Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Dự kiến 8 nội dung sửa đổi quy định liên thông trình độ CĐ, ĐH

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH.

Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

Khoản 2 Điều 1 (về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng): "Quy định này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là trường); các tổ chức và cá nhân có liên quan”.

Khoản 1 Điều 4 (điều kiện tổ chức đào tạo liên thông): “1.Có quyết định giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo và đã có ít nhất 1 khóa tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức đào tạo chính quy đối với ngành dự kiến đào tạo liên thông ” .

Khoản 2 Điều 7 (điều kiện về văn bằng dự thi đào tạo liên thông): “ 2. Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT.”

Khoản 3 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“ 3. Đối với ngành, nghề đặc thù:

a) Những người có bằng tốt nghiệp Y sĩ hoặc Y sĩ đa khoa được đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng. Những người có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe được tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành: Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Kỹ thuật y học;

b) Đối với các ngành, nghề đặc thù khác khi tổ chức đào tạo liên thông, trường hoặc Bộ/Ngành quản lý có thể quy định thêm các điều kiện khác để đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng không thấp hơn các quy định tại Thông tư này và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận”.

Bổ sung khoản 4 Điều 7 như sau: “4. Những người đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông vào các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyển, Dược sĩ trình độ đại học phải có thời gian làm việc liên tục đúng ngành đào tạo ít nhất là 12 tháng tính từ khi ký hợp đồng lao động hoặc có quyết định tiếp nhận đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi không bao gồm thời gian thực hành nghề nghiệp để lấy chứng chỉ hành nghề và được đơn vị tuyển dụng cử đi học”.

Khoản 1 Điều 8 (chỉ tiêu tuyển sinh liên thông) được sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của trường; chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định theo chỉ tiêu của từng ngành đào tạo, không vượt quá 15% chỉ tiêu của ngành đối với các ngành về khoa học sức khỏe và không vượt quá 20 % chỉ tiêu của ngành đối với các ngành khác”.

Điều 9 (tuyển sinh) được sửa đổi như sau:

“ Điều 9. Tuyển sinh

Tuyển sinh liên thông có thể được thực hiện bằng các phương thức sau:

1. Thi tuyển:

a) Trường tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề và phải thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh của trường;

b) Trường xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh liên thông. Quy chế của trường không được trái với Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đối với liên thông chính quy và Quy chế tuyển sinh hệ vừa làm vừa học đối với liên thông vừa làm vừa học.

2. Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì:

a) Trường công bố tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành tương ứng;

b) Không được xét tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

3. Những trường hợp sau đây được xét tuyển thẳng vào học liên thông trình độ cao đẳng:

a) Người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên hoặc người có bằng trung cấp loại khá nhưng đã có ít nhất 2 năm làm việc theo ngành hoặc nghề đã được đào tạo, có trình độ văn hóa đáp ứng qui định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này được tuyển thẳng vào cùng ngành ở trình độ cao đẳng;

b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và đoạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, có trình độ văn hóa đáp ứng qui định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải.

4. Xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển: Việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học được thực hiện tương ứng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và vừa làm vừa học hiện hành."

8. Bổ sung khoản 3 Điều 12 (tổ chức đào tạo liên thông) như sau: “3. Không áp dụng đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược sĩ trình độ cao đẳng, đại học”.

Trích nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè