Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số điểm mới trong tuyển sinh vào các trường Quân đội năm 2015

Sáng 16/3, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo về công tác tuyển sinh quân sự năm 2015, theo đó năm nay sẽ có một số điểm mới đáng chú ý.

Theo Đại tá Vũ Xuân Tiến – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng cho biết, năm nay, dựa trên những thay đổi của Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nên công tác tuyển sinh của Bộ Quốc phòng sẽ có một số thay đổi tương ứng.

Các trường Quân đội không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các tổ hợp môn thi mới.

Các trường Quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng, dự Kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường đại học chủ trì, các môn thi phù hợp với các môn thi để xét tuyển vào các trường Quân đội mà thí sinh đăng ký.

Căn cứ vào tổng điểm của thí sinh và điểm ưu tiên, các trường xét tuyển theo đúng ngành đăng ký của thí sinh. Việc xét tuyển từ thí sinh có điểm cao nhất trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu. Trường hợp xét đến mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, thực hiện theo các tiêu chí phụ: Điểm môn thi chính; tổng điểm tổng kết 3 môn xét tuyển trong 5 kỳ học THPT; điểm tổng kết 3 môn xét tuyển học kỳ 1 năm lớp 12.

Các trường Quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào hệ đại học, cao đẳng quân sự những thí sinh đã qua sơ tuyển đủ tiêu chuẩn. Hồ sơ gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển, Bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1, một phong bì dán tem ghi địa chỉ liên lạc của thí sinh.

Nếu thí sinh không gửi đủ hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 về trường đã nộp hồ sơ sơ tuyển theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT thì sẽ mất quyền lợi xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã sơ tuyển.

Trường hợp thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường không nộp hồ sơ sơ tuyển thì không được xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường đó.

Đối với trường hợp thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự các

trường trong Quân đội.

Đối với xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Chỉ tuyển những thí sinh đã qua sơ tuyển vào các trường Quân đội, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng (chuẩn sức khỏe của các trường là khác nhau), không trúng tuyển nguyện vọng 1, đăng ký tuyển nguyện vọng bổ sung theo Quy chế của Bộ GD&ĐT.

Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.

Các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường, cứ 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi từ cao xuống tháp.

Quy định tỷ lệ tuyển sinh vào hai trường Học viện Biên phòng và Trường Sỹ quan Không quân như sau: Học viện Biên phòng tuyển 55% chỉ tiêu thí sinh có hộ khẩu thường trú ở phía Bắc (từ Quảng Bình trở ra), thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam được xác định đến từng quân khu: Quân khu 4 (tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế): 4%, Quân khu 5: 11%, Quân khu 7: 14%, Quân khu 9: 16%.

Với trường Sỹ quan Không quân điểm tuyển 85 chỉ tiêu đào tạo đại học, trong đó có 65 chỉ tiêu vào đào tạo Phi công quân sự và 20 chỉ tiêu đào tạo Sỹ quan Dù.

Phương thức xét tuyển theo 2 miền Bắc – Nam, từ thí sinh có điểm cao nhất đến đủ chỉ tiêu, tuyển đủ ngành Phi công quân sự, sau đó tuyển đến ngành Sỹ quan Dù.

Đối với hệ cao đẳng quân sự, năm 2015, chỉ có Trường Sỹ quan Không quân tuyển 90 chỉ tiêu vào đào tạo cao đẳng quân sự. Việc xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung vào đào tạo cao đẳng quân sự ngành Kỹ thuật Hàng không, thực hiện như tuyển sinh vào đạo tạo sỹ quan cáo phân đội trình độ đại học.

Thí sinh nam phải qua sơ tuyển (kể cả quân nhân tại ngũ, quân nhân xuất ngũ, công nhân viên quốc phòng, thanh niên ngoài Quân đội). Điểm chuẩn xác định theo 2 miền Nam – Bắc, lấy từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu.

Ngoài ra, Đại tá Vũ Xuân Tiến cho biết, thực tế trong những năm qua, một số trường hợp thí sinh dự thi vào các trường quân sự, khi sơ tuyển sức khỏe đạt và đến khi trúng tuyển, sau vòng khám sức khỏe thì kết quả lại không đạt, chủ yếu là bị bệnh tim, phổi.

Nếu khi thí sinh rơi vào trường hợp này thì nhà trường sẽ cấp ngay một giấy xét tuyển bổ sung để cho thí sinh nộp tại các trường ngoài quân sự. Trong trường hợp này Bộ Quốc phòng sẽ tạo điều kiện để thí sinh đó được học hệ dân sự trong các trường quân sự./.

Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè