Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhiều trường đại học sẽ lấy kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển

Ngày 15/10 là thời hạn Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chốt phương án tuyển sinh sau kỳ thi THPT quốc gia. Theo thông tin từ nhiều trường đại học, sau khi đã cân nhắc để không tránh xáo trộn cho thí sinh, nhiều trường về cơ bản đã chọn lấy kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển với tổ hợp môn thi giống như khối thi của các năm trước.

Có “ngưỡng” để sàng lọc đầu vào tham dự xét tuyển

Ngày 15/10, ĐH Ngoại thương cũng đã công bố đề án tuyển sinh năm 2015. Theo đó, trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (kết quả tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển và xét tuyển theo từng khối thi. Cụ thể: khối A: Toán, Lý, Hóa; khối A1: Toán, Lý, Tiếng Anh; khối D1: Văn, Toán, Tiếng Anh; khối D2: Văn, Toán, Tiếng Nga; khối D3: Văn, Toán, Tiếng Pháp; khối D4: Văn, Toán, Tiếng Trung và khối D6: Văn, Toán, Tiếng Nhật. Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở trên. Hạnh kiểm từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ loại khá trở lên. Tổng điểm 3 môn thi theo từng khối thi đạt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường (nhà trường sẽ thông báo sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu). Phương thức xét tuyển: Điểm trúng tuyển xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi. Điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2. Điểm trúng tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật và các ngành học tại Cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.

Thí sinh dự kỳ thi năm 2014 vào Học viện ANND. Ảnh: Thiện Hoàng.

Thông tin từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, dù vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng dự kiến sẽ phân thành ba nhóm ngành với tổ hợp môn thi rất khác nhau. Các tổ hợp môn thi này dựa trên nòng cốt của hai khối C, D trước đây. Ba nhóm ngành gồm: nhóm ngành báo chí, nhóm ngành lý luận chính trị (gồm các ngành triết học, xây dựng Đảng...), nhóm ngành quan hệ công chúng - ngôn ngữ - quảng cáo... Theo đó, điều kiện tuyển sinh với nhóm ngành báo chí gồm môn thi bắt buộc là Ngữ văn, rồi lựa chọn một trong số ba môn (Toán, Sử, Tiếng Anh) của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời thi môn năng khiếu báo chí. Với nhóm ngành lý luận chính trị, điều kiện xét tuyển gồm hai môn bắt buộc là Toán, Căn và thí sinh lựa chọn thêm một trong ba môn: Sử, Địa, Tiếng Anh. Với nhóm ngành quan hệ công chúng - quảng cáo - ngôn ngữ, thí sinh được xét tuyển dựa trên kết quả hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Tiếng Anh và lựa chọn thêm một trong ba môn: Toán, Sử, Địa (trong đó Tiếng Anh nhân hệ số 2).

Cho thí sinh đăng ký làm hai đợt để chống hồ sơ ảo

GS.TS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, vì là năm đầu, trường cũng muốn tạo điều kiện tối đa cho thí sinh nên sẽ lấy kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển theo 3 khối thi A, A1 và D1. ĐH Công nghiệp Hà Nội, một trường luôn có số lượng thí sinh dự thi rất lớn cũng chọn giải pháp an toàn là xét kết quả kỳ thi quốc gia. Tại ĐH Điện lực, Trưởng phòng Đào tạo Bùi Đức Hiền thông tin: Trường chưa chốt được phương án cuối cùng, nhưng dự kiến cũng sẽ lấy kết quả của kỳ thi quốc gia. ĐH Điện lực đang tính toán để xác định thêm một khối xét tuyển mới, gọi là khối A2, có thể gồm 3 môn Toán - Hóa - Anh. Để chống hồ sơ ảo, nhà trường sẽ cho thí sinh đăng ký trên website của trường. Đến cuối tháng 6 sẽ kết thúc đăng ký đợt I, gọi là nguyện vọng 1, sau đó sẽ cho đăng ký tiếp đợt II, gọi là nguyện vọng 2.

Ths. Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho hay, trường sẽ dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển, trong đó sẽ căn cứ điểm 3 môn khối D, ngoại ngữ sẽ nhân đôi. ĐH Thăng Long cũng hướng tới một phương án thi không xáo trộn: Cũng dựa vào kết quả của kỳ thi quốc gia, lấy tổ hợp môn theo khối thi và môn nào nhân đôi thì vẫn tiếp tục nhân đôi. Tuy nhiên, nhiều trường phía Bắc cho hay, họ vẫn đang lấy ý kiến tập thể để xác định tổ hợp môn xét tuyển nên đến giờ phương án cuối cùng vẫn chưa ngã ngũ.

Tại phía Nam, nhiều trường ĐH cũng đã chọn phương án được cho là “an toàn” trong thời điểm này: Lấy luôn kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng sẽ xét tuyển thí sinh dựa trên điểm thi từ kỳ thi chung của quốc gia. Riêng những thí sinh là học sinh các trường chuyên có kết quả học tập đạt từ 7 điểm trở lên sẽ được nhà trường đề xuất tuyển thẳng. Thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi SAT (mức độ cấp vừa của các ĐH Mỹ) cũng được tuyển thẳng. ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tuyển sinh dựa hoàn toàn trên kết quả thi tốt nghiệp của thí sinh. Đối với các ngành đầu vào là khối A thì ngoài 3 môn chính Toán - Văn - Anh văn, trường sẽ dựa trên môn thi còn lại của các em, cụ thể là sẽ chọn những thí sinh chọn thi môn Lý hoặc Hóa. Đối với khối B sẽ chọn thí sinh chọn môn Sinh học là môn thi thứ 4. Riêng với khối D thì sẽ sử dụng hoàn toàn kết quả từ 3 môn thi chính.

Các trường CAND sẽ không tổ chức cụm thi riêng

Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện ANND cho biết, sau nhiều lần họp bàn, Học viện quyết định sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển, các môn xét tuyển sẽ theo như các khối mà nhà trường vẫn tổ chức tuyển sinh, gồm 4 khối A, A1, C và D1. Tuy nhiên, do đặc thù của lực lượng Công an nên học sinh vẫn phải trải qua khâu sơ tuyển và phải đăng ký vào Học viện trước khi kỳ thi quốc gia được tổ chức (khối dân sự, sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia, các em mới đăng ký xét tuyển). Phương án này, theo Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát rất có lợi cho thí sinh, các em không bị xáo trộn nhiều vì nhà trường vẫn sử dụng các khối thi truyền thống. Các trường CAND trước mắt sẽ chưa tổ chức thi theo cụm riêng. Các nhà trường CAND khác dự kiến cũng sẽ chọn phương án tuyển sinh giống như Học viện ANND.

 

Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè