Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Điểm chuẩn nhiều trường dự kiến giảm nhẹ

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội để trúng tuyển của thí sinh là rất lớn. Tuy vậy, hiện đang có rất nhiều thí sinh lúng túng không biết phải đăng ký như thế nào để có thể tận dụng tối đa cơ hội mà mình có, tránh rơi tình trạng “chấp chới” ở cả 4 nguyện vọng trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD & ĐT cho biết: Lời khuyên cho thí sinh thời điểm này là các em hãy liệt kê những ngành, trường mình thích, theo thứ tự ưu tiên; liệt kê điểm chuẩn một hai năm trở lại đây để tham khảo, sau đó xem xét theo nguyên tắc:

Đầu tiên là cái thích nhất, dù ngành này năm trước có điểm chuẩn cao hơn quỹ điểm của thí sinh năm nay khoảng 0,5 điểm. Chọn như vậy thì xác suất trượt sẽ có, nhưng ở mức thấp. Đến ngành yêu thích thứ hai có điểm chuẩn năm ngoái ngang bằng mức điểm của mình, thì cơ hội trúng tuyển khá lớn. Ngành thứ ba có điểm chuẩn năm 2015 thấp hơn mức điểm mình sở hữu thì cơ hội trúng tuyển là lớn nhất.

Theo như các trường dự kiến thì điểm chuẩn năm nay không biến động nhiều. Nhưng thí sinh cố gắng tính toán kỹ, những ngành không thích thì không nên đăng ký. Khi chọn có ngành cao hơn, có ngành bằng và có ngành thấp hơn mức điểm mà thí sinh sở hữu thì sẽ có cơ hội trúng tuyển, không rơi vào nguy hiểm.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, sai lầm lớn nhất của thí sinh khi chọn ngành, chọn trường là chọn những trường không thích, sau khi trúng tuyển lại cân nhắc có nên đi học hay không. Rất đông thí sinh rơi vào tâm lý này. Thứ hai, thí sinh không biết tận dụng cả 4 cơ hội trong đợt I, chọn cảm tính, không có tiêu chí cụ thể nên đã có thí sinh “chấp chới” trượt cả bốn nguyện vọng.

TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, một trong những chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm về tư vấn tuyển sinh cũng cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng mà thí sinh cần cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường là điểm chuẩn năm trước của trường hoặc của ngành đó.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý cả điểm chuẩn của từng ngành vì trong cùng một trường, điểm chuẩn của các ngành khác nhau cũng có sự phân hóa rất mạnh. Một điểm mới khác mà các thí sinh nên lưu ý là năm nay, các trường CĐ không bị khống chế điểm sàn, chỉ đỗ tốt nghiệp là có thể đủ điều kiện xét tuyển vào các trường CĐ.

Vì thế, nếu thí sinh thích một ngành học nào đó mà nhiều khả năng khó trúng tuyển vào hệ ĐH thì có thể đăng ký vào hệ CĐ của chính trường đó vì khoảng cách điểm chuẩn giữa hệ ĐH và CĐ là rất lớn. Tuyệt đối đừng vì điểm không cao mà đăng ký bừa vào ngành mình không thích nhưng có khả năng đỗ cao rồi sau đó lại chán nản, bỏ học giữa chừng.

Nhận định về điểm chuẩn vào các trường ĐH, CĐ năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Năm nay đề thi phân hóa rất tốt, đặc biệt ở dải điểm cao, bằng chứng là số thí sinh đạt điểm tuyệt đối ít đi khá nhiều so với những năm trước. Vì vậy mà sẽ không có tình trạng thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH như đã từng xảy ra. 

Tuy nhiên, theo phổ điểm thì số thí sinh đạt điểm cao vẫn rất cao, do đó điểm chuẩn ở những trường tốp cao sẽ không có xê dịch lớn. Căn cứ vào các dữ liệu hiện có thì khả năng điểm chuẩn vào các trường sẽ không có nhiều thay đổi so với năm ngoái.

Phân tích cụ thể hơn về điểm chuẩn dự kiến vào trường năm 2016, PGS.TS Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Hà Nội cho biết: Năm 2016, điểm chuẩn dự kiến vào ĐH Y Hà Nội có thể bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. 

“Năm 2015, điểm chuẩn ngành Bác sỹ đa khoa là 27,75 điểm, các ngành đào tạo cử nhân, điểm chuẩn năm 2015 là khoảng từ 23 đến 24,25 điểm. Do vậy, năm nay, các thí sinh có mức điểm tương đương với điểm chuẩn năm ngoái hoàn toàn có thể đăng ký vào ĐH Y Hà Nội. 

Riêng các thí sinh 27 điểm, có nguyện vọng vào Bác sỹ đa khoa có thể đăng ký vào Phân hiệu của ĐH Y Hà Nội ở Thanh Hóa để tăng cơ hội trúng tuyển vì đây là năm đầu tiên ĐH Y Hà Nội tuyển 100 chỉ tiêu đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa”-bà Yến chia sẻ.

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cũng dự báo, điểm chuẩn vào hầu hết các ngành của trường trong năm 2016 sẽ tương đương hoặc thấp hơn một chút so với năm 2015. 

Tương tự, điểm chuẩn dự kiến vào một số trường ĐH khác như ĐH Dược, Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Thương mại, Học viện Bưu chính viễn thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao... cũng được các chuyên gia dự báo sẽ tương đối ổn định, nếu có biến động thì cũng không đáng kể và theo chiều hướng thấp hơn so với năm 2015.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi