Thứ Sáu, 19/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tái định hình cục diện Đông Á trong bối cảnh đại dịch

 “Kỳ tích Đông Á” và xu hướng quan trọng

Thế giới kể từ thời cận đại luôn lấy phương Tây làm trung tâm. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, toàn bộ khu vực Đông Á đã trỗi dậy nhanh chóng và được Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả là “kỳ tích Đông Á”. Khi vị thế của khu vực này trong cấu trúc toàn cầu tăng lên nhanh chóng thì địa vị của phương Tây dần giảm xuống. “Đông lên, Tây xuống” dần trở thành xu hướng quan trọng của cục diện thay đổi trên thế giới trong hàng trăm năm.

Bước sang thế kỷ mới, ưu thế tăng trưởng của các thị trường mới nổi Đông Á mà đại diện là Trung Quốc càng trở nên nổi bật, xu thế “Đông lên, Tây xuống” ngày càng mạnh mẽ. Địa vị của Đông Á, một trong ba trung tâm lớn của thế giới, đã tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2019, chỉ riêng ba nền kinh tế Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm 24% nền kinh tế toàn cầu, gần bằng 24,4% của Mỹ, cao hơn nhiều so với 17,8% của Liên minh châu Âu (EU), tính cả Anh cũng chỉ là 21%.

Năm 2011, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Năm 2021, chính quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden tiếp tục củng cố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và củng cố hệ thống đồng minh Đông Á. Trên thực tế điều đó giúp nâng cao địa vị chiến lược của Đông Á trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu.

Dịch bệnh ngày càng đẩy nhanh sự dịch chuyển trung tâm thế giới sang Đông Á, xu thế “Đông lên, Tây xuống” càng được tăng cường. Điều này là do hiệu quả tổng thể về hai phương diện lớn là phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế ở Đông Á tốt hơn rõ rệt so với các khu vực khác của thế giới.

Đặc điểm “nhận thức tình hình chung, quan tâm đến đại cục và nhấn mạnh trật tự” trong xã hội và văn hóa truyền thống Đông Á và chính phủ các nước Đông Á có năng lực huy động nguồn lực tốt hơn, giúp cho công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh ở Đông Á trở nên hiệu quả hơn các nơi khác trên thế giới. Hiện tại, tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đông Á chỉ bằng khoảng 1/10 tỷ lệ trung bình của thế giới. Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi giảm thiểu tác động đến nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trong suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra và sự phục hồi sau đó, Đông Á đã có đặc điểm nổi bật là “suy thoái nhẹ hơn và phục hồi mạnh mẽ hơn” so với các khu vực khác trên thế giới. Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020, các thị trường mới nổi Đông Á và các nền kinh tế đang phát triển giảm 2,3 điểm phần trăm so với mức trung bình của thế giới, còn trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu năm 2021 lại tăng trưởng 2,6 điểm phần trăm. Điều này cho thấy rõ ràng rằng dịch bệnh đã ngày càng đẩy nhanh hơn việc nâng cao địa vị của khu vực Đông Á trong cơ cấu kinh tế toàn cầu.


Việc thực hiện đầy đủ RCEP sẽ giúp tái hiện “kỳ tích Đông Á”.

Sau chiến tranh, Đông Á đã từng hình thành một chuỗi tăng trưởng kinh tế tốc độ cao bền vững. Đầu tiên, Nhật Bản dẫn đầu trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tốc độ cao vào những năm 1950. Tiếp theo là sự “trỗi dậy” thành công của “Bốn con rồng châu Á” bao gồm Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Singapore vào những năm 1960.

Tiếp đó là “Bốn con hổ châu Á” gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines đạt chuỗi tăng trưởng tốc độ cao vào những năm 1970. Sau đó, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa thúc đẩy sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế vào những năm 1980. Cuối cùng là Việt Nam, Campuchia và Myanmar đã mở rộng chuỗi tăng trưởng kinh tế tốc độ cao cho toàn bộ khu vực Đông Á.

Ngay từ năm 1993, WB đã có báo cáo chuyên đề, cho biết đã xuất hiện “kỳ tích Đông Á” về tăng trưởng kinh tế bền vững và nhanh chóng. Nhận định này từng làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ trong giới học thuật phương Tây mà đại diện là học giả nổi tiếng người Mỹ Paul Robin Krugman, nhưng “kỳ tích Đông Á” trước đó đã có những khiếm khuyết cố hữu, một trong số đó là thiếu sự hỗ trợ cần thiết của khuôn khổ hợp tác khu vực.

Đặc biệt trong một thời gian dài, trong cục diện hợp tác khu vực “ba cực”, châu Âu là cực dẫn đầu, Bắc Mỹ thứ hai và cực Đông Á luôn bị tụt hậu phía sau. Đại dịch COVID-19 đã trực tiếp thúc đẩy sự thay đổi cục diện này. Hai cực châu Âu và Bắc Mỹ trong giai đoạn trước dịch bệnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự kiện Anh rời EU (Brexit) và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong thời kỳ dịch bệnh, khuôn khổ hợp tác khu vực cũng không hiệu quả.

Còn đối với cực Đông Á, cho dù là về phòng, chống dịch bệnh hay phục hồi kinh tế, mọi nỗ lực và kết quả hợp tác đều rất tốt. Đặc tính “hướng lái khủng hoảng” vốn có của hợp tác Đông Á cũng được kích thích và tạo động lực cho khu vực khi đối diện với khủng hoảng dịch bệnh. Tiến triển nổi bật nhất và ảnh hưởng sâu rộng nhất là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020.

Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% dân số, kinh tế và thương mại của thế giới đã được hình thành. Sau khi ký kết RCEP, các thành viên đã tích cực thúc đẩy quá trình phê duyệt pháp lý, tiến độ tổng thể diễn ra suôn sẻ và nhiều khả năng sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2022. Trong bối cảnh hai cực châu Âu và Bắc Mỹ gặp những trắc trở, dịch bệnh đã tạo ra những rào cản nghiêm trọng đối với giao lưu khu vực, thì hợp tác Đông Á lại có thể phát triển ngược xu hướng, đặc biệt là việc ký kết thành công RCEP.

Vấn đề này ở mức độ nào đó cũng có nghĩa là Đông Á sau khi lập nên “kỳ tích” tăng trưởng kinh tế, lại tiếp tục lập nên “kỳ tích” hợp tác khu vực. Việc thực hiện đầy đủ RCEP, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, cũng như sự thúc đẩy toàn diện hợp tác trên các cấp độ khác nhau, sẽ giúp củng cố xu thế của nền kinh tế Đông Á là dẫn dắt sự phục hồi toàn cầu và duy trì tăng trưởng nhanh chóng, giúp tái hiện “kỳ tích Đông Á”.

Và vai trò trung tâm của ASEAN

ASEAN là tổ chức hợp tác khu vực được thành lập sớm nhất ở Đông Á (năm 1967). Trong hợp tác khu vực Đông Á sau này, ASEAN luôn chiếm vị trí chủ đạo và giữ vị trí lãnh đạo. Với ASEAN làm trung tâm, khu vực này đã xây dựng các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1 (đó là ASEAN+Trung Quốc, ASEAN+Nhật Bản, ASEAN+Hàn Quốc và ASEAN+Ấn Độ) và quan hệ thương mại tự do ASEAN+2 (ASEAN và Australia, New Zealand).

Mặt khác, ASEAN mặc dù gồm 10 nước nhưng thực lực kinh tế chưa mạnh, sức mạnh tổng thể cũng rất hạn chế. Năm 2019, 10 nước ASEAN chỉ chiếm 13,3% tổng sản lượng kinh tế của ASEAN+3 và chỉ chiếm 12,5% tổng sản lượng kinh tế của 15 nước RCEP.

Đại dịch COVID-19 đã củng cố hơn nữa động lực của ASEAN trong hợp tác khu vực ở Đông Á. Trước hết, hợp tác Đông Á luôn có đặc điểm “hướng lái khủng hoảng”, khủng hoảng dịch bệnh đã tăng cường động lực hợp tác Đông Á, đồng thời cũng tăng cường động lực phát huy vai trò chủ đạo, đẩy nhanh hợp tác Đông Á.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã nâng cao hơn nữa vị thế của ASEAN trong cơ cấu kinh tế thương mại của các nền kinh tế lớn ở Đông Á, tạo nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc để ASEAN phát huy vai trò chủ đạo. Trong thời gian dịch bệnh, lần đầu tiên ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản ngày càng chuyển dịch đầu tư vào ASEAN.

Mặt khác, Mỹ ngày càng đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc và ASEAN ngày càng trở thành đối tượng mà Mỹ muốn thuyết phục. Do đó, vị thế chiến lược của ASEAN ngày càng nâng cao. Cuối cùng, dịch bệnh đã thúc đẩy hơn nữa quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất toàn cầu, xu hướng khu vực hóa ngày càng rõ hơn. Vị thế của ASEAN ngày càng quan trọng trong bố cục chuỗi sản xuất khu vực Đông Á trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi