Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Công an nhân dân tại địa bàn cơ sở

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu vi phạm pháp luật về giao thông, tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tình trạng TNGT vẫn xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều loại hình giao thông (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt), trong đó có nhiều vụ tai nạn thương tâm, làm nhiều người chết và bị thương.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hoà Bình) khiến 3 người đã tử vong, 1 người bị thương (Nguồn: Internet)

Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong 8 tháng đầu năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/8/2022) toàn quốc xảy ra 7.488 vụ TNGT, làm 4.276 người chết, 4.957 người bị thương. Tính riêng TNGT đường bộ, trong tháng 8/2022, cả nước xảy ra 941 vụ TNGT, làm chết 482 người, bị thương 699 người. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 437 vụ (tương đương 86,71%), tăng 229 người chết (tương đương 90,51%), tăng 350 người bị thương (tương đương 100,29%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông còn kém.

Từ số liệu trên cho thấy, TNGT đã và đang có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý nhà nước và xã hội, được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm và nỗ lực tìm những giải pháp nhằm phòng ngừa, kiềm chế TNGT, trong đó việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược nhằm thay đổi ý thức, thái độ tham gia giao thông của mỗi người. Trong hoạt động này, lực lượng Công an nhân dân (CAND) được xác định là lực lượng nòng cốt và được thực hiện ngay từ địa bàn cơ sở.

 Lãnh đạo, giáo viên Khoa Luật, Trường Cao đẳng CSND I thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh Trường Tiểu học Nhân Hoà, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng ngày 04/10/2022.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng CAND tại địa bàn cơ sở được hướng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng đến học sinh, sinh viên, đoàn viên, công nhân, người lao động tự do, lái xe… Nội dung tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống khi tham gia giao thông để hình thành văn hóa tham gia giao thông; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT); giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT tại các địa phương khác trong cả nước; tuyên truyền về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; đi đúng làn đường, phần đường quy định; lái xe chấp hành quy định về tốc độ; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phòng, chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do TNGT gây ra. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và TNGT.

 Giáo viên Khoa Luật, Trường Cao đẳng CSND I thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại Trường Tiểu học Nhân Hoà, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng ngày 04/10/2022.

Quá trình thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tại địa bàn cơ sở, lực lượng CAND đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Chính quyền địa phương và Ban Lãnh đạo Công an cấp huyện. Chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của quần chúng nhân dân, như: Thông qua tuyên truyền miệng trực tiếp tại các trường học, cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp; thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở; đài truyền hình; các báo in, báo điện tử; các trang mạng xã hội; duy trì chuyên mục ATGT trên sóng truyền hình CAND; tổ chức cấp phát đĩa CD, tờ rơi, tờ gấp nội dung tuyên truyền pháp luật ATGT; tổ chức các hội nghị tuyên truyền và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” như: Mô hình “Khu dân cư đảm bảo ATGT” và “Cổng trường an toàn giao thông”; xây dựng tiêu chí mô hình “văn hóa giao thông” gắn với nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” , “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tổ chức thực hiện các hoạt động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9; duy trì mô hình tổ, đội, câu lạc bộ tự quản ATGT, tuyến đường văn minh đô thị Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn, “Cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”,“Phụ nữ tham gia bảo đảm TTATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình”,“Hội cựu chiến binh tham gia giữ gìn TTATGT”..

Giáo viên Khoa Luật, Trường Cao đẳng CSND I thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật tại Trường Tiểu học Nhân Hoà, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng ngày 04/10/2022.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ của lực lượng CAND tại địa bàn cơ sở, thời gian tới, lực lượng CAND cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, lực lượng CAND tiếp tục phát huy vai trò chủ trì trong tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương triển khai các biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Hai là, tiếp tục quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ. Trong đó, cần quan tâm nghiên cứu triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực TTATGT, các mô hình phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Đồng thời, thường xuyên quan tâm biên soạn tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng khác nhau; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền tại các địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú như: Loa phát thanh, các pano áp phích, băng rôn; phát tờ rơi, tờ gấp; phát động cuộc thi ATGT, tuyên truyền về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách, xe ô tô tải có kinh doanh vận tải… nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của người tham gia giao thông.

Ba là, lực lượng CAND cần tiếp tục quan tâm xây dựng, ký kết và thực hiện quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, quần chúng, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ.

Bốn là, lực lượng CAND cần tiếp tục thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT để tổ chức tuyên truyền, răn đe,

Năm là, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, khả năng, kỹ năng về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT cho lực lượng CAND nói chung, cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành, các cấp ở cơ sở nói riêng.

Sáu là, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ của lực lượng CAND.

Bảy là, định kỳ lực lượng CAND cần tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, qua đó rút ra những kết quả đạt được, những mô hình, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng; phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời. Đồng thời, phát hiện những vấn đề còn hạn chế, bất cập để đề ra biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ trong thời gian tiếp theo./.

Bài: Khoa Luật

Biên tập: Bích Vân - Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi