Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những kỳ vọng với tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) mong muốn tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm và có giải pháp phù hợp với ba vấn đề lớn đang tồn tại khiến cá nhân ông và rất nhiều người tâm huyết đối với giáo dục nước nhà trăn trở từ nhiều năm nay. Thứ nhất là hạn chế căn bệnh hình thức, bệnh thành tích vốn đang hết sức nặng nề và có chiều hướng càng ngày càng trầm trọng thêm.

Vấn đề nổi cộm thứ hai cần quan tâm và là việc đổi mới giáo dục cần phải giải quyết được đồng thời hai vấn đề, đó là vừa phù hợp với hoàn cảnh, truyền thống Việt Nam vừa có thể bắt kịp sự tiến bộ của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; tránh tình trạng áp dụng một mô hình giáo dục của nước khác một cách  máy móc.

Vấn đề thứ ba là cần phải nâng cao chất lượng của các cán bộ quản lí giáo dục, kể từ cấp cao nhất. Lịch sử phát triển của nền giáo dục Việt Nam đã chứng minh những thành tựu tốt đẹp của ngành Giáo dục ở các thời kì của các cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu… đều mang dấu ấn sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất. Từ đó mà bộ phận nằm trong cơ quan Bộ đều làm việc hết mình vì sự nghiệp chung.

Đề xuất về những việc quan trọng và cụ thể mà tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần quan tâm, giải quyết trong nhiệm kỳ mới của mình, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng: Việc đầu tiên Bộ trưởng cần làm là quan tâm tới hệ thống giáo dục quốc dân vì trước đó đã bàn bạc từ lâu theo hướng cần xác định rõ hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non tới đại học, sau đại học thì nên tổ chức như thế nào.

Do cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là nền móng quan trọng nhất nên Bộ GD&ĐT cũng cần phải có sự quản lý thống nhất, cần phân luồng học sinh ngay sau bậc THCS, trong đó chú trọng vào việc phân luồng học nghề hiện đang bị “tắc” nhằm hạn chế tình trạng bất cân xứng trong cơ cấu giáo dục, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng tiệm cận với quốc tế để giải quyết tốt bài toán nhân lực trong giai đoạn hội nhập sâu rộng cũng là một vấn đề mà tân Bộ trưởng cần lưu ý. Ngoài ra, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng mong muốn tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chú trọng hơn nữa đến việc đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình sách giáo khoa mới theo hướng tiệm cận với quốc tế, chú trọng kỹ năng hơn kiến thức, đổi mới tích cực cả cách dạy lẫn cách học.

Đặc biệt, việc thi tốt nghiệp THPT nên trả lại cho địa phương, vì họ là những nơi trực tiếp đào tạo học sinh trong suốt 12 năm. Còn thi đại học, cao đẳng là chuyện của các trường, cần giao quyền tự chủ cho trường đại học và tăng thêm quyền tự chủ cho các trường đại học.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi