Thứ Sáu, 9/6/2023
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những giọt mồ hôi nơi cửa ngõ Thủ đô

Đã vào thu nhưng Hà Nội vẫn nắng gắt cộng với cái hanh hao đặc trưng của mùa. Khi tôi đến các trạm kiểm soát y tế đầu cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Long Biên, mặc nắng gió và khói bụi, các lực lượng chức năng vẫn phơi ra giữa đường để hướng dẫn giao thông, phân luồng phương tiện và kiểm tra giấy thông hành, kiểm soát y tế... Tất cả đang căng mình vì nhiệm vụ bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bệnh lây lan, bùng phát giữa các vùng nguy cơ.

Từ ngày 6-9, Hà Nội bắt đầu bước sang giai đoạn chống dịch COVID-19 mới, với sự phân vùng để đảm bảo giãn cách xã hội tùy theo mức độ dịch bệnh. Bởi thế, công an Thủ đô cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung cao điểm trên các chốt ở vùng ranh giới “đỏ”, “vàng”, “xanh”...

Cần mẫn dưới nắng lửa

Trên các tuyến đường hướng vào nội đô, lượng phương tiện và người tham gia giao thông đã khá đông. Từ sáng sớm, theo quan sát của chúng tôi, dòng phương tiện các loại đổ vào nội đô tăng dần và đạt đỉnh điểm trước giờ làm việc hành chính của cơ quan, công sở. Thống kê ca sáng của trạm kiểm soát y tế đầu cầu Chương Dương thuộc quận Long Biên cho thấy, có khoảng 3 nghìn xe với hơn 5 nghìn người đã lưu thông qua trạm kiểm soát. Mặc dù việc kiểm soát rất mau chóng nhưng đoàn người, phương tiện vẫn kéo dài chờ đến lượt. 16 cán bộ thuộc đủ “binh chủng” hợp thành... đứng thành hàng cách nhau tầm chục mét để xét giấy đi đường của người tham gia giao thông. Với những trường hợp nghi vấn mắc bệnh, nhóm cán bộ y tế lập tức tiến hành đo thân nhiệt, hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế.

Trạm kiểm soát dịch bệnh tại cầu Vĩnh Tuy.

Đầu giờ chiều, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông lại tăng lên. Không để họ phân tâm bởi hoạt động báo chí tại hiện trường, chúng tôi nán lại cho đến khi đường vắng. Từ ngoài đường đi vào nơi có bóng râm để trò chuyện, Thiếu tá Đỗ Từ Thiện (cán bộ đội 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) bỏ mũ và kính chống giọt bắn, giơ ống tay áo quệt ngang trán để lau những giọt mồ hôi đang chảy ròng ròng. Mặt anh đỏ lựng, bộ quân phục ướt đầm đìa, nhớp nháp mồ hôi, dù các anh mới thay ca từ lúc 12 giờ trưa. Anh cho biết trạm kiểm soát này do Công an TP Hà Nội phụ trách. Một ngày chia 4 ca, mỗi ca làm việc 6 tiếng, ca sáng làm từ 6 giờ đến 12 giờ, ca trưa từ 12 đến 18 giờ, ca tối từ 18 giờ đến 24 giờ, ca đêm từ 24 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, đảm bảo bám chốt 24/24 giờ để kiểm soát giao thông trên các tuyến đường ra vào nội đô. Mỗi trạm kiểm soát đảm bảo đủ 16 cán bộ, nhân viên, gồm nhiều lực lượng tham gia như công an, quân đội, y tế, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương... Riêng công an cũng có nhiều lực lượng như cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, cảnh sát kinh tế...

Trong ca trực của Thiếu tá Thiện, quán triệt phương châm xử lý linh hoạt, nhắc nhở và yêu cầu chấp hành “quay đầu” là chính, nên chưa xử phạt trường hợp nào không đủ giấy tờ cần thiết để ra đường theo quy định. Tuy nhiên, trước đó, vào tối 4-9 tổ công tác này đã kiên quyết xử phạt 40 triệu đồng với một trường hợp điều khiển xe ô tô trong tình trạng đã uống rượu và không có giấy đi đường. Trong ngày 6-9, với những vi phạm như xe tải đăng ký “luồng xanh” được cấp QR code nhưng giấy xét nghiệm COVID-19 hết hạn, hoặc xe chạy không đúng tuyến như đăng ký trên mạng, hoặc người tham gia giao thông không có giấy đi đường theo quy định, không mang theo căn cước công dân... các anh yêu cầu không được tiếp tục di chuyển vào nội đô. Chỉ vài tiếng đầu giờ chiều mà tại trạm kiểm soát  này, 65 phương tiện đã phải trở về nơi xuất phát vì không đủ điều kiện. Với giấy đi đường theo mẫu cũ, hoặc giấy đi đường bản mềm lưu hình ảnh trong điện thoại, tổ công tác nhắc nhở và giải quyết cho đi.

Tại trạm kiểm soát Y27a đóng tại ngã ba Đàm Quang Trung - Phố Trạm (đầu cầu Vĩnh Tuy thuộc quận Long Biên), hoạt động kiểm soát cũng diễn ra nghiêm túc, khẩn trương. Thiếu tá Vương Đình Huỳnh (cán bộ Đội 4) đảm nhiệm vị trí “Trạm kiểm soát  trưởng”. Anh cho biết có tới hơn 90% người đi đường đều có giấy thông hành. Còn 10% còn lại là những người trình bày quên loại giấy quan trọng này hoặc chỉ có bản chụp giấy đi đường qua điện thoại, không có bản gốc. Nhiều người trình bày lý do trước đó chưa qua cơ quan để lấy được. Tổ công tác xử lý kiên quyết buộc “quay đầu” với những người không có giấy đi đường nhưng không xử phạt, vì việc này sẽ mất thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ lưu thông của các phương tiện trên đường. Phương châm làm việc của các anh là đảm bảo trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra ùn ứ kéo dài hay tai nạn mà vẫn đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch bệnh.