Thứ Tư, 24/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chờ đợi “tín hiệu tốt” từ điện đàm

Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin thực hiện cuộc điện đàm trong ngày 12/2 (giờ địa phương). Dư luận thế giới chờ đợi những “tín hiệu tốt” từ điện đàm để có thể giảm nhiệt tình hình Ukraine.

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo một cuộc tấn công của Nga đối với Ukraine khuyến cáo công dân Mỹ rời khỏi Ukraine sớm nhất có thể trước những diễn biến khó lường hiện nay. Tuy nhiên, ông Sullivan cho biết hiện chưa rõ liệu Tổng thống Putin “đã quyết định tấn công Ukraine hay chưa” và cảnh báo trên được đưa ra dựa trên các thông tin tình báo của Mỹ.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh triển khai thêm 3.000 binh sỹ Mỹ tới Ba Lan, nâng tổng số binh sỹ Mỹ tại đây lên 4.700. Số binh sỹ này có nhiệm vụ hỗ trợ các công dân Mỹ tìm cách rời khỏi Ukraine. Trong bối cảnh trên, người đứng đầu Nhà Trắng ngày 11/2 đã điện đàm với lãnh đạo một số đồng minh của Mỹ về vấn đề Ukraine.

Chờ đợi “tín hiệu tốt” từ điện đàm -0
Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin.

Các bên đã bày tỏ quan ngại về việc Nga tập hợp quân gần biên giới với Ukraine đồng thời kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Các bên cũng thảo luận sự sẵn sàng tiếp tục củng cố năng lực phòng thủ ở sườn Đông NATO trong trường hợp căng thẳng với Moscow tiếp tục leo thang. Lãnh đạo các nước tham gia điện đàm bao gồm Thủ tướng Canada, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh.

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao nước này có kế hoạch yêu cầu các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev rời khỏi Ukraine. Một số ít quan chức vẫn có thể ở lại Kiev, nhưng phần lớn trong số gần 200 nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ có thể được điều đến vùng viễn tây của Ukraine, gần biên giới Ba Lan. Như vậy, Mỹ có thể duy trì sự hiện diện ngoại giao ở nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa bình luận về thông tin này. Cơ quan này trước đó đã kêu gọi gia đình các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Kiev rời khỏi đây. Song đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên không thiết yếu. Động thái mới được đưa ra trong bối cảnh Washington tăng cường cảnh báo về khả năng Moscow tấn công Kiev. Trước đó, hôm 11/2, Lầu Năm Góc thông báo họ sẽ triển khai thêm 3.000 binh sĩ chiến đấu đến Ba Lan cùng 1.700 quân đã tập hợp tại đây, nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh NATO. Các binh sĩ này sẽ rời căn cứ ở Fort Bragg, Bắc Carolina đến Ba Lan vào tuần tới.

Theo một quan chức quốc phòng, họ là binh sĩ của Lữ đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn Dù 82. Nhiệm vụ của lực lượng này là huấn luyện và răn đe nhưng không tham chiến ở Ukraine. Thông báo này được đưa ra ngay sau khi ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, cảnh báo công khai rằng, tất cả công dân Mỹ ở Ukraine nên rời khỏi nước này càng sớm càng tốt. Ngoài việc điều quân đến Ba Lan, quân đội Mỹ cũng triển khai khoảng 1.000 binh sĩ đóng quân tại Đức đến Romania trong sứ mệnh tương tự để trấn an đồng minh NATO. Ngoài ra, còn có 300 binh sĩ thuộc đơn vị chỉ huy Quân đoàn Dù 18 đã đến Đức. Lực lượng này do Trung tướng Michael E. Kurilla chỉ huy. Mỹ hiện có khoảng 80.000 quân trên khắp châu Âu tại các căn cứ thường trực và luân phiên.

Một số quốc gia phương Tây liên tục cáo buộc Nga đưa quân đến gần biên giới Ukraine và cho rằng Moscow đang có kế hoạch xâm lược quốc gia láng giềng. Đáp lại, Nga đã nhiều lần khẳng định không đe dọa bất kỳ ai và cáo buộc Nga xâm lược chỉ là đòn khiêu khích. Điện Kremlin cũng nhấn mạnh việc NATO tăng cường quân sự ở Đông Âu làm dấy lên lo ngại an ninh ở Moscow, đồng thời yêu cầu phương Tây bảo đảm pháp lý về việc NATO không mở rộng về khu vực phía đông hoặc triển khai vũ khí tấn công ở Đông Âu. Nga đã đưa ra một số đề nghị trong bản danh sách mà nước này gửi cho Mỹ và châu Âu vào tháng 12/2021.

Trong đó, Moscow đã tái khẳng định các yêu cầu cốt lõi rằng: NATO không được mở rộng về phía Đông, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và cắt giảm quy mô cơ sở hạ tầng quân sự tại châu Âu giống thời điểm năm 1997. Nga cũng yêu cầu Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân còn lại của nước này ra khỏi châu lục. Thế nhưng, phản ứng của phương Tây lại trái ngược hoàn toàn với điều mà Nga mong muốn. NATO ngay lập tức tăng cường lực lượng ở phía Đông, trong đó có các nước từng thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Litva. Mỹ điều động 3.000 binh sỹ đến Ba Lan, Romania và Đức.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Điện Kremlin từ lâu đã bày tỏ lo ngại về việc triển khai bệ phóng tên lửa Aegis do Mỹ sản xuất tại Đông Âu. Trong khi Washington khẳng định hệ thống này hoàn toàn mang tính chất phòng thủ thì Moscow cho rằng nó có thể phóng tên lửa hành trình TLAM – một loại vũ khí tinh vi có thể tấn công Nga trong vòng vài phút. Để giải quyết tranh cãi này, các bên có thể nhất trí thỏa thuận giám sát tên lửa ở cả hai phía.

Trong tuyên bố ngày 11/2, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukranie song khẳng định, có thể hành động “quân sự kỹ thuật” trong trường hợp những yêu cầu của Nga không được đáp ứng. Nga đang chờ đợi sự đảm bảo bằng văn bản từ NATO rằng tổ chức này rút sự hiện diện ở Đông Âu cũng như không kết nạp Ukraine làm thành viên.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi