Thứ Hai, 29/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên tại Trường Cao đẳng CSND I

Kiểm tra, đánh giá có tác động, ảnh hưởng đến tất cả các khâu của quá trình đào tạo, làm chuyển biến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo, giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, học viên tích cực học tập hơn. Kiểm tra, đánh giá còn giúp cơ quan giáo dục, các nhà quản lý có những thông tin cả về định tính và định lượng đối với kết quả đào tạo.

  

Đ/c Thượng tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng nhà trường dự Hội nghị giao ban công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo trong CAND năm học 2021 – 2022.

Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo là đơn vị chuyên trách thực hiện công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, chủ trì thực hiện việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên. Trong thời gian qua, đơn vị luôn tích cực tham mưu, đề xuất việc triển khai thi, kiểm tra đánh giá bằng nhiều hình thức đa dạng, đổi mới, phù hợp với đối tượng và chương trình đào tạo. Đặc biệt năm học 2021 2022, phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo phối hợp với các Khoa cùng xây dựng, đề xuất nhà trường nghiệm thu, ban hành và đưa vào sử dụng 18 ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án theo thang Rubric. Quá trình đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên tạo không khí học tập sôi nổi, phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực hành động, khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế của học viên sau khi ra trường, giúp cho học viên tham gia tích cực vào quá trình tự kiểm tra, đánh giá đồng thời góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Để đạt được những kết quả đó là do có các thuận lợi cơ bản sau:

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo trong việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên nhằm hướng tới mục tiêu đào tạo.

- Lãnh đạo và cán bộ Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi để từng bước tham mưu đổi mới, áp dụng đa dạng, phong phú các hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên.

- Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo và các đơn vị chức năng, các Khoa đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu đổi mới hình thức thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi…. Nhờ đó, hoạt động đổi mới hình thức thi đã được thực hiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá.

- Hằng năm, phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo đều cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu do Cục Đào tạo tổ chức, đồng thời mời các chuyên gia về tập huấn tại trường, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các trường trong và ngoài ngành Công an để không ngừng trau dồi, nâng cao kiến thức công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có hoạt động đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá.

- Công tác thanh tra hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì được thực hiện định kì, nghiêm túc qua đó góp phần đưa công tác kiểm tra, đánh giá vào nền nếp, thống nhất và không ngừng đổi mới, có hiệu quả.

Tuy nhiên hoạt động đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên vẫn tồn tại một số hạn chế như: các hình thức thi vẫn chưa thực sự đa dạng, các môn thi vẫn chủ yếu áp dụng hình thức thi tự luận và vấn đáp; hình thức thi thực hành chủ yếu được áp dụng ở các môn học mang tính đặc thù; nội dung thi chưa chú trọng đến việc khuyến khích học viên vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào những tình huống thực tế. Nguyên nhân hạn chế trên là do:

 

Hội nghị giao ban công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo trong CAND năm học 2021 – 2022.

Một là, hoạt động đổi mới hình thức thi vẫn đang trong quá trình thực hiện, việc phối hợp với các Khoa vẫn chưa thực sự nhịp nhàng, vẫn có đơn vị chưa đổi mới các hình thức thi một cách triệt để. Học viên chưa chủ động tiếp cận với hình thức thi, kiểm tra đánh giá mới.

Hai là, việc lựa chọn hình thức thi của một số Khoa vẫn chưa hợp lý, chưa thực sự phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của môn học, chưa tập trung đánh giá kỹ năng, tay nghề của học viên.

Ba là, việc xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi thi phục vụ cho hoạt động đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá còn nhiều hạn chế. Các Khoa chưa thể áp dụng đổi mới một cách toàn diện, do ngân hàng câu hỏi thi còn chưa đảm bảo về số lượng câu hỏi, tiêu chuẩn của ngân hàng câu hỏi thi; việc xây dựng các tiêu chí đánh giá chưa thực sự khoa học và chính xác…

Bốn là, các điều kiện đảm bảo công tác thi, kiểm tra đánh giá về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, chất lượng sân bãi, hệ thống phòng học thực hành, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học còn hạn chế do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hình thức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là hình thức thi thực hành.

Năm là, khó khăn trong việc thực hiện chế độ thanh toán các hoạt động, biên soạn ngân hàng câu hỏi thi, chấm thi; dẫn tới chưa khuyến khích được các đơn vị tích cực đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá của các đơn vị.

Xuất phát từ vị trí, vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện hoạt động đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên, phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo có một số kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá, cụ thể như sau:

Một là, các đơn vị có liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cán bộ, giáo viên và học viên hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên; đồng thời phối hợp tốt với phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo trong quá trình thực hiện. Đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá đi đôi với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, chương trình môn học và việc tổ chức dạy học

Hai là, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, kết hợp có hiệu quả các hình thức khác nhau để có thể đánh giá khách quan, toàn diện quá trình học tập của học viên. Đổi mới kiểm tra đánh giá phải trên cơ sở bám sát mục tiêu đào tạo của Ngành, của từng trình độ đào tạo, từng môn học, chương, bài cụ thể. Đề thi, kiểm tra phải đo và đánh giá được mục tiêu cụ thể của từng học phần, môn học. Nội dung thi, kiểm tra phải chú trọng cả kiến thức, kỹ năng, thái độ… của học viên.

Ba là, làm tốt công tác biên soạn ngân hàng câu hỏi thi, đặc biệt là hệ thống ngân hàng câu hỏi thi hình thức thực hành, tích hợp các hình thức; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi theo thang rubric; đồng thời đưa hệ thống ngân hàng câu hỏi thi đã được nghiệm thu vào quản lý, khai thác trên phần mềm do Cục Đào tạo trang cấp.

Bốn là, thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác khảo thí, kiểm định, đảm bảo chất lượng nói chung và công tác đổi mới thi, kiểm tra đánh giá nói riêng nhằm nâng cao kiến thức, trình độ cho lãnh đạo, cán bộ, giáo viên các đơn vị.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy và học và các phương tiện phục vụ công tác thi, kiểm tra đánh giá; kịp thời sửa chữa, nâng cấp sân bãi, thao trường, phòng thực hành phục vụ cho việc dạy và học, tự nghiên cứu của học viên.

Sáu là, thường xuyên tổ chức các Hội nghị sơ kết, tổng kết và hội thảo khoa học về đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên để hoạt động này thực sự đi vào nền nếp và có chiều sâu.

Trung tá Phạm Thị Phương Thanh, Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí và ĐBCLĐT

Biên tập: Phương Thảo, Phòng HCTH                                           



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi