Thứ Năm, 25/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nước rút về đích phục vụ người dân, doanh nghiệp (kỳ cuối)

Chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt theo tinh thần Đề án 06

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, hiện Đề án 06 đang được Bộ Công an triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng tinh thần, những phần việc trong lộ trình đã đặt ra của đề án. Thậm chí, nhiều nhiệm vụ, phần việc đã được Bộ Công an và một số bộ, ngành, địa phương thực hiện vượt tiến độ so với yêu cầu về mốc thời gian. Đơn cử  như tỉnh Thái Nguyên đã số hóa 100% dữ liệu hộ tịch. Đặc biệt, những chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đối với việc thực hiện Đề án 06 và chuẩn bị cho bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy được người đứng đầu Chính phủ, Bộ Công an thực hiện quyết liệt, xuyên suốt.

Mới đây, ngày 11/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 121 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, trong đó giao Bộ Công an chủ trì với Bộ Tư pháp thống nhất lộ trình, giải pháp sửa đổi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 30/9. Tiếp đó, ngày 17/9, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 287 về kết luận của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 13/9/2022 về thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06. Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi nhiều nghị định có liên quan đến việc nộp sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 12/2022.

Nhiều bộ, ngành như y tế, bảo hiểm đã triển khai tích hợp khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip thay vì phải xuất trình các loại giấy tờ khác có liên quan như trước đây.

Trong các cuộc họp, phiên làm việc của tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đồng chí Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng như lãnh đạo Bộ Công an đều nhấn mạnh tới mốc thời gian 31/12/2022 bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy. Tất cả những bộ, ngành, đơn vị chức năng có thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đều phải nhanh chóng rà soát, triển khai nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Cư trú. Bám sát vào tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang tham mưu với Chính phủ ban hành Công điện về việc phối hợp thực hiện quy định của Luật Cư trú năm 2020 liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cư trú ban hành kèm theo Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip là giấy tờ pháp lý chứa thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Tại Khoản 1, Điều 3, Điều 18 và Điều 20 Luật CCCD năm 2014 quy định CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD; sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự…

Một trong những kiến nghị, đề xuất quan trọng, đó chính là sử dụng ứng dụng VNEID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Các thông tin CCCD, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNEID để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch của người dân; các doanh nghiệp, tổ chức kết nối trực tiếp với hệ thống định danh xác thực điện tử của Bộ Công an để sử dụng xác thực điện tử tài khoản định danh điện tử của người dân.

Phải thực hiện đúng dấu mốc “lịch sử”

Theo Bộ Công an, qua thống kê sơ bộ, hiện có khoảng hơn 150 thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện thực hiện thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực. Trước những “rừng” thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy trên, Bộ Công an kiến nghị và tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính có liên quan. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất triển khai sử dụng ngay các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD và định danh điện tử để thay thế sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, sử dụng thông tin về nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Với trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tập trung rà soát các nghị định, văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để cùng thống nhất, nghiên cứu sửa đổi. Hiện nay, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm, Bộ Công an cùng với các bộ, ngành nhất là những bộ, ngành có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 19 Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào vận hành thống nhất, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong cơ sở dữ liệu để thực hiện thủ tục hành chính. Việc kết nối, khai thác Cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, CCCD, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kết nối thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ  Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân; kết nối, xác thực với Tập đoàn Điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban Cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ Cơ yếu; kết nối với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ các giấy chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú theo quy định của các nghị định nêu trên trong khi thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gây lãng phí, phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Do vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định nêu trên theo quy định của Luật Cư trú là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công an cũng báo cáo dự kiến nguồn lực và điều kiện bảo đảm cho việc thi hành. Cụ thể, nguồn nhân lực thực hiện là đội ngũ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính, khi các nghị định nêu trên được sửa đổi sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, sử dụng thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cá nhân, tổ chức không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu kèm theo.

Hiện nay, Bộ Công an đã xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, trong đó có việc đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Công an tại 4 cấp hành chính (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) để thực hiện việc quản lý dân cư. Việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân sẽ tận dụng hạ tầng hiện có của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Do vậy, việc chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhân lực phục vụ việc triển khai thực hiện Nghị định là khả thi.

Cùng với việc tăng cường rà soát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy để sửa đổi, bổ sung, cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng hệ thống kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định. Các bộ, ngành, UBND phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng thông tin về cư trú của người dân thay cho yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và công tác chuyên môn. Bộ Công an đang triển khai quyết liệt tất cả những phần việc được giao cũng như hỗ trợ tối đa các bộ, ngành địa phương trong thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến Đề án 06 và thực hiện Luật Cư trú năm 2020. Sự đồng thuận, quyết tâm vào cuộc với ý thức chính trị cao, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo nên và truyền cảm hứng để các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng cũng như người dân thực hiện thành công Đề án 06 và dấu mốc “lịch sử” bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sau 31/12/2022.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi