Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả đào tạo học viên chuyên ngành kỹ thuật hình sự (KTHS) tại trường Cao đẳng CSND I đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới

Phát huy những thế mạnh của đơn vị trong công tác đào tạo.

Hiện nay đội ngũ giáo viên Khoa KTHS được đào tạo bài bản, có trình độ cao, có kiến thức thực tiễn phong phú và biết vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy. Cán bộ trong đơn vị đa phần có tuổi đời còn trẻ, ham học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm. Giáo viên thường xuyên tham gia công tác thực tế và luân chuyển có thời hạn đến công an các đơn vị địa phương. Hàng năm, tất cả giáo viên trong đơn vị đều có ít nhất 02 tháng đi thực tế tại Công an các địa phương để trực tiếp nghiên cứu, thực hiện một số nội dung công tác kỹ thuật hình sự nhằm đảm bảo việc giảng dạy luôn gắn với thực tiễn. Chính việc luân chuyển có thời hạn đến các đơn vị địa phương và thường xuyên đi nghiên cứu thực tế tại Công an địa phương cũng như việc luôn chủ động nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới về lĩnh vực kỹ thuật hình sự đã giúp giáo viên có kiến thức lý luận, thực tiễn phong phú kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy từ đó nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy các lớp chuyên ngành Kỹ thuật hình sự.

Giáo viên trong đơn vị luôn chú trọng đến việc đào tạo tay nghề cho học viên thông qua khâu thực hành. Với đặc điểm của KTHS là một lĩnh vực chuyên ứng dụng các thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ để nghiên cứu dấu vết, xác lập chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với nội dung như vậy, học viên chuyên ngành KTHS sau khi ra trường phải biết vận dụng kiến thức, sử dụng các phương tiện kỹ thuật để tiến hành các hoạt động KTHS như: Quay phim, chụp ảnh hình sự; khám nghiệm hiện trường; nghiên cứu, giám định các dấu vết, tài liệu; tiến hành các biện pháp kỹ thuật phòng chống tội phạm; mô tả đặc điểm dạng người… Do đó, để học viên thực hiện được các nội dung trên thì giáo viên luôn là người thực hiện đúng các thao tác, thành thạo các phương tiện sau đó hướng dẫn học viên thực hiện lại nhiều lần để hình thành các kỹ năng cần thiết cho học viên đối với các nội dung thực hành.

Lãnh đạo đơn vị mạnh dạn tham mưu, đề xuất đưa những nội dung mới vào giảng dạy cho học viên chuyên ngành KTHS. Trong công tác của mình, lực lượng KTHS luôn phải sử dụng những tri thức khoa học, những phương tiện hiện đại vào việc khám nghiệm hiện trường, nghiên cứu, giám định dấu vết hình sự… Cùng với quan điểm lý luận phải bám sát thực tiễn, phải phục vụ thực tiễn công tác. Do đó, ngay từ trong nhà trường học viên cần phải được trang bị những kiến thức mới, những kiến thức phục vụ thực tiễn. Chính vì vậy, chương trình đào tạo mới Khoa KTHS đã đề xuất đưa vào các nội dung như: khám nghiệm hiện trường cháy nổ; kỹ thuật phòng chống tội phạm.

 

Giáo viên Khoa KTHS tổ chức hướng dẫn học viên thực hành

Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả giảng dạy, đào tạo học viên chuyên ngành KTHS đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, cần làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao các mặt công tác của đơn vị. Khoa KTHS cần rà soát lại đội ngũ giáo viên, có kế hoạch nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và kiến thức thực tiễn. Cần nghiên cứu, đánh giá sự tương thích giữa quy mô, đặc thù đào tạo và hiện trạng giáo viên, đảm bảo tính kế thừa, chuyển giao giữa các thế hệ, tránh “khoảng trống” giữa các thế hệ quá lớn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án bổ sung cán bộ được đào tạo chính quy về các lĩnh vực khoa học tự nhiên theo hướng tuyển dụng mới, hoặc cử cán bộ đi đào tạo bằng hình thức học văn bằng hai đại học, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn.

Hai là, Khoa KTHS cần khai thác tối đa tính năng, tác dụng của những phương tiện kỹ thuật hiện có, chú trọng hoạt động bồi dưỡng, bảo trì đảm bảo các phương tiện kỹ thuật luôn hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu. Muốn vậy, phải thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Các thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần có đầy đủ hồ sơ, sổ sách thống kê, kiểm tra tài khoản định kỳ hàng quý, hàng năm; cần giao trách nhiệm quản lý, sử dụng và bảo quản tài sản cho từng bộ phận; hàng tháng kiểm tra, báo cáo, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Đồng thời rà soát, nghiên cứu xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn, dài hạn. Xác định những phương tiện kỹ thuật cần phải đầu tư trong ngắn hạn (1-2 năm); kế hoạch trung hạn (3-5 năm); kế hoạch dài hạn (từ 5 năm trở lên) với lộ trình đầu tư hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu đào tạo, vừa phù hợp với khả năng bố trí nguồn kinh phí. Các cấp độ của kế hoạch đầu tư càn được xây dựng từ cơ sở các đơn vị trực tiếp sử dụng; từ đó tập hợp xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh báo cáo, tham mưu lãnh đạo Công an các đơn vị địa phương và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.

Ba là, cần rà soát bổ sung chỉnh sửa chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với yêu cầu công tác thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và khả năng tư duy, làm việc độc lập. Cần có cơ chế để các Khoa nghiệp vụ linh động trong điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo và trao quyền chủ động nhiều hơn cho giáo viên trong quá trình lên lớp.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Khoa KTHS. Khoa KTHS cần chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cử giáo viên trong đơn vị thường xuyên đi nghiên cứu thực tế, luân chuyển thực tế để cập nhật tri thức KTHS mới, rèn luyện tay nghề. Cụ thể: Mỗi giáo viên sẽ đi nghiên cứu thực tế hàng năm, mỗi năm 01 lần, mỗi lần ít nhất 02 tháng. Quá trình thực tế phải thường xuyên có mặt tại đơn vị đang thực tế, tham gia các công tác nghiệp vụ tại đơn vị. Chủ động liên hệ với các đơn vị như Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, các Phòng KTHS để xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế, luân chuyển thực tế của giáo viên, thực tế của học viên, báo cáo thực tế của báo cáo viên, lập hồ sơ giáo viên thỉnh giảng. Mỗi giáo viên trong đơn vị cần chủ động học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia nghiên cứu thực tế, luân chuyển thực tế để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy.

Bài: Khoa KTHS

Biên tập: Minh Quyết

                                                                                                                                               

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi