Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thỏa thuận khí đốt mới Nga - Azerbaijan và nghi vấn đặt ra với EU

Nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt nhà nước của Nga Gazprom ngày 18/11 thông báo rằng họ đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho công ty khí đốt nhà nước SOCAR của Azerbaijan và sẽ cung cấp tổng cộng một tỷ mét khối khí đốt cho đến tháng 3/2023. Trong một tuyên bố, SOCAR cho biết họ đã hợp tác lâu dài với Gazprom và hai công ty "đang cố gắng tối ưu hóa cơ sở hạ tầng của nhau bằng cách tổ chức trao đổi dòng khí đốt".


Châu Âu đang đứng trước việc phải đối mặt với 1 mùa đông "lạnh" nhất từ trước tới nay. Ảnh minh họa: Getty Images

Thỏa thuận được ký kết ngay trước giai đoạn nhu cầu cao nhất vào giữa mùa Đông, vì Azerbaijan sẽ tìm cách duy trì nguồn cung cho các khách hàng khí đốt trong nước, đồng thời đáp ứng các cam kết xuất khẩu sang Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như thương mại mở rộng gần đây với châu Âu. Xuất khẩu sang châu Âu thông qua Hành lang khí đốt phía Nam đã được lên kế hoạch đạt 10 tỷ mét khối trong năm nay, nhưng theo một biên bản ghi nhớ mới với Liên minh châu Âu (EU) được ký vào tháng 7, Baku đã đồng ý tăng xuất khẩu lên 12 tỷ mét khối khí đốt. Mức tăng đó nhằm giúp Brussels bù đắp tổn thất nguồn cung cấp khí đốt của Nga, vốn đã bị Moscow cắt giảm để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU áp đặt sau cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù thỏa thuận đã được đề cập rất nhiều ở cả Brussels và Baku, nhưng vẫn chưa bao giờ làm rõ chính xác lượng khí đốt bổ sung sẽ đến từ đâu.

Các vấn đề với thỏa thuận cũng đã xuất hiện vào đầu tháng 9, khi Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Parviz Shahbazov tuyên bố rằng nước này sẽ chỉ xuất khẩu 11,5 tỷ mét khối sang châu Âu trong năm nay, không đưa ra gợi ý nào về lý do tại sao mục tiêu xuất khẩu bị thu hẹp. Thậm chí ngay cả khối lượng tăng thêm khiêm tốn này sẽ đến từ đâu vẫn chưa rõ ràng. Một nguồn tin thân cận với tập đoàn sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ Shah Deniz của Azerbaijan, hiện đang cung cấp toàn bộ lượng khí đốt xuất khẩu của Azerbaijan, đã xác nhận rằng không có hợp đồng xuất khẩu mới nào được ký kết và mỏ này hiện chỉ được ký hợp đồng cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt đã thỏa thuận trước đó.

Do đó, thông tin về việc Azerbaijan sẽ nhập khẩu khí đốt từ Nga vào mùa Đông này cho thấy rằng Baku dự định sử dụng khí đốt của Moscow để cung cấp cho thị trường nội địa và giúp nước này đáp ứng cam kết với Brussels. Các biện pháp trừng phạt Nga do EU áp đặt không áp dụng cho Azerbaijan, quốc gia vẫn được tự do nhập khẩu bao nhiêu khí đốt của Nga tùy thích. Trong khi đó, thỏa thuận hồi tháng 7 đã nhất trí cụ thể là tăng lượng khí đốt của Azerbaijan chảy sang châu Âu để giúp EU giảm phụ thuộc khí đốt Nga.

Theo thỏa thuận được ký vào tháng 7, Baku cũng đồng ý tăng gấp đôi lượng xuất khẩu qua Hành lang khí đốt phía Nam lên 20 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2027 - mức tối đa mà mạng lưới đường ống hiện tại có thể thực hiện. Sự gia tăng đó sẽ rất tốn kém và sẽ mất thời gian để hiện thực hóa, đòi hỏi cả bổ sung máy nén khí mới vào các đường ống hiện có cũng như đầu tư lớn vào các mỏ khí đốt của Azerbaijan để sản xuất khí đốt cần thiết.

Cho đến nay, chưa có quyết định đầu tư nào được đưa ra để mở rộng ba đường ống tạo nên Hành lang khí đốt phía Nam vận chuyển khí đốt của Azerbaijan đến châu Âu, trong khi vẫn còn câu hỏi về việc 10 tỷ mét khối khí đốt bổ sung mỗi năm sẽ đến từ đâu. Azerbaijan có một số mỏ khí đốt nhỏ khác, nhưng sản lượng từ những mỏ này dự kiến sẽ không đủ để đáp ứng cam kết của Baku với Brussels, làm tăng khả năng khí đốt sẽ phải được lấy từ các quốc gia khác trong khu vực.

Trong tuần qua, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vọt do nhu cầu sưởi ấm tăng lên mạnh mẽ khi mùa đông đến gần. Theo hãng tin Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu theo hợp đồng tương lai chuẩn đã tăng 8%. Mặc dù đã giảm so với mức cao nhất vào mùa hè do nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) dồi dào giúp lấp đầy kho dự trữ châu Âu, nhưng các chuyên gia cho rằng giá khí đốt ở châu lục này có thể bắt đầu tăng trở lại.

Báo cáo của hãng dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon cho biết hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trên sàn TTF của Hà Lan cho tháng 12 tăng 1% lên 130 USD/megawatt/h và các hợp đồng tháng 1 tăng lên 133,6 USD/megawatt/h. Nhu cầu sưởi ấm khi mùa đông đến gần sẽ tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao và đã khiến các nước EU bắt đầu bơm khí đốt từ các kho dự trữ. Kho dự trữ ở Italy đã giảm từ 95,4% xuống 93,5% do nước này phải đối mặt với nhu cầu tăng cao vào tháng 11.

Trước đó, hôm 24/11, Ủy ban châu Âu đã áp đặt giới hạn mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông này. Giới chức cũng khuyến cáo các quốc gia nên lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ít nhất 45% trước ngày 1/2/2023. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình ở châu Âu vẫn còn nhiều thách thức vì nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng có thể làm cạn kiệt kho dự trữ và khiến thị trường bị gián đoạn nguồn cung. Trong bối cảnh đó, sự bất ổn xung quanh dòng khí đốt của Nga qua Ukraine là yếu tố sẽ thúc đẩy giá tăng cao hơn. Hôm 22/11, Gazprom cảnh báo tập đoàn năng lượng này có thể phải cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên tới Moldova trên đường ống khí đốt thông qua Ukraine từ ngày 28/11.  

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi