Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề tư tưởng của học viên

Thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy - Ban Giám hiệu Nhà trường, công tác quản lý giáo dục học viên đã nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét; các hoạt động của học viên từng bước đi vào nền nếp, chính quy, tinh nhuệ theo điều lệnh CAND; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập, rèn luyện của học viên được quan tâm, cải thiện; học viên đã nâng cao nhận thức, thái độ, động cơ, mục đích học tập, rèn luyện đúng đắn; tỷ lệ học viên khá, giỏi có chiều hướng tăng, tỷ lệ học viên vi phạm kỷ luật chiếm tỷ lệ thấp. Đây chính là minh chứng rõ nét, khẳng định công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề tư tưởng của học viên đang đi đúng hướng, mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác quản lý giáo dục học viên.

Đồng chí Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng chủ trì Hội nghị đối thoại với học viên và lãnh đạo các đơn vị chức năng trong nhà trường.

Công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề tư tưởng của học viên được Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo phòng Quản lý học viên xác định là nhiệm vụ, công tác trọng tâm có ý nghĩa quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng toàn bộ các hoạt động của học viên. Thực hiện nhiệm vụ này, phòng Quản lý học viên luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi học viên về mục tiêu, yêu cầu, nội dung rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong đó, thường xuyên quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên, học viên tích cực học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành; tập trung giáo dục lịch sử, truyền thống của lực lượng Công an và nhà trường; giáo dục chính trị, đạo đức lối sống cho học viên trước những diễn biến mới có liên quan đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt khác, duy trì tổ chức giao ban, đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo nhà trường và các đơn vị chức năng với học viên, tổ chức sinh hoạt chính trị, các hoạt động văn - thể - mỹ kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng của học viên, giáo dục động viên học viên khắc phục các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập và rèn luyện…

Đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại.

Thực tế đã chỉ ra rằng vi phạm của học viên, ngoài các hành vi mang tính chất bột phát, do các điều kiện, yếu tố khách quan tác động còn có những hành vi vi phạm được tích tụ và hình thành qua một thời gian dài; có mức độ phát triển từ thấp đến cao. Nguyên nhân dẫn tới vi phạm của học viên cũng hết sức đa dạng, do khách quan, chủ quan, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trong đó, cùng với sự tác động tiêu cực từ môi trường, sự chi phối bởi các điều kiện, hoàn cảnh gia đình, sự tác động của các yếu tố khác trong quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường thì việc thiếu bản lĩnh, lập trường để các đối tượng xấu lôi kéo hoặc nhận thức chưa tốt, chưa thấu đáo, có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, thích ăn chơi, hưởng thụ quá mức của học viên là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm. Có thể nói, đó là những nguyên nhân phát sinh từ các vấn đề về tư tưởng dẫn tới các hiện tượng, biểu hiện tiêu cực và các vi phạm hiện hữu của học viên hiện nay. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra trong công tác quản lý giáo dục phải làm tốt công tác nắm tình hình và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề tư tưởng của học viên nhằm phòng ngừa vi phạm, có hướng giải quyết phù hợp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý giáo dục học viên của nhà trường.

Để làm tốt công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề tư tưởng của học viên trước hết cán bộ chủ nhiệm trung đội, cấp ủy - ban chỉ huy trung đội phải chủ động, tăng cường nắm bắt tâm lý, tư tưởng của học viên. Bởi các biểu hiện về tâm lý, quan điểm, tư tưởng của học viên thường biểu hiện qua nhiều hình thức, nhiều giai đoạn. Chẳng hạn, học viên có thể không bằng lòng với một quyết định nào đó của tổ chức, chỉ huy trung đội sẽ phản ứng, phát sinh tư tưởng, thái độ tiêu cực nếu không được giải tỏa, uốn nắn kịp thời dẫn đến sự xa cách, mất lòng tin, từ đó có thể hình thành sự mất lòng tin với tổ chức, với đơn vị. Cũng có khi học viên do không đủ thông tin, bị thông tin sai lệch dẫn dắt, thậm chí bị quan điểm sai trái lấn áp, không cảm thấy thuyết phục với một hoạt động nào đó của tập thể, từ đó cảm thấy không còn nhiệt tình với nhiệm vụ chung, nếu không được uốn nắn, giải thích kịp thời lâu dần có thể làm giảm lòng tin với tập thể trung đội, dẫn tới việc thực hiện nhiệm vụ một cách chiếu lệ, trung bình chủ nghĩa, không có nhiệt huyết trong quá trình học tập, rèn luyện…

Học viên phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Mặt khác, khi có biểu hiện dao động, bất mãn, mất lòng tin thì hầu như tất cả các học viên sẽ bộc lộ qua thái độ, phát ngôn, hành động, vào lúc nào đó, trong hoàn cảnh nào đó. Nếu cấp ủy, ban chỉ huy trung đội sâu sát, thực sự quan tâm đến đồng chí của mình thì có thể phát hiện ra được và kịp thời chấn chỉnh. Chẳng hạn, khi tiếp nhận một thông tin sai lệch, sai trái nào đó về chủ trương, về các hoạt động của Ngành, của Nhà trường có thể học viên không bộc lộ điều đó trong sinh hoạt, với các học viên khác nhưng sẽ thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động khi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn hay các công việc được phân công. Nếu được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, các “vấn đề” về tư tưởng có thể được khắc phục, giữ cho tập thể một học viên tốt.

Các vấn đề về tư tưởng của mỗi học viên thường liên quan đến các yếu tố diễn ra trong quá trình học tập, rèn luyện và cuộc sống hằng ngày, để nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề về tư tưởng của học viên cần làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm như:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống văn hoá cho học viên, xây dựng phong cách người cán bộ CAND “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục, chú trọng phương pháp nêu gương của chủ nhiệm trung đội, cán bộ, giáo viên. Làm tốt công tác phổ biến, quán triệt các nội quy, quy định của ngành, nhà trường; tập trung giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu ngành, yêu nghề; không quản ngại khó khăn vươn lên hoàn thành tốt các mục tiêu trong quá trình học tập và rèn luyện; nắm bắt và giải quyết các vấn đề tư tưởng phát sinh một cách kịp thời để không xảy ra các vi phạm của học viên có nguyên nhân từ vấn đề tư tưởng.

Thứ hai, Cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục trong công tác nắm tình hình và giải quyết các vấn đề liên quan đến tư tưởng của học viên. Việc nắm tình hình phải thông qua nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin khác nhau, được đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo độ chính xác cao, trong đó, phát huy hiệu quả vai trò của cấp uỷ, ban chỉ huy trung đội và tổ 3 người. Nội dung nắm tình hình cần có sự tập trung đi sâu qua từng giai đoạn, đối với từng cá nhân cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Công tác nắm tình hình tư tưởng phải gắn liền với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề về tư tưởng của học viên. Các vấn đề về tư tưởng của học viên phải được định hướng, giải quyết kịp thời từ sớm, từ phạm vi hẹp, không để lây lan và tạo tâm lý không tốt đối với học viên trong quá trình học tập, rèn luyện.

Thứ ba, chủ động đấu tranh, phản bác trước sự “lây lan” của các thông tin sai trái, xuyên tạc, các biểu hiện tiêu cực; tuyên truyền phổ biến các nội dung thông tin chính thống, tạo sự lan toả tâm lý, tư tưởng tích cực, tránh để học viên bị ảnh hưởng, tác động bởi các thông tin sai lệch. Trên thực tế, do nhận thức, trình độ, góc nhìn, bản lĩnh… mà không phải học viên nào cũng có thể có “bộ lọc” hữu hiệu khi tiếp nhận các thông tin sai trái đó. Vì vậy, ngoài việc phải chủ động lắng nghe, tìm hiểu để nắm bắt đúng thực chất của vấn đề, cấp uỷ, ban chỉ huy trung đội chủ động nắm bắt, dự báo và kịp thời giải quyết dứt điểm các biểu hiện không tích cực trong nội bộ, không nên để tích tụ hoặc lây lan.

Thứ tưtiếp tục đi sâu tìm hiểu và giải quyết các vấn đề nội bộ của trung đội; đó có thể là hiện tượng “bằng mặt mà không bằng lòng” mà nếu thiếu đào sâu tìm hiểu, cấp ủy - ban chỉ huy trung đội có thể bỏ qua các dấu hiệu bất ổn và không kịp thời điều chỉnh, xử lý. Tổ chức đánh giá, phân loại, bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng đối tượng và số lượng theo quy định; đặc biệt quan tâm đánh giá sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các học viên có hoàn cảnh khó khăn để có sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm kỷ luật của học viên.

Thứ năm, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của học viên. Các yếu tố về quyền lợi bao gồm lợi ích vật chất và liên quan đến vật chất (chế độ bồi dưỡng, chế độ chính sách…), lợi ích phi vật chất (sự tôn trọng, sự quan tâm, sự giúp đỡ, động viên…). Do đó, một mặt lãnh đạo đơn vị, Chủ nhiệm trung đội phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành, mặt khác phải đảm bảo thông tin hai chiều giữa lãnh đạo đơn vị, cán bộ Chủ nhiệm trung đội với học viên, phát huy dân chủ một cách thực chất. Với những dư luận, tâm trạng, phản ứng của học viên cần được lắng nghe một cách thấu đáo và giải quyết một cách cầu thị.

                   Bài: Phòng Quản lý học viên

         Biên tập: Lê Lập - Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi