Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đau đầu việc tuyển sinh chui, bán bằng cấp

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, một trong những điều kiện để được phép đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong đó có ngành Dược) là cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ đại học chính quy đã tốt nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2018, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tuyển sinh “chui” hơn 3.000 sinh viên hệ đại học liên thông hình thức chính quy, ngành dược. Cho tới năm nay, Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội mới có khóa sinh viên đầu tiên hệ đại học chính quy ngành dược học ra trường, việc trường tuyển sinh viên hệ đại học liên thông từ năm 2018 là làm sai quy định.

Ngoài ra, theo quy định, sinh viên cao đẳng ngành dược muốn học lên đại học liên thông hệ chính quy trước khi thi tuyển phải có chứng chỉ hành nghề. Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không hề nhắc thí sinh về chuyện này mà tuyển cả người có chứng chỉ lẫn không có chứng chỉ. Việc tuyển tới hơn 3.000 sinh viên cũng là sai, vì chỉ tiêu sinh viên hệ đại học liên thông Bộ GD-ĐT cấp cho trường này chỉ có 100 người.

Cũng theo quy định của Thủ tướng, đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong đó có ngành Dược), không tổ chức đào tạo liên thông theo hình thức vừa học vừa làm, do đó, không được triển khai liên kết đào tạo tại các địa phương. Việc nhà trường tổ chức thí điểm đào tạo liên thông ngành Dược từ năm 2017 và tổ chức đào tạo tại một số địa phương là không đúng quy định hiện hành.

Chưa hết, theo thông báo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, trong quá trình tuyển sinh, đào tạo những năm 2017, 2018 và 2019, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, năm 2017, trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ vượt chỉ tiêu được thông báo. Trong đó, khối ngành Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật vượt 79% chỉ tiêu; khối ngành Toán và Thống kê, Máy tính và Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và Chế biến, Kiến trúc và Xây dựng, Nông lâm và Thủy sản, Thú y vượt 35% chỉ tiêu.

Năm 2018, nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt so với chỉ tiêu tự xác định ở các ngành Tài chính - Ngân hàng (vượt 36%), Quản lý Kinh tế (vượt 96,6%), Quản lý công (vượt 98%).

Năm 2019, trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành, chuyên ngành vượt năng lực đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó, ngành Quản lý công vượt chỉ tiêu 236%.

Đối với tuyển sinh trình độ đại học chính quy, năm 2018, trường vượt 30,7% và năm 2019 vượt 46,3% so với chỉ tiêu trường tự xác định.

Bên cạnh đó, năm 2017, trường không được thông báo chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành VII nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo 138 sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh thuộc khối ngành này. Đến năm 2018, trường tiếp tục tuyển thêm 342 sinh viên dù không được thông báo chỉ tiêu. Đặc biệt, trong hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh năm 2017 của một số nghiên cứu sinh còn có dấu hiệu không phải là hồ sơ dự tuyển năm 2017.

Nhìn vào những sai phạm này thì có thể thấy đã có cả một chủ trương "tát vét" sinh viên với mục đích kiếm tiền chứ không vì mục tiêu đào tạo nhân lực.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sai phạm tại trường đại học ngoài công lập.

Cách đây không lâu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô; đồng thời khởi tố một loạt cán bộ của trường này. Kết quả điều tra ban đầu xác định: đường dây cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh "chui" tại Trường đại học Đông Đô đã "vươn vòi" đến nhiều tỉnh, thành để liên kết các cơ sở đào tạo và cấp bằng "chui". Các khóa học đều không tổ chức thi đầu vào đầu ra, không phải đi học, hiệu trưởng nhà trường cùng thuộc cấp đã "phù phép" để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh nhằm thu lợi bất chính. Phía người học chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là được cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh…

Trường đại học, đáng ra phải là nơi có môi trường học thuật nghiêm túc nhất thì đáng buồn thay lại trở thành nơi bán bằng cấp công khai. Bởi với cách đào tạo tràn lan như thế chắc chắn không đảm bảo chất lượng. Những người làm sai sẽ bị xử lý nhưng hậu quả của những vụ việc này là rất lớn khi có hàng nghìn sinh viên đã mất tiền, mất thời gian theo học để bây giờ lỡ dở. Rõ ràng từ những vụ việc xảy ra như vừa qua, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc hơn trong công tác quản lý các trường đại học ngoài công lập.

Trích  nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi