Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công tác truyền thông của lực lượng CSND cần chủ động, kịp thời để định hướng dư luận

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Đại tá GS.TS Trần Minh Hưởng, Phó Giám đốc Học viện CSND khẳng định đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông trong lực lượng CSND là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.

Thời gian qua, công tác truyền thông trong CAND đã được đầu tư, quan tâm đúng mức và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.


Hội thảo khoa học “Công tác truyền thông của lực lượng CSND” tại Hà Nội.

Tuy nhiên, những biến đổi mau lẹ của thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ dẫn tới sự bùng nổ về thông tin, truyền thông với những luồng thông tin tích cực – tiêu cực, đúng – sai, chân chật – giả mạo xen lẫn, đặc biệt là các luồng thông tin tiêu cực tác động tới an ninh trật tự của các thế lực thù địch, tội phạm, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, tội phạm phi truyền thống… đòi hỏi cần thiết phải có các giải pháp hữu hiệu công tác truyền thông trong CAND nói chung, trong CSND nói riêng.

Cũng theo Đại tá Trần Minh Hưởng thì hiện nay trên thế giới có  khoảng 600 báo, 400 đài phát thanh, trên 300 kênh truyền hình tiếng Việt có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc về công tác lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các cán bộ cao cấp. Rất nhiều trang mạng xã hội đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt rất khó có thể xử lý vì máy chủ đặt ở nước ngoài.

Trong khi đó, thông tin phản ánh về người tốt việc tốt chưa kịp thời; nhiều thông tin về công tác điều tra của truyền thông CAND chậm hơn các mạng xã hội và nhiều nguồn thông tin không chính thức còn cài đặt, lồng ghép những thông tin xấu lẫn thông tin thật làm dư luận xã hội hiểu sai về lực lượng CSND.

Trao đổi về công tác truyền thông của lực lượng CSND, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Huy Thuật, nguyên Phó Giám đốc Học viện CSND cho rằng việc nghiên cứu một cách cơ bản, xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động truyền thông của lực lượng CSND hiện  nay còn thiếu đồng bộ. Nhận thức về công tác này cũng chưa đầy đủ. Trong nhiều sự cố về an ninh trật tự, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong điều tra hình sự, công tác truyền thông chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả.  Để đáp ứng yêu cầu công tác, người làm truyền thông phải chuyên nghiệp về báo chí.

Khi  xảy ra các sự cố, Bộ Công an cần có sự chỉ đạo cụ thể, kể cả với các phương tiện thông tin đại chúng trong lực lượng và ngoài lực lượng. Ở mỗi vụ việc cụ thể, để thông tin định hướng tốt cho xã hội thì phải giao quyền chủ động cho cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra.

Nếu các thông tin cung cấp cho báo chí được chuẩn hóa, xác thực, có nguồn gốc tin cậy trong phạm vi vụ án mà có ý nghĩa trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để cho người dân rơi vào tình trạng tương tự xảy ra thì cũng nên mở rộng, giao quyền có điều tra viên, cơ quan điều tra mà không chỉ giới hạn trong cơ quan truyền thông.

Chưa kể, các thông tin trên báo chí cũng là nguồn tin quan trọng. Khi có thông tin trên các phương tiện thông đại chúng thì cần tiến hành điều tra dựa trên địa bàn, lãnh thổ, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan điều tra. Trong giao ban thường kỳ của cơ quan Cảnh sát điều tra nên có nội dung này.

Trao đổi về kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, trong tham luận gửi về cho Ban tổ chức, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân đã chia sẻ nhiều phương pháp truyền thông sinh động về công tác phòng, chống tội phạm: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục và duy trì đều đặn tin, bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên đưa tin, cập nhật kịp thời  các văn bản quy định pháp luật mới được ban hành, mở diễn đàn, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lớn nhằm lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân tham gia vào việc xây dựng pháp luật cũng như tuyên truyền tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật quan trọng.

Trên báo hằng ngày và các chuyên đề như An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu thường xuyên có các bài viết mang tính phát hiện, góp ý xây dựng những vẫn đề khó khăn, bất cập, vướng mắc trong việc điều tra, giải quyết các vụ án, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.

Các bài viết về các vấn đề an ninh trật tự luôn lồng ghép tuyên truyền kiến thức phòng, chống tội phạm. Báo CAND luôn chú trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, cách làm hay, mô hình hiệu quả của lực lượng CAND, các cơ quan chức năng, quần chúng nhân dân đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Mảng đề tài tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại an ninh quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả, được Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND đánh giá cao…

Thời gian tới, Báo CAND sẽ tiếp tục đổi mới chuyên mục, tăng cường tính hấp dẫn, đa dạng đối với các tin bài liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, mở rộng mạng lưới cộng tác viên viết tin, bài, đẩy mạnh các hoạt động tổ chức tọa đàm, giao lưu trực tuyến trên báo điện tử CAND…

Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm khác cũng được các đại biểu chia sẻ như thường tổ chức bản tin về an ninh trật tự trên truyền hình địa phương, phối hợp tuyên truyền giữa Công an địa phương với cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài lực lượng CAND để đăng các tin bài về kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND

Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi