Chủ Nhật, 28/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn – Người đặt nền móng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CAND
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị Công an trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam

Cái tên Trần Quốc Hoàn đã gắn với bao thế hệ những người làm công tác công an, với tên những con đường, những trường học. Tại các thành phố lớn như  Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đều có con đường mang tên ông, điều đó làm lay động lòng người, tên ông và những công lao, cống hiến của ông được mọi người nhắc nhớ, biết ơn, ghi nhận!

Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23-1-1916 trong một gia đình dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; năm 1952, đồng chí giữ chức Giám đốc Nha Công an Việt Nam, tiếp đến là Thứ trưởng Thứ Bộ Công anTrong năm 1953, khi Thứ Bộ Công an được đổi tên thành Bộ Công an, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí giữ cương vị này đến năm 1981.Cũng trong năm 1953, trường đào tạo Công an đổi tên thành Trường Công an Trung ương thì đồng chí kiêm chức Hiệu trưởng nhà trường đến năm 1962. Đồng chí là vị lãnh đạo Bộ Công an lâu đời nhất, dìu dắt và xây dựng lực lượng CAND trải qua bao sóng gió của lịch sử, của hai thời kỳ đấu tranh chống Pháp – Mỹ đầy khốc liệt và công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đầu sau hòa bình lặp lại. Tấm gương về tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng của đồng chí đã để lại cho tất cả chúng ta một tình cảm tốt đẹp và tình yêu vô hạn.

 Ngay sau khi được Đảng cử sang phụ trách ngành CA năm 1952, đồng chí đã chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm công tác công an từ khi thành lập và rút ra 7 kết luận quan trọng của công tác công an, trong 7 kết luận đó đồng chí đặc biệt nhấn mạnh công tác điều tra nghiên cứu và trinh sát để hiểu biết âm mưu địch, định đối sách cho đúng, bố trí và chỉ đạo mọi lực lượng để tiêu diệt địch và bảo vệ mình. Những kết luận này được thống nhất trong hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7( tháng 8-1952) được Ban bí thư TW duyệt, trở thành phương hướng chỉ đạo nghiệp vụ Công an từ đó về sau.

Thành công nổi bật nhất của đồng chí Trần Quốc Hoàn về chiến lược cán bộ Công an nhân dân là đồng chí đã dự báo tình hình trước 10, 20… năm tới, và quyết định mở các khóa đào tạo sĩ quan Công an cấp Đại học. Đồng chí báo cáo và được Chính phủ ra Quyết định số 111(1964) nâng cấp trường Công an TW thành trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Công an và được nhập vào hệ Đại học, Trung học chuyên nghiệp của quốc gia. Năm 1969, đồng chí quyết định mở khóa đào tạo Đại học Công an đầu tiên( Đ1), mỗi khóa tuyển 500 sinh viên. Từ đó, các khóa Đại học và Trung học liên tục được mở ra. Đến nay, sau 46 năm đã có đội ngũ cán bộ tốt nghiệp Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát và các trường cao đẳng, trung cấp hùng hậu, có mặt và giữ gìn sự bình yên cho mọi miền đất nước. Điều đó khẳng định sự đúng đắn và thành công của chiến lược cán bộ CAND mà cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người đặt nền móng xây dựng và có ý nghĩa quyết định.

Những năm 60, 70 của Thế kỷ XX, hệ thống trường CAND phát triển, đối tượng đào tạo được mở rộng, nhiều chuyên khoa được hình thành và không ngừng phát triển, các hệ học, cấp học được xây dựng, từng bước hoàn chỉnh. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đặt nền móng, xây dựng nội dung lý luận cơ bản giáo trình nghiệp vụ về quan điểm, phương châm, nguyên tắc, biện pháp, đối sách, chiến thuật, kỹ thuật đấu tranh chống tội phạm trên lĩnh vực bảo vệ An ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đến nay, các Học viện, trường CA vẫn tiếp tục phát huy những quan điểm, tư tưởng đó và phát triển với tầm cao hơn trong tình hình mới.

Cũng chính đồng chí là người đã đặt nền móng cho sự phát triển hợp tác quốc tế ngày càng có hiệu quả giữa công an Việt Nam với Công an và Cảnh sát các nước. Với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Bộ trưởng đã xây dựng các cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật như đài phát thanh, đài phát tín; Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Trung tâm máy tính điện tử - một trong ba trung tâm đầu tiên của miền Bắc thời kỳ chống Mỹ để phục vụ công tác Công an. Bên cạnh đó, đồng chí còn bố trí mời chuyên gia các nước sang trao đổi với cán bộ ta, và rất nhiều cán bộ đã được đồng chí lựa chọn đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh, cảnh sát, kỹ thuật hình sự, phòng cháy chữa cháy… tại Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc và một số nước khác. Sau này, những thế hệ cán bộ ấy trở thành những cán bộ nòng cốt trong các lĩnh vực đó.

 Công lao to lớn không thể không kể đến của đồng chí là đã dành tâm huyết tìm hiểu, xây dựng và phát triển các cơ sở khoa học kỹ thuật phục vụ đánh địch trên trận tuyến thầm lặng và quản lý các đối tượng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhiều cơ sở kỹ thuật của lực lượng CAND do đồng chí khởi xướng và chỉ đạo xây dựng tới nay vẫn phát huy tác dụng. Ngay từ những năm 1960, khi mà ở Việt Nam những người hiểu biết về máy tính điện tử rất ít thì đồng chí đã đặt vấn đề nghiên cứu việc sử dụng máy tính điện tử vào công tác Công an, thành lập Cục Xử lý thông tin điện tử giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo mọi mặt và thu được nhiều kết quả trong công tác, góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng lực lượng, công tác nghiệp vụ của ngành, cải tiến cách làm việc để chuẩn hóa hơn, thống nhất theo quy trình chặt chẽ, hợp lý.

Nhìn lại quá trình lịch sử 28 năm làm Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ Công an vừa chỉ đạo chiến đấu, vừa chỉ đạo xây dựng lý luận CAND, nhờ đó, lý luận CAND từ chỗ sơ khai đã tiến đến hoàn chỉnh một bước quan trọng. Các tập giáo trình khoa học công an được biên tập đầy đủ, in ấn đẹp đẽ đang dùng trong các trường Đại học và Trung học công an ngày nay đã nói lên thành quả to lớn trong việc xây dựng và phát triển hệ thống lý luận khoa học Công an nhân dân của nước ta.

 Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chính là một tấm gương sáng về người công an cách mạng, một chiến sỹ cách mạng trung kiên, một người cộng sản Việt Nam đáng kính, một Bộ trưởng suốt đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp an ninh Tổ quốc.

Tin bài: Mai Hương (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi