Thứ Năm, 12/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nữ quản giáo và "nghệ thuật" thu phục lòng người

Một ngày làm việc của chị và đồng đội bắt đầu từ 6h30 phút sáng và kết thúc khi trời đã xế chiều.

1. Đợi đến khi những phần việc của buổi trưa hoàn tất, tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ quản giáo Nguyễn Thị Phương. "Tôi gắn bó với trại giam từ khi còn nhỏ…", Trung tá Nguyễn Thị Phương mở đầu câu chuyện với tôi. Phía sau những chia sẻ về cơ duyên đến với nghề của Trung tá Nguyễn Thị Phương là câu chuyện xúc động của người nữ quản giáo tận tâm với nghề.

z6106936077053_a514a81c02b65c0c967094e3a899bccf.jpg -0
Trung tá Nguyễn Thị Phương, cán bộ quản giáo Trại tạm giam B14 dùng nhân tâm cảm hóa, giáo dục phạm nhân.

Ngày đó, khi bạn bè cùng trang lứa vẫn yên ấm trong vòng tay chăm sóc của mẹ thì trong một cơn bạo bệnh đã khiến Trung tá Phương mất mẹ. Sau cú sốc tâm lý, Phương được chị gái và anh rể là những cán bộ quản giáo đưa về sinh sống tại khu tập thể của một trại giam thuộc Bộ Công an. Bởi thế mà tiếng kẻng báo thức của các phân trại; câu chuyện nhân văn của những người thầy "không giáo án" dùng nhân tâm cảm hoá, giáo dục những người lầm lỗi đã ăn sâu vào tiềm thức của cô gái trẻ.

Sau khi học hết cấp ba, Phương đã thi vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân rồi về công tác tại Trại giam Ba Vì. Quãng thời gian công tác tại đây đã giúp chị có những kiến thức cơ bản với nghề quản giáo… Khi được điều động về Trại tạm giam B14, Trung tá Nguyễn Thị Phương đã nhanh chóng thích nghi với công việc. Trong thời gian công tác tại Trại tạm giam B14, nữ quản giáo Nguyễn Thị Phương đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ phụ trách đối tượng tạm giữ, tạm giam và hiện nay là Đội quản giáo phạm nhân…

"Quản giáo là công việc đặc thù, rất áp lực, mỗi đối tượng lại có những khó khăn riêng. Với người bị tạm giam, tạm giữ, cán bộ quản giáo phải nắm rõ nhân thân, tâm lý của từng người… bởi trong quá trình tạm giam, tạm giữ để điều tra chờ đến khi xét xử, tâm lý của họ không ổn định. Với các phạm nhân thì cán bộ quản giáo phải nắm được tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng người để động viên, thuyết phục họ nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra. Từ đó, yên tâm lao động và cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội" - Trung tá Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Chị tiếp lời: “Phạm nhân đưa về phục vụ hoạt động của Trại tạm giam B14 được lựa chọn từ các trại giam của Bộ Công an. Họ phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định như không nghiện ma tuý, phạm tội ít nghiêm trọng…Vậy nhưng mỗi phạm nhân cải tạo là một hoàn cảnh, với tính cách khác nhau. Vì thế, người cán bộ quản giáo phải nắm bắt được tâm lý của từng phạm nhân. Từ đó, giáo dục, cảm hoá để họ yên tâm cải tạo" - Trung tá Phương cho biết.

2. Chia sẻ với tôi về công việc của mình, chị cho biết: "Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, ở mỗi nhiệm vụ được giao đều để lại cho tôi một kỷ niệm. Song có lẽ, ấn tượng nhất có lẽ là thời kỳ phụ trách công tác tạm giữ, tạm giam".

Trong số đó, chị ấn tượng nhất là việc cảm hoá, giáo dục Nguyễn Thị H, bị can trong một vụ án về kinh tế, gây xôn xao dư luận vào thời điểm đó. Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, bỗng chốc vướng vào vòng lao lý, trong một thời gian ngắn bị can H, không thể chấp nhận được hiện thực… Suy sụp và hoang mang, người phụ nữ tìm mọi cách để giải thoát bản thân. Cả tuần trời, chị ta không tắm giặt, không ăn uống, cả ngày chỉ biết ôm mặt khóc. Cùng là phụ nữ nên Trung tá Nguyễn Thị Phương có điều kiện chia sẻ hơn. Chị lân la hỏi chuyện, khi biết chị là đồng hương Thanh Hoá, người phụ nữ dần mở lòng hơn…

"Thời điểm đó đang là mùa đông, tôi đã xách từng xô nước nóng cho bị can sinh hoạt; sau đó, tâm sự đời thường, chia sẻ với bị can… Từ đó, chị H dần mở lòng. Người phụ nữ chia sẻ rằng, trước khi bị bắt giữ chị là lãnh đạo của một tập đoàn kinh tế. Đam mê với tiền tài, danh vọng và công việc, chị phó mặc việc chăm sóc gia đình cho chồng và người giúp việc… đến khi vướng vào vòng lao lý thì cảm thấy hối tiếc tất cả" - Trung tá Nguyễn Thị Phương kể lại.

Sau khi hiểu được suy nghĩ của bị can H, nữ quản giáo Nguyễn Thị Phương đồng thời tìm hiểu về hoàn cảnh của người phụ nữ. Qua tìm hiểu, chị biết bị can H có người chồng là một cán bộ đang công tác trong lực lượng vũ trang. Sau khi chị H bị bắt giữ, chồng và những người thân trong gia đình vẫn quan tâm đến chị… Từ đó, Trung tá Nguyễn Thị Phương đã phân tích để người phụ nữ hiểu ra rằng, hạnh phúc lớn nhất của chị là dù rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn nhưng vẫn không bị gia đình và người thân bỏ rơi. Sau một thời gian, chị H đã hiểu ra, yên tâm cải tạo. Sau này, chị trả án được trở về với cuộc sống thường ngày.  

Hay như trường hợp của bị can là N.H.A. Sau khi bị bắt, người phụ nữ tìm mọi cách chống đối, lúc kêu mệt, đòi đi khám bệnh… Lần đó, trại có chỉ định đưa đến Bệnh viện 198 để khám bệnh. Tối hôm đó, Trung tá Nguyễn Thị Phương thức trắng đêm chăm sóc bị can A, trong khi hai đứa con của chị, một cháu nhỏ mới 1 tuổi phải gửi nhờ vợ chồng người hàng xóm chăm sóc.

Cho đến hiện tại, khi được giao nhiệm vụ tại phân trại, Trung tá Nguyễn Thị Phương vẫn cho biết, phạm nhân cải tạo tại phân trại có đủ thành phần, lứa tuổi với tính cách khác nhau, đa phần đều là nam giới là một khó khăn cho người nữ quản giáo. Giáo dục và cải tạo họ là một "nghệ thuật". Song những phạm nhân chị đã từng quản lý, đến nay chưa có trường hợp nào tái phạm.

Theo dòng tâm sự, chị kể cho chúng tôi về trường hợp phạm nhân trẻ tuổi nhất đang cải tạo tại phân trại. Ban đầu, khi mới vào trại, phạm nhân này có thói quen sinh hoạt rất tuỳ tiện. Vào buổi trưa, khi các phạm nhân khác nghỉ ngơi thì anh ta đi tắm hoặc giặt… Từ thói quen sinh hoạt của phạm nhân trẻ tuổi này đã gây mất đoàn kết trong buồng giam. Nắm bắt được tình hình, nữ quản giáo Nguyễn Thị Phương đã gặp gỡ riêng, phân tích cho phạm nhân hiểu được phải chấp hành quy định của trại theo nội quy đã được học… Như một người cô, một người chị gái, những lời lẽ thấu tình, đạt lý của nữ quản giáo Nguyễn Thị Phương đã giúp phạm nhân trẻ hiểu ra. Đến nay, phạm nhân đã chấp hành các quy định của trại.

Mỗi phạm nhân, chị lại có những cách tiếp cận riêng. Trường hợp của phạm nhân Bạch Anh, người Nghệ An, phạm tội trộm cắp tài sản là một ví dụ. Quá trình quản lý, giáo dục, Trung tá Nguyễn Thị Phương đã nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Bạch Anh. Chị đã báo cáo với đồng chí Phó giám thị, yêu cầu cho Bạch Anh cùng một phạm nhân được đi lao động, nhặt các đồ phế thải trong đơn vị… Sau khi phân loại, chị gọi đồng nát bán rồi gửi số tiền có được qua hậu cần, mua thêm đồ sinh hoạt lưu ký, trang trải thêm cho Bạch Anh. Cùng với sự động viên về tinh thần, số tiền vài trăm ngàn đồng có được đã hỗ trợ cho Bạch Anh. Chính tình cảm và hành động thiết thực của nữ quản giáo Phương đã cảm hoá được Bạch Anh. Đến nay, Bạch Anh đã yên tâm cải tạo để sớm được trở về với cộng đồng. 

Ngoài là cán bộ chuyên môn, Trung tá Nguyễn Thị Phương còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại tạm giam B14. Chị tổ chức nhiều chuyên đề, phong trào thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao... để hoạt động hội phụ nữ ý nghĩa và có hiệu quả thiết thực nhất. Niềm vui và hạnh phúc của chị là mỗi phạm nhân sau khi thụ án ra tù sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi