Thứ Ba, 16/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
PGS. TS Trần Đắc Phu: Cho trẻ đi học trở lại là việc rất cần thiết

Sau 1 tuần học sinh THCS và THPT đến trường trở lại, đã có nhiều giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19, nhiều lớp học phải ngừng học trực tiếp và lại quay về học online. Ngày 14/2, nhiều tỉnh trên cả nước cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường.

Tại Hà Nội, dự kiến ngày 21/2 tới đây, học sinh tiểu học của 12 quận nội thành quay lại trường. Lứa tuổi này chưa tiêm vaccine, việc các em trở lại trường học cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng về lây nhiễm COVID-19.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, hiện Thủ đô mới chỉ cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp, sau đó có đánh giá sơ bộ kết quả, nếu đảm bảo an toàn thì Sở sẽ đề xuất TP cho đối tượng học sinh này ở 12 quận nội thành được đến trường từ ngày 21/2. Nhiều phụ huynh có con ở lứa tuổi này khá lo lắng khi các con chưa tiêm vaccine, từ Tết ra đến nay, tỷ lệ ca nhiễm mới tăng cao, sẽ lây lan dịch bệnh. Hơn thế nữa, nếu các con lây nhiễm ở trường học sẽ còn là nguồn lây cho cả gia đình.

1.jpg -0
Giáo viên hướng dẫn học sinh sát khuẩn tay trước khi vào lớp tại Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh.

Theo khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, học sinh rất phấn khởi khi được trở lại trường. Sau một tuần học sinh lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp, đã xuất hiện nhiều F0 là học sinh và giáo viên. Trường THCS Đông Thái, quận Tây Hồ đã có 3 lớp phải học online do có học sinh nhiễm COVID-19. Trường THCS Chu Văn An, riêng khối 8 đến ngày 14/2 đã có hơn 140 em phải học online. Tại Hà Nội, nhiều học sinh đến trường có biểu hiện sốt, ho, được xét nghiệm phát hiện dương tính.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, việc cho trẻ trở lại trường là cần thiết, bởi nếu trẻ không được đi học dễ dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, nghiện game, chậm giao tiếp (ở trẻ nhỏ). “Hiện nay, chúng ta đã chấp nhận có ca mắc cộng đồng, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, khi chúng ta chấp nhận những điều đó thì trẻ ở nhà cũng nhiễm COVID-19. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ em. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà”, ông Phu nói.

Với trẻ từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vaccine, đây là vấn đề đang khiến nhiều phụ huynh lo ngại khi cho con trở lại trường. Ông Phu cho biết: “Trẻ nhỏ mắc COVID-19 ít có triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn người trưởng thành. Trên cơ sở rủi ro giữa trẻ không đi học nhiễm COVID-19 với trẻ đi học nhiễm COVID-19 thì cho trẻ đi học là cần thiết”, ông Phu nhấn mạnh. Theo ông Phu, các phụ huynh cần xác định, khi con trở lại trường có thể bị dương tính, nhưng phải xét đến lợi ích của trẻ đến trường mà cho các em đi học. Hiện nay, nhiều trường còn đang băn khoăn cho học sinh tiểu học, mầm non học một buổi hay học cả ngày.

“Nếu học một buổi nguy cơ tiếp xúc ít hơn, nhưng nhà trường phòng bệnh tốt, nguy cơ lây nhiễm không ít hơn ở nhà. Vậy nên cho trẻ đi học cả ngày, thuận lợi cho cha mẹ đi làm và đưa đón con. Thay vì cấm đoán, chúng ta nên kiểm soát rủi ro”, ông Phu chia sẻ.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi