Vụ việc gian lận văn bằng 2 tiếng Anh tại Trường Đại học (ĐH) Đông Đô đã và vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận khi nhiều người đã sử dụng bằng giả này để đi học tiến sĩ, hoàn thiện hồ sơ cán bộ. Tuy nhiên đến thời điểm này, danh tính của những người mua bằng giả vẫn chưa được công khai.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, mặc dù “không học, không thi” nhưng tại Trường ĐH Đông Đô đã có 193 người được cấp bằng và trong số này, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.
Còn theo thống kê từ hơn 20 trường ĐH cho thấy, có khoảng vài chục trường hợp sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô. Trong số này, có nhiều trường ĐH “có thương hiệu” như ĐHQG Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Huế…
|
Sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh tại Trường ĐH Đông Đô đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Ảnh minh họa |
Tuy vậy, việc xử lý các trường hợp sử dụng văn bằng giả tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn còn lúng túng do các trường vẫn đang chờ “hướng dẫn” từ các cơ quan có thẩm quyền, mặc dù Bộ GD&ĐT luôn khẳng định quan điểm kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này tại Trường ĐH Đông Đô; đồng thời giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường ĐH Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, danh sách những người sử dụng bằng giả vẫn chưa được công khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các vụ việc sử dụng văn bằng giả của các cá nhân trong thời gian qua, sau khi bị phát hiện đều được các đơn vị công khai và xử lý nghiêm. Do vậy, danh sách các cá nhân sử dụng bằng giả tại Trường ĐH Đông Đô cũng cần được sớm công khai và có phương án xử lý nghiêm mới đảm bảo công bằng.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nêu quan điểm: “Công bằng mà nói, trong câu chuyện này, người học đã chủ động bỏ tiền ra để mua bằng thật. Điều này cho thấy, những cá nhân này không phải là nạn nhân, mà họ chính là đồng phạm. Dù có biện minh bằng bất kỳ lý do gì thì đây cũng là những hành vi đáng xấu hổ, không thể chấp nhận được, nhất là với những người mang danh trí thức đứng trên bục giảng. Cần xử lý nghiêm trên tinh thần không bao che và xem xét việc công khai danh tính để làm gương cho những người khác, tránh tạo tiền lệ xấu”.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, xã hội chúng ta đang đề cao công khai, minh bạch nên không có lý do gì để giấu giếm danh tính người mua bằng giả. Việc công khai danh tính những người mua bằng giả trên thực tế cũng giống như công khai danh sách những người mua điểm cho con để vào đại học.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cho rằng, công khai danh tính những người mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô là việc nên làm, song việc công khai đến mức độ nào cần phải tính toán để đảm bảo “thấu tình đạt lý”.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trước hết Bộ GD&ĐT phải yêu cầu Ban giám hiệu Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi các học viên đã được cấp bằng giả yêu cầu thu hồi lại văn bằng đã cấp sai quy định. Sau đó, thông báo chính thức bằng văn bản đến các cơ quan mà các cá nhân này đang công tác. Sau khi nhận được danh sách, các cơ quan này buộc phải xử lý các cá nhân sử dụng bằng giả tùy theo từng trường hợp cụ thể, công khai danh tính các cá nhân mua bằng đến toàn thể cán bộ, nhân viên để minh bạch thông tin và tăng sự răn đe đối với những người khác.
“Việc công bố công khai danh tính chỉ nên thực hiện trong cơ quan, không nên công khai rộng rãi trên báo chí. Điều này một mặt vừa đảm bảo tính nghiêm minh nhưng đồng thời cũng không đẩy người ta vào đường cùng. Đây có thể gọi là công khai một nửa, đúng mức và vừa phải”- Thiếu tướng Lê Văn Cương cho hay.
Nguồn: Báo CAND