Thứ Bảy, 12/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cơ hội nào cho học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập?

Nếu trừ đi số lượng học sinh trúng tuyển vào các trường THPT chuyên, sẽ có gần 30.000 học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Vậy số học sinh này sẽ học ở đâu? Đây đã và đang là vấn đề được xã hội và phụ huynh học sinh hết sức quan tâm trước và sau mỗi kỳ thi.

Học sinh trượt lớp 10 THPT công lập có thể học ở đâu?

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (Hà Nội), trên địa bàn thành phố hiện có 228 trường THPT, trong đó có 126 trường THPT công lập và 102 trường ngoài công lập. 

Về nguyên tắc, hơn 100 trường THPT ngoài công lập sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 22% thí sinh; khoảng 8% vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên và số còn lại sẽ học nghề. 

Như vậy, các cơ sở đào tạo trên địa bàn có thể đáp ứng 100% nhu cầu của học sinh đã hoàn thành bậc THCS, bao gồm toàn bộ học sinh không đỗ vào lớp 10 các trường THPT công lập.

Hệ thống các trường THPT ngoài công lập tuyển sinh rất đa dạng. Một số ít trường tuyển sinh theo kết quả thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội như trường Lương Thế Vinh, Marie Curie, Đoàn Thị Điểm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Cầu… 

Những trường còn lại tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ hoặc kết hợp cả xét học bạ và điểm thi lớp 10 của kỳ thi chung. Hệ thống trường ngoài công lập cũng được chia thành nhiều cấp độ với mức học phí phù hợp với thu nhập của gia đình. 

Bên cạnh nhóm chất lượng cao với mức học phí từ 7 triệu đến 10 triệu như Marie Curie, FPT, Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm thì nhóm trường top giữa với mức học phí vừa phải cũng tuyển sinh hàng năm với chỉ tiêu rất lớn. 

THPT Đinh Tiên Hoàng ở quận Ba Đình tuyển sinh 450 em, THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy tuyển sinh 675 chỉ tiêu, Đào Duy Từ - Thanh Xuân tuyển sinh 405 chỉ tiêu, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Văn Hiến - Hai Bà Trưng mỗi trường cũng xét tuyển khoảng 450 học sinh mỗi năm…

Với những thí sinh không có nguyện vọng theo học tiếp lên đến trình độ đại học, học nghề theo mô hình 9+ đang là một ngã rẽ hợp xu hướng. Hiện nay, tại hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng đều đã triển khai hệ đào tạo này. 

Ngoài ra, hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cũng đáp ứng nhu cầu của 8% học sinh tốt nghiệp lớp 9 không đủ điều kiện vào học tại các trường THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn. 

Điều này cho thấy, việc trượt lớp 10 THPT công lập không có nghĩa là dấu chấm hết, vẫn còn rất nhiều những cánh cửa khác đang mở ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. 

Vấn đề đặt ra là các gia đình cần hiểu đúng năng lực của con em mình, cân nhắc khả năng tài chính của mình để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em.

Cần làm tốt chính sách phân luồng để giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh hoạ.

Bất cập trong phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9    

Một câu hỏi được nhiều người, đặc biệt là các phụ huynh có con thi vào lớp 10 đặt ra là tại sao các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh lại khống chế tỷ lệ chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, sao thành phố không xây thêm trường lớp để tất cả học sinh đều được vào công lập? 

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc "siết" chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hiện nay, đặc biệt là các thành phố lớn chịu tác động từ nhiều chính sách liên quan đến phân luồng học trung học phổ thông, đặc biệt là bậc THCS. 

Đáng chú ý là Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xoá mù chữ cho người lớn đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề. 

Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo khác.

Mặc dù chủ trương phân luồng học sinh, đặc biệt là đưa học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, sớm tham gia vào thị trường lao động là xu hướng phù hợp song thực tế cho thấy, trong khi cuộc đua vào lớp 10 công lập luôn căng thẳng, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tương đối vắng vẻ. 

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em đi theo con đường đã được lập trình sẵn như vào trường THPT công lập, rồi vào đại học. Đây chính là một trong những rào cản khiến cho việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS gặp khó khăn. 

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên chủ nhiệm khối 9 tại Hà Nội, có những thí sinh sau khi phân tích năng lực thực tế, nhà trường định hướng đưa các em vào diện phân luồng học nghề do học lực yếu nhưng cả học sinh và gia đình đều bày tỏ nguyện vọng xin được làm hồ sơ thi vào THPT bằng mọi giá. 

Trong khi đó, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều có những trường nghề uy tín, vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. Thậm chí, có trường còn đảm bảo việc làm cho các em, hoặc học sinh có thể học lên cao đẳng, đại học, rút ngắn thời gian hơn so với việc học THPT rồi vào đại học, cao đẳng.

Giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là một đòi hỏi chính đáng. Song áp lực trong nhiều tình huống cụ thể lại đến từ chính các bậc phụ huynh. Nên chăng thay vì phải cố gắng để vào công lập, các bậc phụ huynh hãy định hướng cho con em mình hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích và nguyện vọng học sinh đó. 

Không đặt kỳ vọng quá sức so với khả năng thực tế của con em mình và phải mạnh dạn thay đổi với suy nghĩ, vào THPT công lập không phải là con đường duy nhất. 

Tất nhiên, cũng phải đặt vấn đề ngược lại là để các em học sinh và gia đình vui vẻ, yên tâm với lựa chọn này cũng là một thách thức đặt ra với không chỉ ngành giáo dục mà là cả hệ thống xã hội. Bởi để thay đổi nhận thức về việc học nghề, lập nghiệp trong bối cảnh xã hội vẫn coi trọng làm thầy hơn làm thợ là không đơn giản. 

Đó là chưa kể đến việc chất lượng đào tạo của hệ thống trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp hiện chưa đồng đều khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng gửi gắm con em mình vào các cơ sở này.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi