Thứ Tư, 24/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chủ động phương án dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh

Đó là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học diễn ra vào ngày 12/8. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến, điểm cầu tại Bộ GD&ĐT với 63 điểm cầu tại 63 Sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện.

Học sinh lớp 1 nổi trội hơn khi học chương trình mới

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục tiểu học cũng tích cực đổi mới, đa dạng hoá hình thức dạy học như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09 quy định về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, nhằm tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Kết quả triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT mới đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021 bước đầu cho thấy, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Các địa phương cần chuẩn bị các điều kiện chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm của các địa phương cho thấy, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Xây dựng kho học liệu điện tử sẵn sàng dạy học trực tuyến

Dù đạt nhiều kết quả tích cực trong năm học 2020-2021 song các ý kiến tại hội nghị cũng thừa nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Đó là việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến tổ chức thực hiện. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai chương trình mới. Hội nghị cũng trao đổi và thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học.

Theo đó, cấp học này sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình phổ thông cũ từ lớp 3 đến lớp 5. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Rà soát, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học. Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với cấp tiểu học. Trong đó, chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm học mới diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường. “Trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là bậc tiểu học. Bởi vậy, trong thách thức chung của ngành, phải nhìn thấy thách thức riêng của bậc tiểu học, như các hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến… Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh và lưu ý: Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học; từ đó, các địa phương triển khai sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tận dụng “thời gian vàng” dạy trực tiếp. Cùng với đó, địa phương đề xuất điều chỉnh về cơ chế chính sách cho phù hợp và chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện cho sự chuyển hướng sang dạy học trực tuyến.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi