Thứ Ba, 16/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bộ Ngoại giao thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden

Bà Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo chiều 17/11. Ảnh: Quang Hòa.

Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong 27 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ, hai bên đã chứng kiến những bước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc duy trì tiếp xúc cấp cao theo các hình thức linh hoạt, trực tiếp cũng như trực tuyến. Việc tiếp xúc cũng như các hoạt động thăm viếng cấp cao giữa hai bên sẽ được Bộ Ngoại giao cung cấp vào thời điểm phù hợp. 

Trước đó, hôm 12/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo cho biết, hai bên sẽ phối hợp chuẩn bị tốt cho cuộc điện đàm sắp tới giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, và tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép.

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thú 25. Ảnh: VGP.

Liên quan tới việc lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan, bà Hằng nêu rõ: "Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25 vừa qua, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi nhiều biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới". 

Cũng tại hội nghị, hai bên cũng đã thông qua Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 20 năm DOC, trong đó tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với việc duy trí hòa bình, an ninh, ổn định ở biển Đông.

"Bên cạnh đó, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), thể hiện mong muốn của hai bên sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông", bà Hằng nhấn mạnh. 

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo“. Ảnh: Tư liệu Cục Di sản văn hoá.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về quá trình hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", Người Phát ngôn cho hay, thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan đề nghị can thiệp để ngừng việc bán đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo và chuyển giao quyền sở hữu cho phía Việt Nam. 

"Chúng tôi cũng đã trao đổi với nhà đấu giá Millon và tham vấn các tổ chức chuyên về di sản văn hóa nghệ thuật cũng như các cá nhân có liên quan để tìm hiểu thông tin, kịp thời thông báo cho các cơ quan liên quan trong nước, tạo cơ sở cho việc đàm phán", Người Phát ngôn chia sẻ. 

Theo bà Hằng, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các cơ quan liên quan thực hiện lộ trình thủ tục đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đảm bảo các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật Pháp. 


Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi