Thứ Năm, 12/9/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng, củng cố, phát triển uy tín sư phạm người giáo viên trong tình hình mới

Trong quá trình giao tiếp, giảng dạy, và nghiên cứu, uy tín sư phạm phát triển thông qua mối quan hệ giữa giáo viên, giáo viên, học viên, và các tổ chức liên quan. Uy tín sư phạm của giáo viên CAND, đặc biệt là ở Trường Cao đẳng CSND I, đồng nghĩa với phẩm chất nhân cách chân chính và thực tế. Với học viên, giáo viên có uy tín trở thành nguồn cảm hứng, họ mong muốn xây dựng cuộc sống theo hình mẫu lý tưởng của giáo viên. Uy tín sư phạm giúp giáo viên tổ chức giảng dạy, giáo dục hiệu quả, và có ảnh hưởng lớn đến học viên, thúc đẩy họ tập trung vào nghiên cứu và rèn luyện.

Để nâng cao uy tín sư phạm, giáo viên cần tu dưỡng, rèn luyện, và đáp ứng nhiệm vụ đặt ra. Uy tín không chỉ đến từ lao động kiên trì mà còn là kết quả của sự vươn lên và kiến tạo mối quan hệ tích cực với học viên. Trong thực tế giáo dục, giáo viên có uy tín cao thường áp dụng phương pháp dạy tích cực, thuyết phục học viên, và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển hoá kiến thức và ý chí của học viên. Ngược lại, giáo viên không có uy tín sẽ gặp khó khăn trong giảng dạy và ảnh hưởng đến sự hứng thú và hiệu quả học tập của học viên. Người giáo viên muốn nâng cao uy tín sư phạm của mình trước hết, phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của người giáo viên trong Nhà trường, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để có được những phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết ngang tầm với nhiệm vụ và cương vị, mới có khả năng hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an và Nhà trường giao.

Khác xa với nó là uy tín giả, uy tín quyền uy, uy tín sư phạm của người giáo viên được toát lên từ toàn bộ cuộc sống của người giáo viên, nó là kết quả của một quá trình rèn luyện tu dưỡng công phu; là hiệu quả lao động đầy kiên trì và giàu sáng tạo, là quá trình liên tục học hỏi. Nó cũng là kết quả của sự khẳng định, vươn lên của mỗi cá nhân giáo viên và do sự kiến tạo quan hệ tốt đẹp giữa người giáo viên với học viên.

Đoàn Cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng CSND I tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Bộ, năm học 2022-2023.

Việc xây dựng, phát triển uy tín sư phạm giáo viên phụ thuộc có tính quy luật vào các điều kiện tâm lý chủ quan, khách quan nhất định và sự tác động biện chứng giữa chúng, trong đó các điều kiện tâm lý chủ quan giữ vai trò quyết định... Vì vậy, người giáo viên phải ra sức phấn đấu, học tập, tu dưỡng rèn luyện xây dựng, củng cố phát triển uy tín sư phạm của mình theo các yêu cầu phẩm chất nhân cách cơ bản sau:

Một là, người giáo viên phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức, lối sống.

Đây là phẩm chất cơ bản chủ đạo trong nhân cách người giáo viên, là cái cốt lõi, là hạt nhân định hướng chính trị trong công tác đào tạo cán bộ. Đối với người giáo viên bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng không chỉ có ý nghĩa định hướng cho bản thân mà còn trở thành phẩm chất quan trọng hàng đầu của họ trong định hướng chính trị cho học viên. Bản lĩnh chính trị của người giáo viên được thể hiện: Sự trung thành với mục tiêu, lý tưởng, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa; có tinh thần triệt để cách mạng, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào cũng luôn kiên cường, dũng cảm, gắn bó, hi sinh với sự nghiệp bảo vệ ANTT, có tinh thần trách nhiệm cao đối với sự nghiệp “trồng người”, sự nghiệp đào tạo cán bộ cho lực lượng CAND. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện tiêu cực tham ô, tham nhũng và tệ nạn xã hội....

Người giáo viên phải là người mẫu mực về đạo đức, lối sống, có tính kỷ luật, là trung tâm đoàn kết trong tập thể đơn vị và tập thể học viên, hết sức phục vụ Nhân dân; có trách nhiệm cao, tận tụy với sự nghiệp giáo dục, đào tạo; có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, luôn phấn đấu vươn lên không ngừng. Người giáo viên phải là người có nếp sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tình thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của học viên, thực sự vừa là người thầy, người anh, người đồng chí và là người bạn của học viên. Người giáo viên phải là người có ý thức tổ chức kỷ luật; thực hiện nghiêm cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và 6 Điều Bác Hồ dạy CAND”. Người giáo viên hơn ai hết cần ý thức đầy đủ yêu cầu bồi dưỡng đạo đức cách mạng đối với chính mình; đề cao đạo đức cách mạng, giáo dục học viên và giúp họ rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống của người cán bộ cách mạng.

Hai là, có kiến thức toàn diện, có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học; thật sự yêu nghề, say mê tìm tòi, nghiên cửu, sáng tạo.

Người giáo viên CAND phải có kiến thức toàn diện cả về chính trị, ANQP, kinh tế, văn hóa, xã hội cần thiết, nhất là kiến thức chuyên sâu về khoa học ANTT... Nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của lực lượng CAND Nhà trường. Người giáo viên cũng phải có vốn sống phong phú, kiến thức kinh tế - xã hội toàn diện, am hiểu về tình hình ANTT, nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Vinh dự của người thầy là dạy chữ, dạy người và dạy nghề, thông qua dạy chữ để dạy người và dạy nghề. Kiến thức của người thầy không phong phú thì dù có tâm huyết nhưng tác dụng dạy người sẽ bị hạn chế.