Thứ Năm, 12/9/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một giảng viên chế tạo thành công rô bốt phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Sản phẩm rô bốt này giúp BV tiết kiệm chi phí cũng như giúp nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc với người bệnh COVID-19, tránh lây nhiễm chéo.

Theo bác sĩ Hứa Trung Tiếp, Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, mỗi ngày nếu nhân viên y tế hoặc bác sĩ trực tiếp chăm sóc, đưa thức ăn cho bệnh nhân phải tốn từ 5-6 bộ đồ bảo hộ, mỗi bộ khoảng 300.000 đồng, nhưng nguồn vật tư có hạn. Trong khi bác sĩ, nhân viên phục vụ tiếp xúc với người bệnh cũng có khả năng bị lây nhiễm.

Trước yêu cầu trên, BV đã đặt hàng Trường ĐH Kỹ thuật, Công nghệ Cần Thơ làm mô hình rô bốt để hỗ trợ y bác sĩ. Sau khi nhận đặt hàng từ BV và thống nhất phương án vào ngày 31-3, anh Tâm bắt tay vào sáng chế. Một tháng sau sản phẩm rô bốt ra đời.

Rô bốt do giảng viên Trần Hoài Tâm sáng chế.

Anh Tâm cho biết, nguyên lý hoạt động của rô bốt là điều khiển bằng remote không dây với tầm bán kính hoạt động khoảng 1km. Tuy nhiên, khuyết điểm của phương thức này lại bị ảnh hưởng bởi vật cản trong các toà nhà, đặc biệt là khu vực chụp X-quang sẽ hạn chế khả năng điều khiển. Vì vậy, anh đã thiết kế phương thức khác là tải ứng dụng trên điện thoại hoặc trên các thiết bị thông minh. Theo đó, khi mở giao diện điều khiển trên điện thoại có những nút nhấn như trên remote, khi bấm vào, thông qua kết nối internet thì sẽ điều khiển rô bốt hoạt động giống như bấm remote.

Trên rô bốt bố trí camera, trang bị wifi truyền hình ảnh, giúp bác sĩ đứng phía bên ngoài khu cách ly điều trị có thể giao tiếp với bệnh nhân bên trong. Tổng chi phí làm ra rô bốt khoảng 14 triệu đồng và có thể sử dụng từ 1-2 năm. Rô bốt này có thể mang vật tư y tế với trọng lượng tối đa 150kg, tốc độ di chuyển 5km/h mà không cần bác sĩ trực tiếp vào khu điều trị.

Bác sĩ Hứa Trung Tiếp đánh giá, khi có rô bốt trên, bác sĩ chỉ cần ngồi ngoài điều khiển và vận chuyển trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, phục vụ cho người bệnh. Việc này giúp giảm chi phí trong điều trị bệnh và giảm tiếp xúc giữa người bệnh và nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo. Ngoài ra rô bốt còn được BV sử dụng trong Khoa Lao kháng thuốc, đây là nơi có những bệnh nhân bị bệnh lao có khả năng lây nhiễm rất cao đang được điều trị. Anh Tâm cho biết sẽ liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ để được hướng dẫn đăng ký bản quyền sáng chế trên.

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi