Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đào tạo chuyên ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Nhà trường

Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự là đơn vị có nhiệm vụ đào tạo học viên có trình độ Trung cấp ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho Công an các đơn vị, địa phương. Đặc thù các môn học ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là có sự kết hợp đan xen chặt chẽ giữa lý thuyết và các hoạt động khác (thực hành, thảo luận, bài tập, báo cáo thực tế, tham quan…). Do vậy, để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, đòi hỏi giáo viên không chỉ có kỹ năng giảng dạy lý thuyết tốt mà kỹ năng thực hiện các hoạt động khác phải thuần thục, đặc biệt là kỹ năng thực hành.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng trong Nhà trường, đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự trong những năm qua đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường nói chung, ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nói riêng. Hiện nay, giáo viên của Khoa mặt bằng trình độ chuyên môn khá cao, nhiều đồng chí tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thi hành án hình sự; toàn bộ giáo viên của Khoa đều đã đạt các chức danh giáo viên cao cấp, giáo viên chính và giáo viên. Đội ngũ giáo viên có thâm niên, nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết trong giảng dạy.

Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự tổ chức hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo học viên Ngành Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn giáo viên chuyên ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp luôn được lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo đơn vị quan tâm. Hằng năm, đơn vị thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Cục Đào tạo, nhà trường tổ chức nhằm nâng cao trình độ; cử giáo viên đi thực tế tại Công an các đơn vị địa phương nhằm kịp thời cập nhật kiến thức thực tiễn, bổ sung vào hồ sơ bài giảng. Đối với hoạt động dạy giỏi, nghiên cứu khoa học của nhà trường giáo, viên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự luôn xác định hoạt động dạy giỏi là công tác có tầm quan trọng đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, rèn luyện kỹ năng giảng dạy và bản lĩnh nghề nghiệp. Trong năm học 2021-2022, Khoa có 03 đồng chí giáo viên tham dự Hội thi giáo viên giỏi các cấp đều đạt giải và được Hội đồng khoa học đánh giá rất cao về khả năng thực giảng. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên cũng được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm.

Ngoài công tác chuyên môn, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo đơn vị cũng luôn quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền giáo dục giáo viên có tinh thần trách nhiệm, đạo đức lối sống của nhà giáo, yêu ngành, mến nghề, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị, học liệu, công nghệ để phục vụ các hoạt động dạy và học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự còn một số tồn tại, khó khăn cụ thể như: 

- Hiện nay, giáo viên của đơn vị không có đồng chí nào dưới 30 tuổi, trong những năm gần đây không tuyển dụng thêm giáo viên nên đội ngũ giáo viên kế cận trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Một số giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chuyển công tác về Công an các đơn vị địa phương do công tác tổ chức sắp xếp lại các trường Công an nhân dân nên công tác cán bộ còn nhiều xáo trộn. 

Để xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy  chuyên ngành trong nhà trường, Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự nỗ lực tập trung thực hiện một số nội dung:

Một là, Cấp ủy, lãnh đạo Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự tiếp tục quan tâm xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo quan điểm, chủ trương, phương châm, giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên của Đảng, Nhà nước, ngành Công an, nhất là quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đảng ủy Nhà trường về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới. Phát huy vai trò, trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, tích cực tham mưu, đóng góp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giáo viên; chủ động tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn phương pháp, nâng cao trình độ năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Hai là, đơn vị tiếp tục duy trì và thực hiện chặt chẽ quy trình tuyển chọn, đào tạo, bổ sung, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng đội ngũ giáo viên.

Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong Nhà trường nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất nhân sự, tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên Nhà trường nói chung, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp nói riêng. Quá trình thực hiện quy hoạch đội ngũ giáo viên cần gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ, chú trọng tạo nguồn từ đội ngũ giáo viên của Nhà trường, lựa chọn những giáo viên có đủ năng lực, trình độ cử đi học tập nâng cao trình độ. Trong thời gian tới, cần bổ sung nguồn nhân lực trẻ, tốt nghiệp đại học ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nhằm tiếp tục đào tạo đội ngũ giáo viên kế cận.

Ba là, thường xuyên trau dồi, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm cho đội ngũ giáo viên.

Trong quá trình bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cần chú ý bồi dưỡng năng lực giảng dạy chuyên sâu, phương pháp sư phạm, khả năng tư duy độc lập, chú trọng kỹ năng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn công tác. Đổi mới nội dung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, tập trung vào các vấn đề thiết thực như: Kỹ năng giảng dạy thực hành, kỹ năng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và thực hiện bài giảng thực hành; kỹ năng nắm thông tin ngược trong quá trình giảng dạy…. Tăng cường bố trí giáo viên đi thực tế, luân chuyển đến Công an các đơn vị, địa phương để cập nhật, áp dụng lý luận vào thực tiễn, tích luỹ kinh nghiệm công tác. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về khả năng kết hợp trang thiết bị hỗ trợ dạy học vào quá trình giảng dạy. Xây dựng kế hoạch và tổ chức nghiêm túc, có chất lượng các hội thi giáo viên dạy giỏi; các hoạt động dự giờ đột xuất, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế của giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Bốn là, chăm lo, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ giáo viên.

Tập trung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, chính quy, mẫu mực ở Nhà trường. Cấp ủy, lãnh đạo Khoa và các đơn vị chức năng thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi chính đáng, bình đẳng cho giáo viên, vận dụng thực hiện tối đa chế độ đối với giáo viên giảng dạy. Trong điều kiện học viên ít, số lượng giờ giảng không đảm bảo đủ cho giáo viên xét các danh hiệu, chức danh giáo viên, Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự kính đề nghị Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện tiếp tục duy trì, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ liên quan đến ngành Thi hành hình sự và Hỗ trợ tư pháp để giáo viên Khoa tham gia giảng dạy.

Năm là, trong điều kiện học viên ít, số lượng giờ giảng không đảm bảo đủ cho giáo viên xét các danh hiệu, chức danh giáo viên, Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự kính đề nghị Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện tiếp tục duy trì, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ liên quan đến ngành Thi hành hình sự và hỗ trợ tư pháp tại Công an các đơn vị địa phương để giáo viên Khoa tham gia giảng dạy.

Bài: Lê Duy Cường, Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự

Biên tập: Loan Trần

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi