Thứ Bảy, 20/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Các nước nới lỏng hạn chế COVID-19

Các quốc gia ở nhiều khu vực quyết định nới lỏng hoặc thậm chí dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế COVID-19, trong bối cảnh nhân loại ngày càng hiểu biết và sở hữu nhiều công cụ chống lại dịch bệnh.

Hãng tin Times of Israel ngày 7/2 cho biết quốc gia Trung Đông này đã dỡ bỏ yêu cầu xuất trình Thẻ Xanh COVID-19, tức chứng nhận tiêm phòng hoặc mới nhiễm bệnh, tại hầu hết các khu vực công cộng như nhà hàng, rạp hát hay phòng tập thể thao... mà chỉ duy trì ở một số địa điểm như vũ trường, đám cưới.

Các nước đua nhau nới lỏng hạn chế COVID-19 -0
Cuộc sống bình thường đang trở lại trên khắp thế giới. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Cùng việc dỡ bỏ quy định Thẻ Xanh, một số quy định khác cũng được nới lỏng kể từ ngày 7/2, như giới hạn số người tham gia sự kiện đông người hoặc quy định giãn cách tối thiểu trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, trụ sở doanh nghiệp.

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Israel đã "đặc biệt xuất sắc" khi vượt qua đại dịch COVID-19 với chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng, hiệu quả, giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.

"Chiến dịch tiêm vaccine dẫn đầu thế giới của Israel đã giúp củng cố lòng tin và giảm thiểu tác động của dịch bệnh mỗi khi xuất hiện các biến chủng virus mới", IMF nêu quan điểm.

Tại châu Á, truyền thông Hàn Quốc loan báo chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang cân nhắc phương án ứng phó với dịch COVID-19 giống như ứng phó với cúm mùa nhằm đảm bảo hệ thống y tế có thể phản ứng linh hoạt ngay cả khi số ca mắc tăng.

Điều này cho thấy Hàn Quốc có ý định dần chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch thông thường, trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng do biến chủng Omicron, nhưng người nhiễm chủng này chủ yếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc, nếu xu hướng ca bệnh tiếp tuc duy trì ổn định, Hàn Quốc sẽ sớm nới lỏng hầu hết các biện pháp phòng dịch và và tái khởi động lộ trình khôi phục đời sống giống như trước khi COVID-19 xuất hiện.

Tại Nga, TASS ngày 6/2 tiết lộ nước này đã bãi bỏ quy định cách ly đối với người tiếp xúc ca nhiễm COVID-19. Điện Kremlin gần đây đã bác bỏ mọi lo ngại về nguy cơ phải áp đặt thêm một đợt phong toả mới do chủng Omicron.

Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của thủ đô Moscow thì cho biết, các trường học và nhà trẻ tại đại đô thị này có thể chấm dứt yêu cầu cách ly đối với học sinh từ tuần tới.

Tương tự, một số địa phương của Mỹ cũng lần lượt dỡ bỏ các hạn chế. Thành phố Denver quyết định dừng yêu cầu trình diện giấy chứng nhận tiêm chủng và quy định buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng, trừ trường học và trên xe bus.

Thống đốc bang New York thì lên kế hoạch dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang vào tuần tới, còn chính quyền New Jersey cho phép giáo viên và học sinh không cần đeo khẩu trang trên lớp học.

Anh, Pháp, Ireland, Hà Lan cùng một số quốc gia châu Âu đã tiến hành các biện pháp để nới lỏng hoặc chấm dứt hạn chế. Một số chính phủ tin rằng đại dịch đang hạ nhiệt. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca nhấn mạnh: "Hãy yên tâm rằng những ngày tồi tệ nhất đang ở sau chúng ta", theo AP.

Tiếp tục đà nới lỏng hạn chế COVID-19, từ đầu tháng, Anh dỡ bỏ quy định khẩu trang nơi công cộng cũng như yêu cầu trình hộ chiếu vaccine khi đến các địa điểm đông người. Nước này hiện chỉ yêu cầu ai dương tính COVID-19 thì cần cách ly tại nhà.

Ngày 1/2, Na Uy bỏ lệnh cấm phục vụ đồ uống có cồn sau 11 giờ tối và quy định cấm tụ tập riêng trên 10 người. "Lúc này chính là thời điểm để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường", Bộ trưởng Y tế Na Uy Ingvild Kjerkol nhấn mạnh.  

Xuất hiện từ cuối năm 2019, COVID-19 đến nay đã cướp đi 5,8 triệu sinh mạng trong tổng số gần 400 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trở thành dịch bệnh chết chóc nhất mà loài người đối mặt trong hàng chục năm qua.

Trong hơn 2 năm, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi với sự xuất hiện của nhiều biến chủng nguy hiểm mới. Tuy nhiên, cũng chừng đó thời gian, các chính phủ, nhà khoa học trên toàn cầu đã nỗ lực tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả, phát triển nhiều mẫu vaccine hay các loại thuốc giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của người bệnh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi