Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục đào tạo tại trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Trong năm học,  nhà trường đã tổ chức biên soạn tổng số 61 giáo trình, tài liệu dạy học (trong đó có 25 giáo trình, 36 tài liệu dạy học) phục vụ đào tạo trình độ trung cấp. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt công tác, tuy nhiên với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu; sự phối hợp thường xuyên, kịp thời của các đơn vị; đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, lãnh đạo các khoa và đội ngũ cán bộ, giáo viên, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đã đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, dạy và học, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Từ kết quả trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn xác định vị trí, vai trò quan trọng của công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đối với công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường. Do đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác này. Trong Nghị quyết của Đảng ủy và Chương trình công tác năm học luôn xác định công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để từ đó tập trung tối đa nguồn lực nhằm bảo đảm chất lượng hiệu quả mặt công tác này.

Hội đồng khoa học nghiệm thu giáo trình  do khoa Cảnh sát thi hành án hình sự biên soạn

Hai là, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học luôn được triển khai thực hiện đúng theo quy định Thông tư số 02/2019/TT-BCA ngày 7/01/2019 của Bộ Công an về xây dựng Chương trình giáo dục, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học trong Công an nhân dân. Ngoài ra, để cụ thể hóa các văn bản của Bộ Công an, Cục Đào tạo, nhà trường đã ban hành Hướng dẫn số 1387/HD-T09-P3 ngày 24/6/2021 hướng dẫn việc biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của trường Cao đẳng CSND I để thống nhất công tác biên soạn trong toàn trường.

Ba là, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học luôn được thực hiện một cách chủ động. Cụ thể: 

Phòng Quản lý đào tạo là cơ quan thường trực tham mưu cho Ban Giám hiệu về công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, ngay từ đầu năm học đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các Khoa xác định danh mục, tiến độ biên soạn các giáo trình, tài liệu dạy học của nhà trường.

Các Khoa căn cứ vào Chương trình đào tạo, yêu cầu công tác giảng dạy, lịch học tập các môn học trong năm học để xác định những giáo trình, tài liệu cần biên soạn nhằm đáp ứng kịp thời công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường. Đồng thời, lựa chọn, phân công giáo viên có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn vững, phù hợp với nội dung giáo trình, tài liệu dạy học để tham gia Ban biên soạn. Nội dung giáo trình, tài liệu được biên soạn phù hợp với Chương trình đào tạo, Chương trình môn học và mục tiêu đào tạo của từng đối tượng đào tạo.

Hội đồng khoa học nghiệm thu tài liệu tham khảo do khoa Luật biên soạn

Bốn là, việc tổ chức hội thảo đề cương, hội thảo bản thảo, nghiệm thu giáo trình, tài liệu dạy học được thực hiện một cách nghiêm túc. Thành phần Hội đồng thẩm định được lựa chọn đúng theo quy định của Bộ Công an. Các ủy viên là những người có kinh nghiệm, nắm vững kiến thức về lý luận và thực tiễn liên quan đến tài liệu thẩm định. Quá trình thẩm định, Hội đồng luôn làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan. 

Năm là, việc thanh toán chế độ thù lao cho ban biên soạn, hội đồng nghiệm thu được thực hiện nghiêm túc kịp thời theo quy định của Bộ Công an và nhà trường.

Những kết quả đạt được trong công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học trong những năm qua, một lần nữa khẳng định là một công tác có ý nghĩa chiến lược đã phục vụ kịp thời cho hoạt động dạy học, góp phần đưa chất lượng đào tạo của nhà trường không ngừng được nâng lên. Đồng thời, hoạt động biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đã đóng góp một cách trực tiếp và có hiệu quả vào những thành công của công tác nghiên cứu, phát triển lý luận nghiệp vụ Công an. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học trong những năm qua vẫn còn có một số hạn chế, cụ thể như sau:

- Một số giáo viên tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu dạy học để tích lũy thành tích khoa học, phục vụ xét chức danh giảng dạy, dẫn tới một số giáo trình, tài liệu dạy học chưa thực sự được đầu tư nghiên cứu, tìm tòi ý tưởng khoa học một cách sâu sắc, nên chất lượng một số tài liệu còn hạn chế.

- Hoạt động hội thảo giáo trình, tài liệu dạy học cấp khoa trước khi hội thảo, nghiệm thu cấp trường được quy định rất cụ thể trong các văn bản, hướng dẫn. Tuy nhiên, một số Khoa thực hiện hoạt động này đôi khi còn hình thức, chưa phát huy được vai trò của các giáo viên trong Khoa và các chuyên gia, khách mời khác trong việc góp ý tài liệu.

- Việc xác định, đăng ký thời gian hội thảo, thẩm định tài liệu đã được xác định từ đầu năm học nhưng tiến độ thực hiện đôi khi vẫn bị chậm, dồn vào cuối năm học (tập trung vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6), gây khó khăn trong việc sắp lịch, hội đồng thẩm định.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên như: Chương trình đào tạo trong Công an nhân dân trong những năm gần đây thay đổi nhiều; một số Khoa còn hình thức, coi nhẹ trong việc hội thảo cấp khoa; một số cán bộ giáo viên chưa đầu tư đúng mức cho tài liệu được phân công biên soạn; tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp; kinh phí cấp công tác biên soạn giáo trình, tài liệu nói riêng của ngành Công an còn hạn chế nên chưa động viên, khuyến khích được tối đa trí tuệ của cán bộ, giáo viên…

Để nâng cao hiệu quả công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau: 

Thứ nhất, cấp ủy, lãnh đạo các Khoa cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, xác định rõ giáo trình, tài liệu dạy học là công cụ, phương tiện của quá trình dạy học, thể hiện chất lượng, uy tín của nhà trường, của Khoa cũng như cá nhân giáo viên; quan tâm đào tạo, hướng dẫn các giáo viên trẻ lựa chọn nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu viết giáo trình, tài liệu dạy học.

Hội đồng khoa học nghiệm thu giáo trình do khoa Quân sự, võ thuật, thể dục thể thao biên soạn

Thứ hai, cấp ủy, lãnh đạo các Khoa cần nghiên cứu kỹ từ khâu đăng ký biên soạn, phân công Ban biên soạn phù hợp với năng lực, sở trường, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy, tránh việc phân công cán bộ, giáo viên ít kinh nghiệm, kiến thức nhưng lại biên soạn những tài liệu khó. Mặt khác, cấp ủy, lãnh đạo các Khoa cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Ban biên soạn để bảo đảm tiến độ biên soạn. Đặc biệt, cấp ủy, lãnh đạo cần quan tâm, coi trọng hơn nữa chất lượng hoạt động hội thảo cấp Khoa trước khi hội thảo, thẩm định giáo trình, tài liệu cấp Trường.

Thứ ba, cần tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, cán bộ làm công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học về các nội dung: Kỹ năng biên soạn, các tiêu chí cần phải đạt được của một giáo trình, tài liệu; quy chuẩn về hình thức và cách trình bày của một giáo trình; tiêu chuẩn, trách nhiệm của chủ biên và những người tham gia biên soạn; quy trình tổ chức biên soạn.

Thứ tư, nhà trường cần tiếp tục phối hợp với các cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương trong biên soạn, tổ chức hội thảo, thẩm định giáo trình, tài liệu dạy học, nhất là mời cán bộ có kinh nghiệm tham gia viết giáo trình, tài liệu dạy học. Qua đó, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn đấu tranh, kịp thời cập nhật những kiến thức mới, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn phòng, chống tội phạm./.

Bài: phòng Quản lý đào tạo

Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi