Thứ Bảy, 28/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bí thư cấp ủy - Tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” khốc liệt với dịch Covid-19 : Bí thư mà “lơ mơ” thì làm sao chỉ huy được

Được Đảng, Nhà nước giao trọng trách “trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương”, Bí thư cấp ủy chính là tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19 ở các cấp độ, từ Trung ương tới xã, phường, tổ dân phố… Phóng viên An ninh Thủ đô đã tới các tâm dịch “nóng” nhất ở Thủ đô Hà Nội như ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); phường Văn Miếu (quận Đống Đa)… để tìm hiểu xem những vị tư lệnh này đã chỉ huy ra sao trong các “trận đánh” Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

“Làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Tốc độ lây lan khủng khiếp với chu kỳ chỉ khoảng 2 ngày của biến thể Delta khiến dịch bệnh loang nhanh ra khắp cả nước. Sau khi tấn công vào nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc, Covid-19 tiếp tục xâm nhập các tỉnh miền Trung và đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với sức tàn phá khủng khiếp. Dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, kéo dài tới nay đã gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân cả nước.

4 đợt giãn cách xã hội không thể nào quên

Tại Hà Nội, chỉ 2 ngày sau khi trường hợp dương tính đầu tiên của đợt dịch thứ tư trên cả nước được ghi nhận tại Yên Bái, ca bệnh đầu tiên tại Thủ đô được công bố vào ngày 29-4-2021. Dần dần, toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều xuất hiện ca dương tính. Thanh Xuân là địa bàn có số ca bệnh nhiều nhất (745) và Ba Vì ít nhất (8). Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai, Đông Anh, Hai Bà Trưng… là các quận, huyện ghi nhận nhiều ca Covid-19.

Từ ngày 29-4 đến trưa 4-10-2021, Hà Nội ghi nhận 4.279 trường hợp dương tính, kéo theo hàng trăm nghìn trường hợp F1, F2. Con số này có thể “không thấm vào đâu” so với các tâm dịch lớn nhất cả nước như TP.HCM hay Bình Dương, nhưng so với chính Hà Nội trong các đợt dịch trước, đây là con số khổng lồ. Thêm nữa, tại Thủ đô Hà Nội - với vai trò trung tâm đầu não đặc biệt quan trọng, nơi tập trung nguồn lực, trái tim của cả nước, con số này đủ cho thấy sự căng thẳng, diễn biến phức tạp cũng như mức độ khẩn nguy nếu không nhanh chóng kiểm soát được bệnh dịch.

Chỉ ít ngày sau khi tái xuất, virus SARS-CoV-2 đã “tấn công” trực diện vào những thành trì quan trọng của ngành Y tế tại Hà Nội. Hàng loạt bệnh viện lớn tại Thủ đô phải phong tỏa do phát hiện ca bệnh. Chiều 5-5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh) phải cách ly y tế sau khi ghi nhận 14 ca Covid-19 đầu tiên. Tiếp đó, Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây) cũng bị phong tỏa từ ngày 6-5. Sau đó 1 ngày, tới lượt Bệnh viện K Trung ương bị phong tỏa; Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cơ sở Nghĩa Dũng phải dừng tiếp nhận bệnh nhân…

Cấp ủy địa phương với người đứng đầu là Bí thư được xem là hạt nhân quan trọng nhất trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở. Yêu cầu khẩn cấp trong phòng, chống dịch buộc họ phải thực sự ra sức vì dân, vì nước, dồn toàn bộ thời gian, trí tuệ, sức lực vào “cuộc chiến” với “kẻ thù vô hình” SARS-CoV-2. Nếu họ không thể hiện được năng lực, vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí lại lơ mơ, làm việc qua loa, đại khái, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Từ ngày 27-4 đến 23-7-2021 (88 ngày), thành phố ghi nhận 917 ca mắc, trung bình 10,4 ca/ngày. Từ giữa tháng 7-2021, số ca mắc tăng mạnh, xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư... Do đó, ngày 23-7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố; triển khai từ 6h ngày 24-7-2021. Ít ai lúc đó nghĩ rằng, Hà Nội sẽ phải trải qua 4 đợt giãn cách khắc nghiệt liên tiếp kéo dài gần 2 tháng…

Bằng nỗ lực cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, tình hình dịch bệnh ở Thủ đô dần được kiểm soát song cũng phải tới đợt giãn cách thứ tư, số ca mắc trung bình/ngày mới giảm mạnh (31 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại lần giãn cách thứ nhất). Số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (từ 49,15% xuống 10,6%); số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng… Tất cả các chùm ca bệnh đều được xử lý nhanh, gọn, thu hẹp dần phạm vi phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, không để lan rộng. Thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao.

Có được thành công này là nhờ nhân dân tuyệt đối tin tưởng các chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhân dân cũng đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố rất quan tâm công tác an sinh xã hội; chỉ đạo chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Việc thiết lập các đường dây nóng đã giúp người dân kịp thời phản ánh và đề nghị được hỗ trợ trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội…

Tới thời điểm này, Hà Nội tiếp tục xuất hiện ca bệnh không rõ nguồn lây. “Bóng ma” Covid-19 vẫn lẩn khuất trong cộng đồng, chờ cơ hội bùng phát trở lại. Vì thế, Hà Nội thực tế vẫn đang trong trạng thái cảnh giác cao độ, không hề buông lỏng. Covid-19 chưa cho phép thành phố được nghỉ ngơi…

Nguồn: Báo ANTĐ

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi