bụi, các lực lượng chức năng vẫn phơi ra giữa đường để hướng dẫn giao thông, phân luồng phương tiện và kiểm tra giấy thông hành, kiểm soát y tế... Tất cả đang căng mình vì nhiệm vụ bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh lây lan, bùng phát giữa các vùng nguy cơ.

Từ ngày 6-9, Hà Nội bắt đầu bước sang giai đoạn chống dịch COVID-19 mới, với sự phân vùng để đảm bảo giãn cách xã hội tùy theo mức độ dịch bệnh. Bởi thế, công an Thủ đô cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung cao điểm trên các chốt ở vùng ranh giới “đỏ”, “vàng”, “xanh”...

Cần mẫn dưới nắng lửa

Trên các tuyến đường hướng vào nội đô, lượng phương tiện và người tham gia giao thông đã khá đông. Từ sáng sớm, theo quan sát của chúng tôi, dòng phương tiện các loại đổ vào nội đô tăng dần và đạt đỉnh điểm trước giờ làm việc hành chính của cơ quan, công sở. Thống kê ca sáng của trạm kiểm soát y tế đầu cầu Chương Dương thuộc quận Long Biên cho thấy, có khoảng 3 nghìn xe với hơn 5 nghìn người đã lưu thông qua trạm kiểm soát. Mặc dù việc kiểm soát rất mau chóng nhưng đoàn người, phương tiện vẫn kéo dài chờ đến lượt. 16 cán bộ thuộc đủ “binh chủng” hợp thành... đứng thành hàng cách nhau tầm chục mét để xét giấy đi đường của người tham gia giao thông. Với những trường hợp nghi vấn mắc bệnh, nhóm cán bộ y tế lập tức tiến hành đo thân nhiệt, hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế.

Trạm kiểm soát dịch bệnh tại cầu Vĩnh Tuy.

Đầu giờ chiều, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông lại tăng lên. Không để họ phân tâm bởi hoạt động báo chí tại hiện trường, chúng tôi nán lại cho đến khi đường vắng. Từ ngoài đường đi vào nơi có bóng râm để trò chuyện, Thiếu tá Đỗ Từ Thiện (cán bộ đội 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) bỏ mũ và kính chống giọt bắn, giơ ống tay áo quệt ngang trán để lau những giọt mồ hôi đang chảy ròng ròng. Mặt anh đỏ lựng, bộ quân phục ướt đầm đìa, nhớp nháp mồ hôi, dù các anh mới thay ca từ lúc 12 giờ trưa. Anh cho biết trạm kiểm soát này do Công an TP Hà Nội phụ trách. Một ngày chia 4 ca, mỗi ca làm việc 6 tiếng, ca sáng làm từ 6 giờ đến 12 giờ, ca trưa từ 12 đến 18 giờ, ca tối từ 18 giờ đến 24 giờ, ca đêm từ 24 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, đảm bảo bám chốt 24/24 giờ để kiểm soát giao thông trên các tuyến đường ra vào nội đô. Mỗi trạm kiểm soát đảm bảo đủ 16 cán bộ, nhân viên, gồm nhiều lực lượng tham gia như công an, quân đội, y tế, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương... Riêng công an cũng có nhiều lực lượng như cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, cảnh sát kinh tế...

Trong ca trực của Thiếu tá Thiện, quán triệt phương châm xử lý linh hoạt, nhắc nhở và yêu cầu chấp hành “quay đầu” là chính, nên chưa xử phạt trường hợp nào không đủ giấy tờ cần thiết để ra đường theo quy định. Tuy nhiên, trước đó, vào tối 4-9 tổ công tác này đã kiên quyết xử phạt 40 triệu đồng với một trường hợp điều khiển xe ô tô trong tình trạng đã uống rượu và không có giấy đi đường. Trong ngày 6-9, với những vi phạm như xe tải đăng ký “luồng xanh” được cấp QR code nhưng giấy xét nghiệm COVID-19 hết hạn, hoặc xe chạy không đúng tuyến như đăng ký trên mạng, hoặc người tham gia giao thông không có giấy đi đường theo quy định, không mang theo căn cước công dân... các anh yêu cầu không được tiếp tục di chuyển vào nội đô. Chỉ vài tiếng đầu giờ chiều mà tại trạm kiểm soát  này, 65 phương tiện đã phải trở về nơi xuất phát vì không đủ điều kiện. Với giấy đi đường theo mẫu cũ, hoặc giấy đi đường bản mềm lưu hình ảnh trong điện thoại, tổ công tác nhắc nhở và giải quyết cho đi.

Tại trạm kiểm soát Y27a đóng tại ngã ba Đàm Quang Trung - Phố Trạm (đầu cầu Vĩnh Tuy thuộc quận Long Biên), hoạt động kiểm soát cũng diễn ra nghiêm túc, khẩn trương. Thiếu tá Vương Đình Huỳnh (cán bộ Đội 4) đảm nhiệm vị trí “Trạm kiểm soát  trưởng”. Anh cho biết có tới hơn 90% người đi đường đều có giấy thông hành. Còn 10% còn lại là những người trình bày quên loại giấy quan trọng này hoặc chỉ có bản chụp giấy đi đường qua điện thoại, không có bản gốc. Nhiều người trình bày lý do trước đó chưa qua cơ quan để lấy được. Tổ công tác xử lý kiên quyết buộc “quay đầu” với những người không có giấy đi đường nhưng không xử phạt, vì việc này sẽ mất thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ lưu thông của các phương tiện trên đường. Phương châm làm việc của các anh là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra ùn ứ kéo dài hay tai nạn mà vẫn đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sĩ làm việc tại trạm kiểm soát Chương Dương, quận Long Biên.

Cũng tại đây, tôi gặp lại Thiếu tá Nguyễn Đức Duy (Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội). Duy kể trong chiến dịch này, các đơn vị nghiệp vụ chiến đấu mũi nhọn của Công an thành phố như cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động cũng được huy động tham gia các trạm kiểm soát y tế, tương tự như các Y141 đã thực hiện trong 10 năm qua trên địa bàn Thủ đô. Việc này nâng cao sức mạnh “đề kháng” trước các hành vi “thông chốt” bằng vũ lực đã và đang diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua. Công việc chính của lính cơ động hay “hình cảnh” khi tham gia trạm kiểm soát là giải quyết các tình huống phức tạp phát sinh. Khi có “cái đầu nóng” nào đó sẵn sàng dùng nắm đấm với lực lượng chức năng thì tính chuyên nghiệp trong đấu tranh trấn áp tội phạm của họ sẽ được phát huy. Còn bình thường, họ hỗ trợ đồng đội kiểm tra giấy tờ của người đi đường.

Khi chúng tôi đang đứng bên đường trò chuyện thì một chiếc xe quân sự gắn biển đỏ đi qua. Một sĩ quan kiểm soát quân sự lập tức ra đầu xe yêu cầu dừng lại để xuất trình giấy tờ. Sau vài phút kiểm tra, người lính quay vào kể với chúng tôi rằng anh vừa chặn đúng xe thủ trưởng, rồi giải thích vì mục tiêu phòng, chống dịch bệnh nên không có ngoại lệ, ai cũng phải kiểm tra. Công việc quan trọng này đòi hỏi phải luôn giữ nguyên tắc, không để tình riêng chi phối.

Trong thời gian chúng tôi làm việc tại trạm, chứng kiến rất nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang như quân đội, công an được tổ công tác yêu cầu dừng lại kiểm tra, xuất trình các giấy tờ cần thiết như bao người khác. Tất cả đều vui vẻ chấp hành.

Rời trạm kiểm soát cầu Vĩnh Tuy, chúng tôi đến ghi nhận hoạt động tại điểm chốt  đầu cầu Long Biên. Trước đó, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà (Phó trưởng Công an quận Long Biên) đã cho tôi biết điểm trạm này do công an quận phụ trách, trong khi các chốt khác thuộc công an thành phố chủ trì.

Thượng úy Nguyễn Minh Quang (cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế) cho biết, lượng người lưu thông bằng xe máy, xe đạp qua cây cầu sắt thế kỷ này khoảng 400-500 người từ lúc bắt đầu ca trực buổi sáng. Hầu hết những người qua cầu đều có giấy tờ hợp lệ nhưng cũng có một số người phải “quay đầu” dù đã xin xỏ hết cách, vì không đủ điều kiện. Tổ nhân viên y tế tại Bệnh viện Hòe Nhai cũng được tăng cường đến trạm này để kiểm soát y tế. Được biết, tất cả bệnh viện thuộc Sở Y tế TP Hà Nội đều cử y, bác sĩ tham gia các trạm kiểm soát. Bên cạnh đó, ban chỉ huy quân sự quận cũng cắt cử cán bộ, chiến sĩ ứng trực cùng lực lượng liên ngành.

Nỗ lực vì sự bình yên

Bắt đầu từ ngày 6-9, Hà Nội hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng Chỉ thị 15 và 15 nâng cao đối với những địa bàn an toàn hơn nhưng nhiều quận trong nội đô tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tình thế bắt buộc phải tạm thời phân chia Thủ đô thành các vùng đỏ, xanh, cam theo mức độ nguy hiểm của tình hình dịch bệnh. Từ việc phân vùng ấy, 21 trạm kiểm soát y tế liên ngành tại vùng đỏ do Công an TP. Hà Nội chủ trì, đã chính thức đi vào hoạt động.

Trạm kiểm soát y tế đầu cầu Long Biên do Công an quận Long Biên chủ trì.

Được biết, để cấp giấy đi đường cho người dân, 100% cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông đã thực hiện ăn nghỉ tại chỗ, chia ca làm việc 24/24, với phương châm nỗ lực hết sức để nhanh chóng cấp giấy đi đường kèm QR code. Biểu mẫu về việc đăng ký, giờ giấc được phép lưu hành cũng đã được trao đổi thống nhất với các sở, ngành liên quan. Đối với giấy đi đường có mã nhận diện cho người điều khiển mô tô, đơn vị sẽ in, ký, đóng dấu, cho vào phong bì và lực lượng cảnh sát dẫn đoàn sẽ vận chuyển đến từng cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để gửi trả cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu. 

Làm việc ngoài trời, dưới cái nắng vẫn rất oi bức dù đã vào thu nhưng cán bộ, nhân viên các trạm kiểm soát y tế mà chúng tôi đã đến thăm đều rất mẫn cán với công việc được giao. Thao tác kiểm soát, đối chiếu tài liệu, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu quay lại hay đồng ý cho thông tuyến... được diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo sự thận trọng, chính xác.

Có một chuyện khiến tôi cứ nghĩ mãi, đó là việc chăm lo, bảo đảm những điều kiện làm việc tối thiểu cho anh em. Hiện nay họ đang phải góp tiền để mua nước uống, mì tôm, chứ không có nguồn cung cấp. Đến bữa, anh em tranh thủ thay nhau vào lán dã chiến úp vội gói mỳ tôm húp cho qua bữa, rồi lại ra bám đường. Trong khi tại nơi tôi ở (tổ dân phố số 8, phương Giang Biên, Long Biên), bà con đã quyên góp tiền mua lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu cơm, đến bữa mang đến tận nơi phát cho cán bộ, nhân viên trực tại các trạm kiểm soát y tế trên địa bàn. Hành động nhỏ nhưng là một nghĩa cử, thay cho lời tri ân của người dân đối với những chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Thiết nghĩ, mô hình nhân văn này rất nên được lan tỏa. Chính quyền và nhân dân các địa bàn nơi có các trạm kiểm soát nên có sự quan tâm, chăm sóc từ miếng cơm, ngụm nước cho những người đang căng mình vì sự an toàn chung cho tất cả mọi người.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác